Luồng gió mới trong quan hệ Việt - Pháp

PV (tổng hợp) 05/09/2016 08:05

Chuyến thăm Việt Nam cấp Nhà nước từ 5 đến 7/9 của Tổng thống Pháp Francois Hollande là chuyến thăm Việt Nam sau 12 năm của một Tổng thống Pháp,kể từ khi Tổng thống Jacques Chirac đến thăm hồi 2004; đặc biệt sau khi hai nước đã trở thành Đối tác Chiến lược vào năm 2013.

Triển lãm Chủ tịch Hồ Chí Minh với tình hữu nghị Việt - Pháp, kỷ niệm 70 năm
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm chính thức Cộng hòa Pháp (1946-2016), 71 năm
Cách mạng Tháng Támthành công và Quốc khánh 2-9, ngày 18/8 tại Hà Nội.

Tổng thống Francois Hollande dự kiến hội đàm với Chủ tịch nước Trần Đại Quang và có các cuộc gặp với lãnh đạo Đảng, Chính phủ và Quốc hội Việt Nam; dự kiến có bài phát biểu tại Đại học Quốc gia Hà Nội về tương lai chung Việt - Pháp, định hướng mới trong quan hệ hợp tác giữa hai nước. Ông Hollande có kế hoạch gặp các lãnh đạo TP HCM; giới doanh nghiệp. Ông cũng sẽ tới thăm Viện Tim TP HCM, biểu tượng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực y tế.

Dự kiến có hơn 20 văn bản sẽ được ký kết trong chuyến thăm này của Tổng thống Francois Hollande. Đáng chú ý là hợp đồng cung cấp dịch vụ giữa Airparif, Hiệp hội kiểm tra chất lượng không khí của vùng Ile de France và UBND TP Hà Nội. Mục tiêu của thỏa thuận là thiết lập hệ thống giám sát chất lượng không khí tại Hà Nội, đề xuất các chính sách công nhằm cải thiện chất lượng không khí.

Sau khi thiết lập trạm demo, Pháp sẽ giúp Hà Nội tìm hiểu nguyên nhân khiến ô nhiễm không khí từ đâu và tư vấn về giải pháp; Thoả thuận của Cơ quan phát triển Pháp (AFD) về ứng phó với biến đổi khí hậu tại các tỉnh Hà Tĩnh, Ninh Bình và Cần Thơ cũng sẽ được xem xét, liên quan đến khoản vay 52,5 triệu euro và khoản viện trợ không hoàn lại một triệu euro nhằm tài trợ chống tình trạng nước biển dâng. Sự đóng góp của AFD cho chương trình hỗ trợ ngân sách ứng phó với BĐKH sẽ lên đến 100 triệu euro trong năm nay và 50 triệu euro vào 2017 -2018.

Pháp hiện là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU). Kim ngạch thương mại hai chiều năm ngoái đạt 4,3 tỷ USD. Về đầu tư, Pháp là nước đứng thứ 3 châu Âu, và đứng thứ 16 trong các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký hơn 3,4 tỷ USD. Pháp quan tâm đến hợp tác với Việt Nam về năng lượng, hàng không vũ trụ, phát triển cơ sở hạ tầng, nông nghiệp.

Về ODA, Pháp là nhà tài trợ châu Âu song phương hàng đầu cho Việt Nam, Pháp dành cho Việt Nam 110 triệu USD năm ngoái. Việt Nam đứng thứ hai trong số các nước hưởng ODA của Pháp tại châu Á, với tổng vốn cam kết lên đến 18,4 tỷ USD, tính từ 1993.

Hiện cộng đồng người Việt ở Pháp có 300.000 người, phần lớn đã có quốc tịch.

Ông Francois Hollande là Tổng thống thứ 3 của Pháp thăm Việt Nam sau chuyến thăm của Tổng thống Francois Mitterrand năm 1993 và Tổng thống Jacques Chirac năm 1997 và năm 2004.

Chuyến thăm của Tổng thống Pháp tới Việt Nam đã thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế. Chuyên gia phân tích quân sự Jean Vincent Brisset cho rằng, chuyến thăm Việt Nam lần này có ý nghĩa quan trọng trong cả chính sách đối ngoại và đối nội của chính quyền Tổng thống Francois Hollande.

Chuyên gia về quan hệ Việt Pháp Pierre Journoud cho rằng, ngày nay nước Pháp không thể đặt cược mọi thứ vào các công ty lớn như Airbus hay Areva hay EDF bởi có những phân khúc thị trường khác rất đa dạng và bởi lẽ thị trường Việt Nam hiện nay chứng kiến sự cạnh tranh rất lớn. Nước Pháp còn có một nền kinh tế khác rất đa dạng và giàu sáng tạo, đó là các công ty vừa và nhỏ, thậm chí rất nhỏ (PME) nhưng trẻ trung, năng động và sáng tạo, là các công ty start-up.

Hiện nay, tại Pháp, có khoảng 270 - 400 Quỹ đầu tư doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động và mức đầu tư cao nhất phổ biến là khoảng 3,5 triệu euro vào một start-up. Năm 2015, số vốn đầu tư vào các start up tăng mạnh ở Pháp, tăng đến 40% so với năm 2014, đạt 2,6 tỷ euros; trong đó đầu tư vào các start-up kỹ thuật số đạt 1,8 tỷ euros. Trong chuyến thăm Việt Nam, dự kiến Tổng thống Pháp sẽ đi thăm French Tech Viet- Cộng đồng các doanh nghiệp khởi nghiệp của Pháp hiện có hơn 800 thành viên tham gia, trong đó có hơn 120 công ty và một số chủ doanh nghiệp nhỏ, hoạt động trong lĩnh vực công nghệ mới như: giải pháp tin học, viễn thông, chính phủ điện tử, nghe nhìn, thương mại điện tử, an ninh mạng, đào tạo từ xa…

Theo Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Pháp Nguyễn Hải Nam, thì còn nhiều lĩnh vực hai nước chưa khai thác và các doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhiều cơ hội nếu chủ động tiếp cận thị trường. Nhỏ, gọn, năng động là những lợi thế của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thêm tính sáng tạo của các start-up, đây sẽ là những động lực quan trọng và là giải pháp cần thiết để tăng hiệu quả quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư Việt - Pháp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Luồng gió mới trong quan hệ Việt - Pháp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO