Trong suốt 3 thập kỷ, Hy Lạp và Macedonia đã tranh chấp kịch liệt xung quanh vấn đề tên nước. Người Hy Lạp nói rằng “Macedonia” là tên một tỉnh phía Bắc của họ, đại diện cho nền văn hóa và lịch sử của nước này. Hy Lạp thể hiện sự bất bình bằng cách ngăn chặn Macedonia gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và NATO.
Macedonia đối diện tình trạng bất ổn sau trưng cầu (Nguồn: Telegraph).
Bên ủng hộ, bên tẩy chay
Và rồi đến mùa hè năm nay, 2 quốc gia đã đạt được thỏa thuận lịch sử: Macedonia sẽ đổi tên nước thành Bắc Macedonia, và Hy Lạp sẽ ngừng phản đối nước láng giềng này gia nhập EU và NATO. Cử tri Macedonia đã đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu hôm Chủ nhật tuần trước để thông qua thỏa thuận này.
Nhưng dù kết quả trưng cầu phần lớn ủng hộ thỏa thuận với Hy Lạp, chỉ có 1/3 số cử tri hợp lệ đi bỏ phiếu. Con số này ít hơn nhiều so với kết quả 50% đi bỏ phiếu mà Thủ tướng Zoran Zaev - thủ lĩnh chiến dịch nói “Có” - mong đợi. Ông Zaev đã hoan nghênh kết quả trưng cầu, nhưng giờ phải đối mặt với tình trạng đấu đá với phe đối lập trong Quốc hội.
Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu quá thấp được xem là một đòn giáng mạnh không chỉ với nỗ lực của chiến dịch nói “Có”, mà còn với cả những người ủng hộ chiến dịch này ở Brussels, Berlin và Washington. Trong tháng 8 vừa qua, rất nhiều vị chức sắc ở châu Âu, trong đó có cả Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng Thư ký NATO Jens Stolenberg, đã tới thủ đô Skopje của Macedonia để kêu gọi cử tri nắm lấy “cơ hội chỉ có một lần”.
Thế nhưng, cuộc trưng cầu ở Macedonia vừa qua lại gây ra tình trạng chia rẽ trên khắp châu Âu. Một đảng trung hữu có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa đã kêu gọi tẩy chay cuộc trưng cầu này, và Tổng thống Macedonia Gjeorge Ivanov cũng cho rằng thay đổi tên nước là hành động “tự sát lịch sử”.
Trong bài phát biểu đưa ra hôm cuối tuần trước, ông Ivanov nói rằng “phần lớn cử tri im lặng đã quyết định”, ám chỉ số cử tri hợp lệ không đi bỏ phiếu. Sau đó ông trực tiếp nhắc tới bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại LHQ hồi tuần trước.
“Cách đây vài ngày, Tổng thống Trump đã nói rằng tự do, hòa bình và dân chủ chỉ có thể có được ở những quốc gia độc lập có chủ quyền. Ngày hôm qua, người dân Macedonia đã thể hiện ý chí chủ quyền của họ”- ông Ivanov nói.
Evelyn Farkas, chuyên gia phân tích thuộc Hội đồng Đại Tây Dương và là cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, nhận định rằng việc cử tri tẩy chay cuộc trưng cầu được xem là bước lùi đối với những đối thủ của Thủ tướng Zaev, mà trong đó rất nhiều người có tư tưởng ủng hộ EU. Tuy nhiên, tình trạng đấu đá chính trị ở Skopje tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
“Điều đáng quan tâm không phải chỉ là Macedonia sẽ gia nhập vào NATO hay EU, mà chính là cuộc bỏ phiếu tín nhiệm nối tiếp sau sự kiện trưng cầu này”- ông Farkas nói - “Kết quả này không phải là không đáng mừng, nhưng nó khơi đậy nhiều câu hỏi và tình trạng bất ổn”.
Chướng ngại phía trước
Bất ổn địa chính trị giữa Macedonia và Hy Lạp đã bắt đầu từ rất lâu. Tranh chấp giữa hai nước trỗi dậy kể từ sau khi Macedonia tách khỏi Nam Tư cũ vào năm 1991. Hy Lạp xem một quốc gia độc lập có tên trùng với một tỉnh phía Bắc của họ là một mối đe dọa về lãnh thổ. Bởi vậy, Athens áp đặt lệnh cấm vận đối với Macedonia trong suốt những năm 1990 và ngăn chặn nước này gia nhập vào nhiều tổ chức quốc tế, trong đó từng bỏ phiếu phu quyết việc Macedonia gia nhập NATO vào năm 2008.
Xung đột giữa hai nước còn liên quan tới di sản của Alexander Đại đế, nhân vật mà cả hai nước đều cho là thuộc về một phần di sản quốc gia của họ. Quyết định mà Thủ tướng Zaev đưa ra hồi đầu năm nay nhằm đổi tên sân bay lớn nhất của nước này - Sân bay Alexander Đại đế Skopje - được xem là hành động cần thiết để xây dựng lòng tin với Hy Lạp, từ đó dọn đường cho việc ký kết thỏa thuận vào mùa Hè năm nay.
Tuy nhiên, phe đối lập tẩy chay cuộc bỏ phiếu vừa qua, cho rằng việc đổi tên nước vi phạm Hiến pháp và chủ quyền của Macedonia. Quan điểm cứng rắn này sẽ gây khó khăn cho Thủ tướng Zaev trong các cuộc đàm phán diễn ra trong vài ngày tới để thuyết phục họ đồng ý với phương án sửa đổi Hiến pháp, chấm dứt tranh cãi với nước láng giềng Hy Lạp và tiến gần hơn tới mục tiêu gia nhập EU cũng như NATO.
Thủ tướng Zaev cảnh báo nếu không có thỏa thuận nào đạt được với phe đối lập tại Quốc hội trong vài ngày tới, phương án bầu cử sớm sẽ được lựa chọn và đây sẽ là giải pháp cuối cùng cho dù ông không muốn điều đó xảy ra.
Trong khi đó các nhà phân tích lo ngại kết quả của cuộc trưng cầu dân ý, dù không có tính ràng buộc pháp lý, có thể đẩy Macedonia vào một cuộc khủng hoảng chính trị. Trong tình huống xấu nhất, nếu giải pháp bầu cử sớm được lựa chọn, thời điểm sớm nhất để tiến hành bầu cử sẽ là tháng 11 tới. Như vậy, Macedonia hầu như sẽ không còn thời gian thực hiện sửa đổi Hiến pháp do quá trình này sẽ phải lui lại tới sang đầu năm sau.
Sức ép đang đè nặng lên vai Thủ tướng Zoran Zaev trong vài ngày nữa với sứ mạng thuyết phục bằng được phe đối lập ủng hộ kế hoạch sửa đổi Hiến pháp, ngược lại một cuộc bầu cử Quốc hội sớm sẽ diễn ra, và nó có thể đẩy Macedonia rơi vào thế bế tắc chính trị.