Với việc ra mắt những tour “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, chuyển đổi số đang tạo ra những hướng phát triển chuyên nghiệp, bền vững cho ngành du lịch. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đón 5 triệu khách du lịch trong năm 2022 là thách thức không hề nhỏ trong thời gian tới.
Sau hơn hai tháng kể từ khi Việt Nam chính thức mở cửa hoàn toàn các hoạt động du lịch (15/3), lượng du khách quốc tế đến Việt Nam có dấu hiệu khả quan.
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, tháng 3/2022, Việt Nam đón được 15 nghìn lượt khách du lịch quốc tế, tháng 4/2022 đón được 80 nghìn lượt khách. Tính chung 4 tháng đầu năm đón được 102.358 lượt khách nước ngoài.
Vẫn còn hạn chế cần tháo gỡ
Tuy nhiên, mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế trong năm 2022 lại đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho ngành du lịch, thậm chí nếu không có sự thay đổi thì đây là nhiệm vụ bất khả thi.
Mới đây, trong văn bản của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân gửi Thủ tướng Chính phủ cũng đã đưa ra phân tích về những “rào cản” về du lịch với nguyên nhân lớn nhất là các thị trường lớn truyền thống của Việt Nam chưa sẵn sàng hoạt động trở lại. Trong đó có Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Theo ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban thư ký Hội đồng tư vấn du lịch (TAB), hiện nay còn nhiều lý do khiến lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa đạt như kỳ vọng, trong đó có việc Việt Nam chưa đẩy mạnh truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch ra nước ngoài. Hiện nay, việc truyền thông và cung cấp thông tin cho các đối tác quốc tế chủ yếu do các doanh nghiệp tự thực hiện; trang web vietnam.travel và các trang mạng xã hội thiếu cập nhật thường xuyên.
Cũng theo ông Chính, chính sách thị thực nói chung chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của giai đoạn mới, chưa có tính cạnh tranh với các nước trong khu vực.
Đặc biệt, với thị thực tại cửa khẩu vẫn phải cần giấy “chấp thuận visa,” cần nhiều loại giấy tờ thủ tục nhiêu khê hơn so với trước Covid-19. Thị thực điện tử (e-visa) chưa có cơ chế xác nhận ngày trả lời kết quả và chưa giải thích lý do vì sao hồ sơ bị từ chối.
Chuyển đổi số để cạnh tranh
Theo Chủ tịch Hiệp hội khách sạn Việt Nam Đỗ Hồng Xoan, hiện nay ngành du lịch đang nhận được tác động mạnh mẽ của chuyển đổi số. Thực tế, có đến 3/4 các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ gặp khó khăn khi áp dụng chuyển đổi số.
Do đó, trong quá trình áp dụng công nghệ chuyển đổi số thì các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ rất trăn trở bởi đây là câu chuyện vừa phải có chính sách từ Trung ương đến các bộ đến tổng cục du lịch đến hiệp hội cũng như sự chuyển đổi từ các sở địa phương mới có thể theo kịp được.
Cũng theo bà Xoan, hiện nay để nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường nội địa và cả quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp cũng đã nhận ra muốn tiếp cận khách hàng cũng như giữ chân họ ở lại cơ sở mình lâu dài thì đã đến lúc không thể kinh doanh truyền thống.
Đặc biệt, hậu đại dịch, việc số hóa sẽ càng khó khăn hơn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ bởi công nghệ còn yếu, chưa có quy trình quản lý, chưa có công nghệ thông tin đi sâu vào từng bộ phận để tạo ra quá trình hoạt động chuyên nghiệp, quy trình khép kín.
Để giải bài toán này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc cho rằng, chuyển đổi số là một quá trình khó khăn, đòi hỏi sự đổi mới về tư duy nhận thức, sự phối hợp chặt chẽ để hành động; kiến thức, năng lực và nguồn lực để triển khai thực hiện.
Ông Phúc cũng cho biết sẽ xây dựng một hệ thống thống nhất về nền tảng số du lịch trên toàn quốc ngay trên hệ thống quản lý nhà nước trong thời gian tới; những đơn vị nào chưa xây dựng nền tảng sẽ được hỗ trợ, còn những đơn vị đã thực hiện và có nền tảng thì dữ liệu sẽ được liên kết về nền tảng chung.
Trong chương trình chuyển đổi số quốc gia, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ VHTTDL chủ trì với Bộ TTTT xây dựng nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch, trên cơ sở nền tảng chung này, các dữ liệu sẽ được chia sẻ lên các sàn thương mại điện tử đã có, để các doanh nghiệp, du khách có thể khai thác và trải nghiệm. Nền tảng này, hoạt động và cung cấp dữ liệu hoàn toàn miễn phí.
“Để có một nền tảng chung phát triển trong tương lai thì cần sự đóng góp dữ liệu từ người dùng. Trong kế hoạch chuyển đổi số quốc gia, chúng tôi cũng đề ra nhiệm vụ trọng tâm là tập trung hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam liên thông với các cơ quan quản lý Nhà nước, từ đó cùng chia sẻ lên để du khách và doanh nghiệp có thể cùng sử dụng được” - ông Phúc nói.
Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính Trương Gia Bình: Mở rộng danh sách miễn thị thực
Để đạt mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2022 và góp phần giúp du lịch “bứt phá” sau đại dịch, Việt Nam cần mở rộng danh sách miễn thị thực cho các nước Mỹ, Ấn Độ, Canada, Australia, New Zealand, Thụy Sĩ, Bỉ, Hà Lan để không bị lệ thuộc vào các thị trường truyền thống.
Bên cạnh đó, tăng thời gian miễn thị thực cho các thị trường xa như Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italia và các nước Bắc Âu từ 15 lên 30 ngày. Cho phép khách du lịch từ các quốc gia được miễn thị thực được phép tái nhập cảnh nhiều lần để kéo dài thời gian lưu trú của khách, qua đó tăng doanh thu cho ngành Du lịch.
Cần chủ động đổi mới hình thức, đa dạng hóa các thị trường nguồn để tiếp thị, quảng bá du lịch, lan tỏa hình ảnh, văn hóa, giá trị nổi bật của Việt Nam tới du khách quốc tế.
PGS.TS Phạm Hồng Long - Trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội: Chú trọng khai thác thị trường Đông Nam Á
Tôi cho rằng thị trường Đông Nam Á vẫn là dòng khách tiềm năng mà du lịch Việt Nam có thể tập trung thu hút, do khoảng cách về mặt địa lý, thuận tiện về giao thương, bên cạnh sự thông thoáng về mặt thủ tục xuất nhập cảnh (do họ được miễn thị thực).
Các quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Phillipines đều là những quốc gia có dân số lớn và người dân ở những quốc gia này có nhu cầu đi du lịch ở các quốc gia lân cận.
Cùng với đó, để sẵn sàng đón khách từ các thị trường lớn trở lại, chúng ta cần bổ sung nhân lực khi mà nguồn nhân lực đã dừng việc hoặc chuyển đổi nghề nghiệp không quay lại, đặc biệt là những lao động thành thạo tiếng Nhật và tiếng Hàn.
Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật bị xuống cấp cần tu bổ, nâng cấp; chuỗi cung ứng các dịch vụ du lịch bị đứt gẫy phải chắp nối để vận hành thông suốt…