Quốc hội

Lưu trữ tài liệu điện tử nhằm hướng tới xây dựng Chính phủ số

Việt Thắng 27/11/2023 18:34

Lưu trữ tài liệu điện tử và tài liệu số là nội dung mới nhằm mục đích hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chính quyền điện tử và xã hội số, công dân số.

Chiều 27/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi). ĐB Tạ Đình Thi (Đoàn Hà Nội) cho rằng, lưu trữ là một trong những vấn đề hệ trọng, chính tài liệu lưu trữ là tài sản quý, được trao truyền giữa các thế hệ, phản ánh một cách chính thống những giá trị truyền thống văn hóa lịch sử, thậm chí phản ánh trình độ phát triển, văn minh của một quốc gia, dân tộc.

Theo ông Thi, chuyển đổi số trong lĩnh vực lưu trữ chính là sự thay đổi phương thức làm việc, chuyển công tác quản lý Nhà nước về hoạt động lưu trữ lên môi trường số, dựa trên dữ liệu. Tuy nhiên, hiện nay việc thực hiện chuyển đổi số đang có những hạn chế về nhận thức, nhân lực, kinh phí, hạ tầng, khung pháp lý. Do đó, các quy định của luật phải khắc phục được những bất cập này, cụ thể, cần có các quy định về cơ sở dữ liệu, tài liệu lưu trữ số, các hoạt động lưu trữ thực hiện trên môi trường điện tử, việc ứng dụng các công nghệ mới của cuộc cách mạng 4.0 vào hoạt động lưu trữ.

ĐB Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn Lạng Sơn) đề cập đến việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển lưu trữ điện tử. Ông Nghĩa cho rằng, cần tiếp tục rà soát nội dung của dự thảo nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia của cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đẩy mạnh chuyển đổi số hoạt động lưu trữ, đáp ứng yêu cầu xây dựng, lưu trữ số trên cơ sở. Đồng thời, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về nghiệp vụ lưu trữ điện tử.

ĐB Trần Thị Hoa Ry (Đoàn Bạc Liêu) bày tỏ thống nhất với sự cần thiết về sửa đổi Luật Lưu trữ đã được đề cập trong Tờ trình của Chính phủ.

Bà Ry đánh giá rằng, nhiều nội dung trong dự thảo Luật đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới công tác lưu trữ trong điều kiện mới, tập trung khắc phục những bất cập, vướng mắc trong thực hiện thực tiễn thi hành luật, đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phù hợp với chủ trương về Chính phủ số và xã hội số.

Trong khi đó, ĐB Điểu Huỳnh Sang (Đoàn Bình Phước) cũng nhận định, việc sửa đổi Luật Lưu trữ là cần thiết để thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, khắc phục kịp thời bất cập, hạn chế trong thực tiễn về công tác lưu trữ hiện nay, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử.

“Với mục tiêu phát triển lưu trữ tư nhân, Nhà nước có những chính sách công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền sở hữu, quyền sở hữu trí tuệ đối với tài liệu lưu trữ tư nhân, tạo hành lang pháp lý, điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động dịch vụ lưu trữ, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động lưu trữ. Dự thảo Luật cũng đã quy định giá trị của tài liệu lưu trữ tư nhân, trách nhiệm của nhà nước, quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc quản lý, sử dụng tài liệu lưu trữ tư nhân, việc thành lập, tổ chức lại, giải thể của tổ chức lưu trữ tư nhân", bà Sang cho hay.

Giải trình, về vấn đề lưu trữ tài liệu điện tử và tài liệu số, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đây là nội dung mới được thiết kế thành một chương riêng nhằm mục đích hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chính quyền điện tử và xã hội số, công dân số.

Bà Trà khẳng định: Trong quá trình xây dựng luật, Ban soạn thảo cố gắn đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với các luật chuyên ngành về công nghệ thông tin, về giao dịch điện tử, về an ninh mạng, về bảo vệ bí mật Nhà nước đáp ứng được yêu cầu kết nối và chia sẻ dữ liệu, thông tin về tài liệu lưu trữ.

“Vấn đề nghiệp vụ lưu trữ điện tử và lưu trữ số và phải gắn với chuyển về số, Bộ sẽ tiếp thu để hoàn thiện thêm, trong đó quy định lộ trình đảm bảo nguồn lực bố trí các điều kiện để thực hiện nội dung này”, bà Trà cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lưu trữ tài liệu điện tử nhằm hướng tới xây dựng Chính phủ số

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO