LTS: 70 năm trước, trong thời điểm gian khổ, ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”. Đã 7 thập kỷ qua đi nhưng Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Người đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đại Đoàn Kết giới thiệu cùng bạn đọc những bài viết hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Hồ Chủ tịch phát động phong trào thi đua yêu nước.
Cách đây tròn 70 năm Bác Hồ đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, tất cả các tầng lớp nhân dân đã đoàn kết, đồng lòng dốc sức, tạo nên thế trận lòng dân rộng khắp. Rõ ràng mạch nguồn yêu nước luôn chảy trong mỗi người Việt. Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác đã khơi nguồn sức mạnh giúp dân tộc ta đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành độc lập và xây dựng đất nước giàu mạnh.
Tư tưởng về thi đua của Bác đã hình thành từ ngay sau Cách mạng tháng Tám. Ngay khi vừa giành được độc lập, Bác đã kêu gọi đồng bào ra sức sản xuất, thực hành tiết kiệm để cứu đói. Chẳng hạn, năm 1945, mọi người hăng hái thi đua sản xuất, thi đua học tập diệt giặc dốt, tham gia kháng chiến bằng các phong trào Nam tiến để bảo vệ Tổ quốc. Các phong trào diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm chính là tiền đề của các phong trào thi đua sau này.
Vì sao Bác lại kêu gọi thi đua ái quốc? Chúng ta phải nhớ rằng trong thời điểm đó, sự nghiệp kháng chiến kiến quốc đang cần sự đóng góp huy động sức người sức của toàn dân. Có thể nói, trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến, mình còn gặp nhiều khó khăn gian khổ càng cần sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Cho nên mọi người phải hăng hái tham gia đóng góp sức người, sức của cho sự nghiệp kháng chiến kiến quốc. Tất cả các tầng lớp trong xã hội từ nông dân, công nhân, trí thức…cả những người ở vùng địch tạm chiếm cũng hướng về Chính phủ kháng chiến của Bác Hồ ở Việt Bắc, đóng góp cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc.
Chính từ thực tiễn ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy cần thiết phải phát động một phong trào rộng lớn hơn, quy củ hơn, điều quan trọng không chỉ là những hành động tự phát, thể hiện tinh thần của nhân dân mà làm sao đưa phong trào này vào hoạt động có quy củ, có lãnh đạo, tổ chức hẳn hoi. Vì thế từ tháng 3/1948 Bác đã đề nghị Trung ương nên tổ chức phong trào rộng lớn, thi đua ái quốc để động viên cao nhất sức đóng góp mọi mặt của nhân dân cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc lúc đó.
Còn nhớ thời điểm phát động thi đua, nước ta đang nằm trong vòng vây của chủ nghĩa đế quốc, Việt Nam chưa liên lạc được với bên ngoài, phải tự lực cánh sinh. Điều này càng đòi hỏi tinh thần tự lực, tự cường của dân tộc. Thế nên thi đua ở đây tạo ra của cải, vật chất, sức mạnh tinh thần nhưng gắn với yêu nước, nêu cao chủ nghĩa yêu nước, coi chủ nghĩa yêu nước là động lực chính trị, tinh thần để thúc đẩy mọi tầng lớp nhân dân tham gia vào sự nghiệp chung của dân tộc.
Rõ ràng Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác đã định hình ra những phong trào tích cực như: Nông dân ra sức sản xuất, đóng góp thuế nông nghiệp cho Nhà nước; công nhân các công binh xưởng vùng căn cứ địa ra sức sản xuất, phát triển chế tạo máy móc vũ khí, thúc đẩy kháng chiến; trí thức tham gia tích cực đóng góp trí tuệ, sáng kiến của mình vào sự nghiệp dân tộc; lực lượng vũ trang bao gồm cả 3 thứ quân bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương dân quân du kích thi đua giết giặc lập công, tạo ra một thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp. Chính khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp này mà ngay sau Đại hội II của Đảng năm 1951, Đảng ta có hẳn Báo cáo của Trung ương về thi đua ái quốc để nhìn nhận lại mấy năm thực hiện lời kêu gọi của Bác.
Kết quả nhìn thấy rõ nhất của thực hiện Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác chính là tăng trưởng kinh tế. Nếu trước năm 1950 thu ngân sách chỉ đảm bảo 25% chi ngân sách thì đến năm 1950 thu đảm bảo 50% ngân sách, năm 1951 đảm bảo 75%, 1952 thu gần ngang chi đến 1953 thu vượt chi (103%) đó là kết quả của nhiều chính sách đúng đắn về kinh tế, xã hội của Đảng, Chính phủ trong đó có sự tác động rất lớn của phong trào thi đua yêu nước.
Đặc biệt thành quả lớn nhất của các phong trào thi đua này đó là củng cố sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, tạo ra sức mạnh chính trị tinh thần, vật chất, tăng thế và lực cho đất nước đưa cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi.
Có thể nói, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác đến nay đã 70 năm nhưng vẫn còn nguyên giá trị. Vấn đề ở chỗ ta phải phát huy thế nào trong thời đại ngày nay. Do đó cần phát động thi đua theo hướng tạo nguồn của cải vật chất qua thi đua, nhất là năng suất lao động. Bởi nếu không có sức mạnh kinh tế, của cải vật chất không thể phát triển. Thi đua làm sao để tích lũy của cải vật chất, tạo nguồn vốn. vật tư…mới đủ sức cạnh tranh, mới tạo ra động lực mới trong thời kỳ đổi mới toàn diện, hội nhập sâu vào kinh tế thế giới.
Thông qua thi đua phải củng cố sức mạnh tinh thần chính trị của chế độ để có được đồng thuận, đoàn kết trong xã hội, hướng vào mục tiêu dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh vì cuộc sống của mỗi con người. Có như vậy mới tạo ra động lực sức mạnh tinh thần của đất nước mình.
Để đạt được những điều này phải khắc phục hạn chế của các phong trào thi đua hiện nay. Đó là tính hình thức còn nặng, nhiều khi thi đua sôi nổi nhưng hiệu quả chưa đạt mong muốn. Ngay trong Lời kêu gọi thi đua Bác cũng nhắc vấn đề này, đó là thi đua phải chú ý mang lại hiệu quả thiết thực, tránh bệnh hình thức. Phải khắc phục bệnh thành tích, phản ánh báo cáo thành tích không đúng thực tế, bệnh chạy theo thành tích tác động tiêu cực đến thi đua. Làm sao để thi đua bản chất là tính tự giác của mỗi người nó phản ánh sự trung thực chứ không chạy theo thành tích làm méo mó kết quả, ảnh hưởng phong trào thi đua. Một căn bệnh nữa đó là khắc phục cho được bệnh chạy danh hiệu thi đua, khen thưởng, đảm bảo thi đua thực chất, mang lại hiệu quả thiết thực.
Hưởng ứng Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác, có biết bao câu chuyện cảm động về lòng tốt, sự tử tế, những hành động vì nước, vì dân của chiến sĩ, đồng bào ta được cổ vũ, nhân lên mỗi ngày, góp phần làm ấm áp hơn, tươi sáng hơn cuộc sống hôm nay. Nó có sức cảm hóa con người, như ánh sáng đẩy lùi bóng tối, cái thiện thắng cái ác, nhân lên cái tốt đẹp, lấy cái đẹp dẹp cái xấu... Ý nghĩa nhân văn của phong trào thi đua yêu nước không chỉ là chuyện thành tích, biểu dương công trạng. Với mỗi người, không giá trị nào cao quý hơn, thiêng liêng hơn lòng yêu nước. Mà, “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, như Bác Hồ từng khẳng định.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc