“Yếu tố đầu vào kỹ thuật khai thác than là nguyên nhân đẩy giá thành than trong nước cao hơn so với giá than nhập khẩu. Đây là lý do nhập khẩu than nhiều trong thời gian qua”-ý kiến này được Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam đưa ra tại buổi tọa đàm “Nhập khẩu than và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 24/10.
Tính tới 15/9, Việt Nam đã nhập hơn 10 triệu tấn than đá.
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, tính đến 15/9, tổng lượng nhập khẩu than đá đạt 10,1 triệu tấn với kim ngạch 629,5 triệu USD. Như vậy nhập khẩu than hiện đã “vỡ kế hoạch” 7 triệu tấn so mốc dự báo 3,1 triệu tấn do Bộ Công thương đưa ra đầu năm 2016.
Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương), cho biết, than là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, than xuất khẩu thời gian vừa qua chủ yếu là than trong nước chưa sử dụng hết hoặc chưa sử dụng.
Hàng năm, Bộ Công Thương trên cơ sở tính toán cung cầu, đáp ứng tối đa sử dụng trong nước, còn lại báo cáo Chính phủ xuất khẩu. Lý giải về việc nhập khẩu than tăng nhanh, ông Thọ cho hay, do nguồn than trong nước không đáp ứng và giá than nhập khẩu rẻ hơn giá than khai thác trong nước.
Nguyên nhân giá than trong nước cao hơn do yếu tố đầu vào kỹ thuật khai thác than, đa số mỏ khai thác ở dưới sâu, thậm chí âm 300m so với mực nước biển, chi phí khai thác mỏ lộ thiên với hệ số bóc đất đã tăng gấp 3 lần làm tăng chi phí sản xuất, giá thành sản xuất than trong nước.
Bên cạnh đó, than trong nước cũng chịu tác động bất lợi từ cơ chế chính sách về thuế như 1/7/2016, thuế tài nguyên môi trường tăng trung bình 3 lần nếu tính tiền cấp quyền khai thác, bản chất cũng là thuế tài nguyên tăng hơn 10%, cao hơn mức trung bình 7%.
“Trong khi đó, thời gian vừa qua giá than tại nhiều thị trường lại giảm, đây là yếu tố vì sao nhập khẩu than lớn trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, thời điểm gần đây giá than nhập khẩu đã tăng so với 6 tháng đầu năm và đã dần tiệm cận giá than sản xuất, thời gian tới có thể ngang giá than sản xuất”, ông Thọ nhấn mạnh.
Theo vị Phó tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng, nhu cầu than 3 triệu tấn trong dự báo hồi đầu năm của Bộ Công thương còn chưa tính đến các nhà máy nhiệt điện BOT và các nhà máy đã nhập khẩu than trước đây như Formosa Đồng Nai, số liệu 3 triệu tấn cũng chưa tính đến các hộ khác như sản xuất xi măng, hoá chất, phân bón, luyện kim… theo đó khối lượng than phải nhập có thể lên đến 8 triệu tấn.
Trong 9,7 triệu tấn than nhập đến tháng 8-2016 bao gồm than cho điện, các hộ khác để thấy dự báo 3 triệu tấn than nhập khẩu cho điện phải gấp 3 lần.
Cũng chung quan điểm với ông Thọ, ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam cũng nêu lên lý do khiến giá than trong nước cao hơn giá than nhập khẩu, là do lượng than lộ thiên không còn nhiều, phải đào sâu xuống lòng đất, đẩy chi phí đầu tư lên cao.
“Nếu Việt Nam phải đào sâu 11 m3 đất đá thì mới có than thì Indonesia chỉ cần đào 3-5m3 đất đá. Ngoài ra trình độ khai thác cơ giới hóa của nước ta thấp hơn nhiều so với các nước khác…
Đó là những nguyên nhân đội giá thành sản phẩm”-ông Biên cho hay.