Những ngày qua, câu chuyện ông Giám đốc Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội (Nhổn) Nguyễn Mạnh Hùng bị tố đã tư lợi tiền chấm công của các HLV, VĐV gây xôn xao dư luận. Tất nhiên ngay lập tức vị Giám đốc này đã tổ chức một cuộc gặp gỡ với báo chí và có sự tham dự của các HLV, VĐV để “ba mặt một lời”, nhưng dư luận vẫn râm ran những chuyện không hay…
Ông Nguyễn Mạnh Hùng. nguồn: vtc.vn.
Thể thao Việt Nam không có nhiều những VĐV có thể sống khỏe bằng nghề. Với phần lớn VĐV nước nhà, đều đang gặp vô vàn khó khăn khi theo nghiệp thể thao. Đem câu hỏi hỏi các VĐV rằng: “Lương mỗi tháng được nhận bao nhiêu?” Đa số đều trả lời “ít lắm”, hoặc là im lặng.
Theo quy định mới nhất, lương của mỗi VĐV thuộc ĐTQG chỉ khoảng trên dưới 4 triệu, còn những VĐV trẻ thì ít hơn nhiều. Những nhà quản lý thể thao nước nhà bao năm qua luôn trăn trở về đời sống khó khăn VĐV, nhưng họ cũng bất lực, bởi ngân sách hạn chế và bản thân nhiều môn thể thao không thể làm tốt công tác xã hội hóa.
Những VĐV có đôi chút thành tích quốc tế còn có tiền thưởng huy chương, với các VĐV không có thành tích hoặc là VĐV trẻ thì xác định chỉ tập chay. Đa số chỉ xác định theo nghiệp như một sự đam mê và tất cả vẫn phải bươn trải với những nghề tay trái, có người sớm giải nghệ mới lo được cho cuộc sống bản thân, gia đình.
Với các VĐV thể thao, tiền lương thường được gắn liền với những thành tích cụ thể. Các VĐV tâm sự, nếu như năm nào có huy chương còn có tiền thưởng, chứ không thì coi như tay trắng về quê mỗi dịp lễ Tết.
Sự khác biệt của các VĐV Việt Nam với các đồng nghiệp thế giới đòi hỏi những nhà quản lý thể thao nước nhà cần phải tạo ra một hệ thống luyện tập, đào tạo, thi đấu, tuyển chọn VĐV thực sự khoa học, bên cạnh nỗ lực phấn đấu của mỗi VĐV. Quan trọng hơn nữa, việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa cần cho thấy sự hiệu quả và cấp bách hơn bao giờ hết, để đời sống VĐV được đảm bảo, thay vì chỉ trông chờ vào tiền lương ít ỏi từ ngân sách nhà nước.
Khó khăn là vậy, nhưng thỉnh thoảng trong giới thể thao vẫn xuất hiện những câu chuyện liên quan đến việc các VĐV bị “ăn chặn” tiền công hay tiền ăn và nhiều chế độ khác. Như vụ ông Giám đốc Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội, tuy rằng chưa rõ thực hư như thế nào.
Thể thao Việt Nam nghèo lắm rồi, VĐV cũng khổ lắm, mong rằng họ được quan tâm hơn để có thể yên tâm cống hiến.