Vụ gian lận kết quả xét nghiệm, bớt xén vật tư y tế trong quy trình xét nghiệm HIV và viêm gan B tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Xanh Pôn (Hà Nội) gây bất bình và hoang mang trong dư luận.
Mặc dù các cơ quan hữu quan đã nhanh chóng vào cuộc, yêu cầu sớm làm rõ thông tin để đảm bảo quyền lợi cho người khám bệnh, nhưng người ta vẫn băn khoăn: Còn bao nhiêu vụ việc tương tự ở các cơ sở khám chữa bệnh khác chưa được phát hiện? Đây có phải những gian lận có tính chất hệ thống trong ngành y tế lâu nay hay không?
Cần nhân rộng những tấm gương “lương y như từ mẫu” để đấu tranh với những biểu hiện vi phạm y đức. Nguồn: Phutho Online.
Là bệnh viện hạng nhất của thuộc Sở Y tế Hà Nội, mỗi ngày, BVĐK Xanh Pôn có hàng trăm lượt bệnh nhân từ khắp nơi đến khám và điều trị bệnh, trong đó, không ít trường hợp thực hiện các xét nghiệm miễn dịch phổ biến như HIV và viêm gan B. Theo quy trình chuẩn xét nghiệm nhanh HIV và viêm gan B, mọi thao tác đều phải tuân thủ nguyên tắc. Tuy nhiên, điều đáng nói là quy trình thao tác của những kỹ thuật viên tại đây lại khác hẳn hướng dẫn sử dụng. Sau khi bóc lớp giấy bảo vệ ra khỏi que thử, nhân viên dùng kéo cắt que thử ra làm đôi, vệt kéo cắt vào giữa vị trí của vạch hóa chất xét nghiệm. Với thao tác này, 1 que thử dành cho 1 bệnh nhân đã được tách làm 2. Với phương pháp xét nghiệm hết sức “tiết kiệm” như nhân viên y tế của BVĐK Xanh Pôn đã làm, mỗi ngày có hàng chục bệnh nhân ra về với kết quả trên tay mà không hề biết rằng chỉ có một nửa số vật tư y tế được sử dụng để các kỹ thuật viên làm xét nghiệm. Trong khi đó, số tiền xét nghiệm lại vẫn phải đóng đủ theo quy định.
Theo các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực hóa sinh, đây là hành vi không thể chấp nhận được bởi hoàn toàn có thể làm sai lệch kết quả xét nghiệm của người bệnh.
Sau khi vụ việc được phát giác, kỹ thuật viên làm xét nghiệm tại BVĐK Xanh Pôn cũng đã thừa nhận làm sai quy trình và cho hay: Nếu làm theo phương pháp này, cứ 2 bệnh nhân xét nghiệm thì sẽ dư ra 1 que thử mới. Trung bình một ngày, hàng trăm bệnh nhân thực hiện xét nghiệm HIV và viêm gan B thì số lượng que thử dư ra là không hề nhỏ.
Ngay trong sáng 10/12, lãnh đạo BVĐK Xanh Pôn đã có giải trình xung quanh sự việc hàng ngàn que thử HIV, viêm gan B bị cắt đôi trước khi được tiến hành xét nghiệm. Theo đó, lãnh đạo BV cho biết các que thử bị cắt đôi là hàng tài trợ, dùng để thử nghiệm. Dẫu thế lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội chưa chấp nhận giải trình này và yêu cầu phải làm rõ, xử lý nghiêm khắc.
Vụ việc gian lận xét nghiệm rung động này khiến nhiều người liên tưởng tới vụ nhân bản xét nghiệm đã từng xảy ra ở BV Hoài Đức (Hà Nội). Các nhân viên y tế BVĐK Hoài Đức đã nhân bản 800 kết quả xét nghiệm huyết học khống để thanh toán gần 17 triệu đồng bảo hiểm. Cụ thể là việc lấy mẫu máu bệnh nhân nhưng không làm xét nghiệm mà vứt đi, rồi in nhiều kết quả từ một mẫu khác để trả cho người bệnh.
Sai sót y khoa là những sự cố không tránh khỏi, nhưng thực tế có không ít sai sót đến từ sự vô trách nhiệm, thiếu lương tâm của người làm nghề. Không chỉ những vụ gian lận kết quả xét nghiệm được nêu trên, việc xét nghiệm ở các cơ sở y tế lâu nay cũng còn nhiều vấn đề nhức nhối. Thậm chí ngay tại các BV lớn, có không ít xét nghiệm chưa được làm đến nơi đến chốn để giúp chuẩn đoán bệnh chính xác cho bệnh nhân; có những xét nghiệm được “vẽ” ra để người bệnh phải tiêu tiền. Cơ cực nhất là người nghèo, phải vay tiền chuyển viện từ tuyến dưới lên tuyến trên, tốn kém đủ thứ tiền khám chữa, xét nghiệm nhưng bệnh tình không khỏi. Có những bệnh nhân bị sốt xuất huyết với triệu chứng đau đầu, nhưng nhân viên y tế đã yêu cầu phải chụp cộng hưởng từ (rất tốn tiền) để xác định xem có bị u não,viêm màng não hay không…
Ghi nhận những hi sinh thầm lặng, những đóng góp to lớn của những cán bộ ngành y tế đang ngày đêm cần mẫn chăm sóc phục vụ người bệnh, cho dù phải đối mặt với nguy hiểm bởi nguy cơ lây nhiễm rất cao; có những thầy thuốc quên ăn, quên ngủ với hi vọng sớm tìm ra căn nguyên của những căn bệnh quái ác, giành lại sự sống cho người bệnh; có những người trực tiếp hiến máu cứu người bệnh... Nhưng dư luận cũng rất bất bình trước những việc làm thiếu trách nhiệm, vô lương tâm của những người khoác áo blouse trắng trong những trường hợp nêu trên. Bởi những vi phạm trong ngành y đang làm mất lòng tin của người dân vào thầy thuốc, làm mất uy tín ngành y tế. Trong khi để chữa bệnh cứu người, điều cốt lõi nhất cần đề cao y đức. Mà y đức xuất phát từ lương tâm và trách nhiệm, nhiệt huyết của những người làm nghề y.