PGS.TS Mai Văn Hưng, Viện trưởng Viện nghiên cứu và ứng dụng phòng chống ma túy PSD cho biết, hiện nay, điều rất đáng lo ngại là ở trong nước xuất hiện nhiều loại ma túy tổng hợp mới, đa dạng, chủ yếu là các loại ma túy kích thích thần kinh, gây ảo giác, hoang tưởng, ảnh hưởng rất lớn đến hệ thần kinh. Quá trình điều trị để phục hồi là rất khó khăn, phức tạp, mất nhiều thời gian, có những em sử dụng đồng thời nhiều loại ma túy thì việc phục hồi càng khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an cũng cho biết, đã và đang có những chất mới được phát hiện có tính năng tác dụng tương tự như chất ma túy có trong danh mục, thậm chí có tính năng tác dụng mạnh hơn một số chất đã được phát hiện trong nhóm cần sa tổng hợp.
Cũng theo Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an, thời gian gần đây, tội phạm ma túy đã chế tạo ra những chất mới chưa có trong danh mục cấm để lách luật. Những chất mới chưa có trong danh mục cấm nhưng tác dụng với người dùng không khác gì ma túy.
Tính đến tháng 6/2021, lực lượng Khoa học hình sự đã phát hiện thêm 8 chất có tính năng, tác dụng tương tự như ma túy nhưng chưa có tên trong danh mục Nghị định 60/2020/NĐ-CP quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất do Chính phủ ban hành.
Theo số liệu thống kê, tính đến tháng 12/2020, cả nước có trên 235.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Trong số này, độ tuổi dưới 16 tuổi chiếm 0,1%, từ 16 đến dưới 30 tuổi chiếm 48%, nếu tính đến độ tuổi 35 thì tỷ lệ này thậm chí lên đến 76%.
Đặc biệt, với sự xuất hiện ngày càng phổ biến, đa dạng về chủng loại, giá thành ngày càng rẻ, dễ cất giấu, sử dụng, tính độc hại cao của ma túy tổng hợp, nhiều em 13-14 tuổi đã sử dụng ma túy. Những con số này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ ma túy xâm nhập học đường. Việc tên gọi, chủng loại ma túy đang thay đổi hàng ngày, với hàng trăm hoạt chất khác nhau cũng là một trong những nguyên chính làm ma túy có thể “tấn công” vào môi trường học đường.
Dưới các “tên gọi mỹ miều”, ma túy “len lỏi” vào trong tầng lớp học sinh, sinh viên, lợi dụng tâm lý học sinh thường ham thích những cảm giác mạnh và rất dễ bị thu hút bởi những biến tướng của các loại hình ma tuý gây ảo giác.
Gần đây, một số vụ việc như bốn học sinh THPT ở Hải Dương tẩm ma túy vào thuốc lào rồi dùng điếu cày để hút, hay việc “nữ quái” Lâm Đồng trộn cần sa vào trà sữa bán cho học sinh, sinh viên… là những minh chứng rõ rệt nhất cho thấy ma túy đang “xâm nhập” vào trường học bằng nhiều cách khác nhau.
Để hạn chế tình trạng ngày càng nhiều thanh thiếu niên sa vào tệ nạn ma túy và trở thành tội phạm ma túy cần đến sự phối hợp chặt chẽ của gia đình, nhà trường và xã hội. Ngoài việc giúp học sinh tự nhận biết và phòng tránh những tác hại của loại hình ma tuý ảo này trong nhà trường, phụ huynh cũng cần phối hợp với thầy cô trong việc quản lý, giám sát học sinh và chú ý đến tâm lý, biểu hiện của các em để có biện pháp can thiệp kịp thời nếu có vấn đề bất thường xảy ra.
Đồng thời, nhà trường cần phối hợp với cơ quan chức năng liên quan có các khóa tập huấn, đào tạo thường xuyên cho các thầy cô giáo, nhận diện sự thay đổi liên tục những hình thức ma túy trá hình, dấu hiện nhận biết, cách xử lý khi nghi ngờ học sinh nghiện ma túy.
Ngoài ra, nhà trường cần phối hợp với các đoàn thể để tổ chức các chương trình truyền thông lồng ghép học mà chơi, chơi mà học. Học sinh có thể giao lưu, chia sẻ, nhận được lời tư vấn từ chính những người trong cuộc, người đã sử dụng ma túy, những tác hại, mất mát qua cuộc đời của họ. Qua đó, các em có cái nhìn khách quan, toàn diện để tránh xa ma túy.