Lý giải chuyện mua ngân hàng giá 0 đồng

H.Hương 28/10/2015 10:15

Sau 3 năm thực hiện quá trình tái cơ cấu ngân hàng, 17 tổ chức tín dụng yếu kém đã được xử lý. Tuy nhiên những câu chuyện còn chưa rõ về việc 3 ngân hàng bị mua lại với giá 0 đồng vẫn để lại những thắc mắc. Tại sao Ngân hàng Nhà nước lại định giá ngân hàng thương mại với giá 0 đồng?

Mua ngân hàng giá 0 đồng đang gây tranh cãi.

Tại cuộc họp báo “Cơ sở pháp lý để Ngân hàng Nhà nước mua bắt buộc cổ phần của các ngân hàng thương mại yếu kém với giá 0 đồng” do Viện Nghiên cứu Lập pháp vừa tổ chức, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, ông Đinh Trung Tụng khẳng định: Trong trường hợp 3 ngân hàng 0 đồng trên, giải pháp tái cơ cấu bằng cách chia tách, hợp nhất, chuyển đổi hình thức pháp lý… không thực hiện được do đã thua lỗ, âm vốn.

Tương tự, giải pháp giải thể cũng không thể tiến hành bởi theo quy định của Bộ luật Dân sự, trước khi giải thể, doanh nghiệp phải thanh toán hết tất cả các nghĩa vụ nhưng cả ba ngân hàng trên đều âm vốn, nợ nhiều hơn có, không còn khả năng thanh toán. Chỉ còn 2 giải pháp duy nhất: phá sản hoặc NHNN mua lại 0 đồng.

Trong tình hình hiện nay, giải pháp phá sản có thể gây ra những hệ lụy không tốt, do đó NHNN áp dụng giải pháp mua cổ phần bắt buộc khi ngân hàng đang trong trạng thái âm vốn.

Thứ trưởng Đinh Trung Tụng nói: “Đã âm vốn thì không thể mua 1 đồng được, chỉ có 0 đồng thôi”, “Dù cổ đông lớn hay cổ đông nhỏ thì đều giống nhau ở điểm: mang vốn của mình ra kinh doanh, mà kinh doanh thì phải chấp nhận có lúc được lúc thua".

Cũng từng lên tiếng giải thích tại sao lại chọn con số 0 đồng mà không phải là 1 đồng hay bất kỳ con số khác, Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, các ngân hàng được NHNN mua thời gian vừa qua hoàn toàn do công ty định giá độc lập tính toán định giá. Giá trị cổ phiếu của các ngân hàng này thậm chí là âm đồng, chứ không phải 0 đồng.

Theo giải thích của ông Nghĩa, khi đã mua lại ngân hàng thì phải có mức giá cụ thể. Trong Quyết định 48 có nêu rõ, phải thực hiện thuê các tổ chức tư vấn có chức năng định giá độc lập để xác định giá trị doanh nghiệp của ngân hàng, trên cơ sở đó xác định giá trị cổ phiếu của các ngân hàng một cách độc lập, khách quan.

Dựa trên giá trị thực về vốn điều lệ của quỹ dự trữ còn lại của các ngân hàng trong diện kiểm soát đặc biệt, NHNN sẽ quyết định mua lại trên cơ sở định giá độc lập.

Cơ sở pháp lý cũng chỉ ra, NHNN mua ngân hàng trong diện kiểm soát đặc biệt với giá 0 đồng được quy định tại Điều 149 Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD).

Theo đó, NHNN có quyền trực tiếp mua hoặc chỉ định TCTD khác mua lại ngân hàng yếu kém, những ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt, nếu ngân hàng đó không thực hiện được việc tăng vốn, không thực hiện phương án tăng vốn theo quy định của NHNN.

Trên cơ sở đó, năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 48, hướng dẫn cụ thể về trình tự thủ tục, các hình thức, biện pháp mua lại các ngân hàng trong diện kiểm soát đặc biệt, bao gồm định giá cổ phiếu, quyền các bên liên quan.

Ngoài ra việc thực hiện mua ngân hàng với giá 0 đồng còn được dựa trên cơ sở Quyết định 254 của Thủ tướng Chính phủ về Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015, qua đó nêu rõ quyền của NHNN sử dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật, trong đó có việc buộc các TCTD yếu kém hợp nhất, sáp nhập, mua lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lý giải chuyện mua ngân hàng giá 0 đồng