Ngày 4/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Đức Thịnh (35 tuổi, trú tại phường Ngô Quyền, TP Bắc Giang) về hành vi "vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng". Thịnh là người lái ô tô Audi gây tai nạn khiến 3 người trong cùng gia đình bị chết thương tâm vào đêm 2/6. Đáng chú ý, kết quả xác minh ban đầu cho thấy Thịnh có nồng độ cồn trong cơ thể cao gấp 1,5 lần mức xử lý vi phạm tối đa hiện hành.
Vụ tai nạn giao thông (TNGT) thảm khốc này một lần nữa cho thấy nguy cơ mất an toàn giao thông từ những người ngồi sau tay lái, điều khiển phương tiện giao thông nhưng trước đó đã uống rượu, bia. Ngày 31/1/2022, thống kê của Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia cho biết: Khoảng 40% số vụ TNGT và 11% số người chết có liên quan rượu bia. Trong số 100 nạn nhân tử vong vì TNGT có liên quan đến rượu, bia, độ tuổi 15 - 29 chiếm tới gần 60%. Nam giới chiếm trên 90% tổng số nạn nhân.
Đó là một thực tế nguy hiểm, cho thấy vì sao TNGT ở nước ta vẫn rất cao, cho dù đã có nhiều biện pháp nhằm kéo giảm.
Một kết quả khảo sát của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đối với các nạn nhân nhập viện vì TNGT cũng cho thấy, có tới hơn 36% số người lái xe máy và gần 67% người lái ô tô có nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép.
Thật đáng lo sợ khi ai cũng biết rằng khi đã uống rượu bia thì điều khiển ô tô, xe máy là vô cùng nguy hiểm, vì thần kinh phấn khích, không hạn chế được tốc độ, không làm chủ tay lái, không xử lý được những tình huống đột ngột trên đường. Nhưng nhiều người vẫn phớt lờ, vẫn tự tin một cách vô lý rằng mình hoàn toàn có thể điều khiển được phương tiện một cách bình thường. Đó là nguyên nhân chính dẫn tới việc đã uống rượu, bia nhưng vẫn lái xe. Họ không biết rằng điều đó không chỉ nguy hiểm cho chính bản thân mà còn đem đến những tai nạn oan khốc cho người khác.
Một thực tế cho thấy, nếu như việc kiểm tra nồng độ cồn, kể cả ma túy trong máu đối với lái xe khách, lái xe vận tải đường dài đã được lực lượng chức năng làm khá kĩ, thì đối với người lái ô tô 4 chỗ, 7 chỗ, hoặc người lái xe máy thì việc này lại như bỏ lỏng, cho đến khi họ gây ra tai nạn mới điều tra, xử lý. Cũng chính vì thế mà những đối tượng này thản nhiên vi phạm luật lệ giao thông, tiếp tục đem họa vào cuộc sống.
Trở lại với vụ TNGT thảm khốc tại Bắc Giang, Điểm a, Khoản 3, Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 quy định, người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ làm chết 3 người trở lên thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm. Trong vụ này, việc nồng độ cồn của người điều khiển ô tô lên tới 0,604mg/lít khí thở, nghĩa là gấp 1,5 lần mức xử lý vi phạm tối đa thì sẽ là tình tiết tăng nặng khi định khung hình phạt.
Nhưng hình phạt dẫu có nặng đến mấy thì cũng không lấy lại được mạng sống của 3 con người. Xót xa, ân hận đến mấy thì cũng không làm người chết sống lại, cũng không thể làm người sống nguôi ngoai. Giá như không uống rượu bia trước khi ngồi vào sau tay lái. Tiếc thay và cũng là đau đớn thay, nhưng cái “giá như” ấy đã không còn giải quyết được gì...
Trong vụ TNGT nghiêm trọng này, một điều rất đáng nói là người gây ra tai nạn lại là cán bộ công tác tại Ban Quản lý bảo trì đường bộ Bắc Giang thuộc Sở Giao thông vận tải. Cán bộ làm trong ngành giao thông cũng lại vi phạm luật lệ giao thông gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. Thật vô cùng đáng trách!
Với những “ma men” cầm lái, dư luận xã hội cho rằng dù chưa gây hậu quả thì cũng phải phạt nặng, kể cả thu bằng lái, tịch thu phương tiện. Còn trong trường hợp gây tai nạn, thì cần tăng mức xử phạt, phạt thật nặng. Chỉ có như vậy mới đủ tính răn đe, mới có thể kéo giảm TNGT, bớt đi những cái chết oan khốc, giảm bớt nỗi thống khổ cho những người bị thương tật và cả thân nhân của họ.