Lưu luyến Nà Tăm

Đăng Khoa - Minh Phong 08/07/2015 15:15

Ngày thứ 3 ở Sa Pa (Lào Cai), anh Tùng - thổ địa ở vùng đất này khuyên chúng tôi nên tranh thủ đi Tam Đường (Lai Châu). “Đừng bỏ qua Nà Tăm nhé”, lời anh Tùng nhắn khi chúng tôi nhảy lên chiếc xe máy vừa thuê từ thị trấn du lịch xinh đẹp này.

Lưu luyến Nà Tăm

Bình yên Nà Tăm

Chúng tôi vượt đèo Ô Quy Hồ, xuyên những vạt sương mờ ảo quyến rũ. Thoáng chốc, đã thấy mảnh đất Lai Châu hiện ra trước mặt. “Ở ven trời Tây Bắc có Lai Châu”, câu thơ của ai đó bất chợt vang lên trong đầu chúng tôi. Vậy là hơn 40 km đường đèo dốc đã ở phía sau lưng. Từ Tam Đường, ngay lập tức chúng tôi hỏi đường đến xã Nà Tăm.

Đường vào Nà Tăm phải đi qua rất nhiều con dốc quanh co. Xa xa là núi non cao vút. Vất vả khó khăn là vậy nhưng khi đến với xứ sở có 100% đồng bào dân tộc Lào sinh sống với nhiều nét văn hóa độc đáo cùng nghề trồng trọt, chăn nuôi, đan lưới và dệt vải, chúng tôi thấy lời khuyên của anh Tùng quả thật chí lý.

Lưu luyến Nà Tăm - 1

Phụ nữ Nà Tăm với tục nhuộm răng

Xứ răng đen

Những người phụ nữ dân tộc Lào, dù đang làm nương, hái rau, dệt vải hay chợt gặp bên đường đều nở nụ cười rất tươi chào khách phương xa. Nụ cười ấy giúp những người lần đầu đến Nà Tăm như chúng tôi nhận ra ngay một điều: đây là xứ sở của những người phụ nữ nhuộm răng đen. Những hàm răng đen “rưng rức hạt na” tưởng gần như biến mất ở dưới xuôi, chỉ còn gặp ở lớp người 70, 80 tuổi ở nông thôn thì nay đang đen nhánh trước mắt. Chỉ có điều, phụ nữ Nà Tăm không đen đều tăm tắp cả hàm, mà độc đáo ở chỗ, một chiếc răng vàng điểm xuyết, lấp lánh ở hàm trên, đã tạo nên nét đẹp riêng không bắt gặp ở bất cứ đâu ngoài Nà Tăm.

Chúng tôi may mắn gặp chị Hoàng Thị Sánh. Chị Sánh cho biết: Người Nà Tăm gọi tục nhuộm răng là “tèm khèo” và được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Bởi, với người Lào nơi đây, nhuộm răng không chỉ là để răng chắc, đẹp mà còn thể hiện sự chăm chỉ, khéo léo, tính kiên trì của người phụ nữ.

Chị Sánh còn kể, xưa kia, các cô gái tầm 12, 13 tuổi đã bắt đầu được mẹ sắm cho dụng cụ nhuộm răng gọi là “pẳng tèm khèo” (đó là một thanh sắt mỏng). Đó cũng chính là vật bất li thân trong suốt cuộc đời người phụ nữ Nà Tăm. Ai giữ được “pẳng tèm khèo” càng lâu càng được coi là vật quý.

Nhiều người phụ nữ Nà Tăm mà chúng tôi gặp còn bảo, họ vẫn được truyền tai nhau rằng đi lấy chồng có quên cái gì thì quên nhưng dứt khoát không thể không mang theo “pẳng tèm khèo”. Bởi lẽ, người Nà Tăm nhuộm răng hàng ngày, nhuộm răng suốt đời chứ không phải chỉ nhuộm trong một thời gian ngắn như người dưới xuôi. Nhuộm răng đã trở thành một “nghi thức” để đánh giá một phụ nữ tốt. Cô gái nào lơ là nhuộm răng sẽ bị cho là lười biếng, không đẹp hoàn hảo cả tính lẫn nết trong mắt người Nà Tăm.

Để nhuộm được răng đen, người Lào có bí quyết riêng. Theo ông Vàng Văn Xi (Bí thư Đảng ủy xã Nà Tăm), đó chính là ở cây tỉu - một loại cây có nhựa cay, vị thơm. Cây tỉu thường mọc ở rừng sâu, khó tìm và hiếm. Ngay từ khi còn nhỏ, những bé gái đã được bà, được mẹ dẫn đi rừng để chỉ cho nơi thường có cây tỉu. Mỗi khi lên rừng, bắt gặp cây tỉu, người Nà Tăm thường lấy về phơi khô để dự trữ. Mỗi khi ăn cơm xong hoặc trước khi đi ngủ, các bà các cô thường ngồi bên bếp lửa, lấy một đoạn cây tỉu đốt thành than hồng rồi cà liên tục vào “pẳng tèm khèo”. Nhựa cay và thơm nồng tỏa lên khắp nhà, cứ bám chặt, dày lên “pẳng tèm khèo” theo năm tháng. Khi cà thấy đủ nhựa, các bà các cô lấy ngón tay trỏ chấm nhựa còn đang nóng, đưa qua đưa lại trên khắp hàm răng của mình để nhuộm. Quy trình cứ lặp đi lặp lại như thế trong khoảng 20 phút. Người nào kiên nhẫn, cẩn thận còn chăm chút cho hàm răng của mình nửa tiếng mỗi tối. Cứ như thế, ngày nối ngày, năm nối năm. Suốt cuộc đời của người phụ nữ Nà Tăm trôi qua êm đềm bên bếp lửa hồng ấm sực, trong khói cây tỉu cay và thơm nồng tỏa khói vấn vít. Đó là một “nghi thức” nhưng đồng thời cũng là phút nghỉ ngơi, thư giãn, làm đẹp của những người phụ nữ.

Tuy nhiên, nhiều bà, nhiều cô ở Nà Tăm cũng chạnh buồn khi xứ răng đen đang có nguy cơ mai một tục lệ đẹp này. Bởi thời hiện đại, con cháu họ dần dà không còn thích thú, kiên trì hàng tối bên bếp lửa như trước nữa. Những cô gái trẻ bắt đầu thích để răng trắng. Thậm chí có những cô đã nhuộm rồi lại cạo cho trắng đi. Nghe chuyện chúng tôi cũng thông cảm với họ. Âu cũng là để hội nhập, bởi lẽ đường sá đã thuận lợi hơn, phụ nữ Nà Tăm cũng như cánh đàn ông có nhiều cơ hội đi ra với thế giới bên ngoài, không chỉ quanh năm suốt tháng ngồi bên bếp lửa nữa. Hàm răng đen đẹp ở xứ mình có khi lại không thuận mắt ở xứ người. Song vẫn buồn, một nỗi buồn bâng khuâng khó tả.

Lưu luyến Nà Tăm - 2

Người phụ nữ dân tộc Lào bên khung cửi

Sống bên nguồn nước

Những ngày ở Nà Tăm, chúng tôi còn được nghe nhiều câu chuyện kể về những tập tục văn hóa của người Lào ở vùng đất này. Đó là lễ hội Bun Vốc Nặm (lễ hội té nước). Vui nhất là phần hội, mọi người kéo nhau ra suối và bắt đầu té nước. Cả đoạn suối trở nên sống động vô cùng, và cũng rất màu sắc bởi ai nấy đều mặc những trang phục đẹp nhất để tham gia lễ hội. Người dân tộc Lào quan niệm, trong ngày hội này, ai càng ướt nhiều càng may mắn. Vì thế họ không ngại té nước vào nhau, ngay cả khách đến dự cũng được té cho ướt như một lời chúc may mắn… Khi kết thúc, mọi người cùng nhau về bản nâng chén rượu và thưởng thức các món đặc sản của dân tộc Lào…

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, đây là lễ hội rất đặc sắc, kết tinh nhiều nét văn hóa lâu đời của dân tộc Lào ở Nà Tăm. Sau một thời gian dài không được tổ chức, tháng 11-2008, Sở VHTT&DL tỉnh Lai Châu đã phối hợp với huyện Tam Đường tổ chức Lễ hội té nước - Bun Vốc Nặm tại xã Nà Tăm và từ đây sẽ tổ chức đều đặn lễ hội đặc sắc này…

Lý giải vì sao ở Nà Tăm lại có lễ hội độc đáo như vậy, ông Vàng Văn Xi cho rằng, vì người Lào ở Nà Tăm sinh sống ở gần nguồn nước. Đó là con suối Nậm Dê, Nậm Mu hiền hòa. Chính bởi vậy, ngoài lễ hội té nước, người Lào ở xã Nà Tăm còn thạo làm chài, lưới, các dụng cụ đánh bắt cá cũng như tìm kiếm các nguồn thực phẩm từ sông nước cải thiện bữa ăn trong sinh hoạt hằng ngày và thiết đãi khách khi đến gia đình.

Chúng tôi đã đứng rất lâu trên cây cầu Tòng Pẳn vắt ngang con suối Nậm Dê và nhìn những người đàn ông bắt cá dưới dòng suối trong vắt. Hỏi chuyện mới hay, hầu hết đàn ông trong xã Nà Tăm đều biết đan chài. Cũng giống như hầu hết phụ nữ Nà Tăm đều biết nhuộm răng đen vậy. Họ biết, để phục vụ nhu cầu gia đình là chính.

Sau đó, được biết ở bản Nà Ít có ông Lò Văn Khôn - một trong những người đan chài giỏi nhất xã lập tức chúng tôi tìm đến. Tiếp chúng tôi, ông Khôn cho biết, trước kia người dân nơi đây phải đan chài bằng sợi chỉ bông se kỹ. Còn giờ, mua cước rất dễ mà giá cả cũng không hề đắt nên ông thường xuyên mua dây cước ngoài chợ để đan chài, đan lưới.

Lưu luyến Nà Tăm - 3

Lễ hội té nước

Ông Lò Văn Khôn cho biết, quy trình và kỹ thuật đan chài ở Nà Tăm có thể tóm lược như sau: Dây cước là vật liệu chính, kim đan (móc) bằng tre hoặc trúc, vót 2 đầu nhọn có ngạnh ở giữa có lỗ thủng để cho cước qua. Sau khi đan bện xong dây nóc chài thì người ta tiến hành đan từ trên xuống, khi đan gần đến phần miệng thì có một vòng tròn được làm bằng mây hoặc tre vót vòng tròn để làm cân thân chài và để người làm dễ đan. Đặc điểm chính của chài là phía trên bao giờ mắt chài cũng được đan thưa, càng xuống phía dưới đáy mắt chài càng dày. Khi đan xong phải mắc vào miệng chài một vòng xích sắt (gồm những vùng tròn nhỏ, đường kính khoảng 1,5 - 2cm, móc vào nhau) đủ nặng để khi quăng đánh bắt cá và các loài thuỷ sản khác không thể chui thoát ra ngoài.

Chia tay ông Lò Văn Khôn, chúng tôi lại tiếp tục tìm đường đến bản Nà Luông. Đi qua cánh đồng Coóc Cuông trù phú, cảm nhận được ngay người dân ở đây cần mẫn, chịu khó trồng đậu tương, ngô và dong riềng. Nhưng như lời ông Vàng Văn Xi nói, thủ phủ của dong riềng phải là bản Phiêng Giằng. Ở đây có những cánh đồng đạt giá trị hơn 110 triệu đồng/ha/năm. Lại có những gia đình nuôi hàng chục con trâu, bò và cả những hộ có trong tay năm, bảy ha rừng nguyên liệu trị giá nhiều trăm triệu đồng. Những hộ thành công, có của ăn của để có thể kể đến gia đình anh Lò Văn Mẳn, Lò Văn Khăm, Lò Văn Téng…

Bản Nà Luồng nằm bên dòng Nậm Mu hiền hòa. Anh Lò Văn Son – một người dân chúng tôi gặp bên dòng suối giải thích, trong tiếng dân tộc Lào, “Nà” có nghĩa là ruộng, “Luồng” có nghĩa là con rồng. Từ xa, phóng tầm mắt thì thấy rất rõ dòng Nậm Mu như con rồng đang uốn lượn bên những thửa ruộng bậc thang. Người Lào có nhiều điệu dân vũ truyền thống, nhưng nổi tiếng hơn cả là điệu xòe và lăm vông.

Người Lào ở Nà Luồng có tiếng là thân thiện, mến khách. Người dân ở Nà Luồng rất chú trọng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình. Điều này giúp bản Nà Luồng hội tụ các điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch bản làng, gắn liền với các yếu tố văn hóa truyền thống của cư dân. Nhận ra những giá trị ấy, vì vậy mà cách đây chưa lâu, bản Nà Luồng đã được Tổng cục Du lịch Việt Nam và Sở VHTT&DL Lai Châu lựa chọn đầu tư phát triển thành điểm du lịch cộng đồng.

Chưa khám phá hết Nà Tăm, nhưng chúng tôi đành lưu luyến chia tay những người phụ nữ răng đen, những người đàn ông dân tộc Lào hiền lành, khéo tay và cần mẫn. Hẹn một ngày được trở lại Nà Tăm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lưu luyến Nà Tăm