Một lần nữa, câu chuyện về chuẩn mực của nghề báo lại được đề cập tại diễn đàn “Đạo đức người làm báo trong kỷ nguyên số” trong khuôn khổ của Hội báo toàn quốc 2017 đang diễn ra tại Hà Nội. Hiện, bản lĩnh, lương tâm, trách nhiệm nghề báo được dư luận hết sức quan tâm. Âu cũng bởi trong xu thế phát triển, mạng xã hội đang dần trở thành một “thế lực” thách thức báo chí hiện đại.
Cuối năm 2016, Hội Nhà báo Việt Nam đã công bố 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo. Theo đó, từ ngày 1/1/2017, Luật Báo chí 2016 bắt đầu có hiệu lực và Quy định đạo đức người làm báo đã bổ sung, sửa đổi sẽ được thực thi cùng lúc với Luật Báo chí 2016.
Trong số 10 quy định, Điều số 3 yêu cầu người làm báo phải hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi; Điều số 5 yêu cầu người làm báo phải chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác; Điều số 9 yêu cầu người làm báo giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam…
Phân tích từ các chuyên gia cho thấy, ở Việt Nam hiện có hơn 35 triệu người dành thời gian trung bình hơn 5 tiếng mỗi ngày lên mạng Internet, mạng xã hội, nhất là Facebook.
Các phóng viên khai thác thông tin quốc tế của Việt Nam hiện nay đều có tài khoản trên các mạng xã hội lớn như Twitter kết nối với các cơ quan báo chí quốc tế vì đây là nguồn tin rất nhanh.
Song do các đặc điểm như tính mở, thông tin nhanh nhạy nhưng “ảo”, khó sàng lọc khiến mạng xã hội tiếp tay cho nhiều loại hình tội phạm mới. Đặc biệt là việc xuất hiện một số phóng viên không kiểm chứng nguồn tin đã chính thống hóa thông tin trên mạng xã hội thành tin, bài trên báo, dẫn đến những hậu quả khó lường, nhất là trên các báo điện tử thiên về giải trí.
Mạng Internet, trong đó có mạng xã hội đã làm thay đổi cách thức làm báo từ việc tìm hiểu thông tin, tiếp cận nguồn, khai thác thông tin đến truyển tải thông tin.
Đặc biệt, trong vài năm gần đây, số lượng phát hành của các tờ báo in ở Việt Nam đã giảm đáng kể. Xu hướng đọc báo của công chúng hiện nay là tìm thông tin trên báo điện tử và các trang mạng.
Thực tế cũng cho thấy, nhiều tờ báo bỏ qua khâu thẩm định để đăng tải ngay thông tin từ mạng xã hội, gây nhiễu loạn thông tin, ảnh hưởng nghiêm trọng đến xã hội. Điều này thực sự đáng lo ngại, khi Việt Nam hiện có gần 35 triệu người sử dụng internet, trong đó có khoảng 30 triệu người sử dụng các trang mạng xã hội, phổ biến nhất là facebook.
Thời đại kỷ nguyên số đã tác động không nhỏ tới hoạt động báo chí cũng như đạo đức của người làm báo hôm nay. Bàn về câu chuyện đạo đức, lương tâm và trách nhiệm của người cầm bút, không thể không nhắc tới cuốn sách của nhà báo Hữu Thọ tựa đề “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc”, xuất bản năm 2001.
Đây là tập sách bao gồm các bài viết, bài nói chuyện của nhà báo Hữu Thọ về nghề báo. Tuy mỗi bài ở đây đề cập đến một vấn đề khác nhau xung quanh nghề báo, nhưng sâu thẳm trong đó có chung một mục đích là những lời nhắn gửi sâu sắc và tâm huyết tới các nhà báo trẻ về bản lĩnh, đạo đức và lương tâm của người làm báo, là những trăn trở của ông về nghề báo trước những vấn đề của xã hội, trăn trở về những điều nhà báo cần phải vượt qua trong quá trình đi tìm chân lý; đặt ra cho nhà báo những nghĩ suy và trách nhiệm trong thời kỳ phát triển mới của đất nước…
Giải thích về tựa đề của cuốn sách, ông từng khẳng định: Nhà báo cần phải có “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc”, nghĩa là phải có bản lĩnh, đạo đức và lương tâm, phải trung thực, có tinh thần đấu tranh và năng lực nghề nghiệp. Những điều ấy, người tham gia viết báo, làm báo phải luôn luôn ghi nhớ trong đầu, không được để cho những vật chất và ham muốn tầm thường làm mờ mắt.
Trách nhiệm, đạo đức, lương tâm của người cầm bút là những yêu cầu cần thiết để góp phần hoàn thiện chuẩn mực của người làm nghề báo. Dù xã hội có phát triển thế nào, những lời nhắc nhở về đạo đức nghề báo của một nhà báo lão thành với các thế hệ sau luôn là một bài học quý giá.