Mai Diễm Phương - Nữ hoàng nhạc Pop của châu Á, mãi mãi là một biểu tượng bất diệt, là một “chị đại” trong làng giải trí mà ai cũng phải kính trọng. Tuy nhiên, đằng sau ánh hào quang đầy vẻ vang đó là một kiếp hồng nhan bạc mệnh, để lại bao tiếc nuối cho người hâm mộ.
Nhân dịp kỷ niệm 18 năm ngày mất vào hôm 28/11 vừa qua, “Anita” - bộ phim kể lại cuộc đời và sự nghiệp lẫy lừng của Mai Diễm Phương đã được “trình làng” trên khắp thế giới. Không có gì ngạc nhiên khi món quà tri ân đối với những di sản của “đệ nhất danh ca Hong Kong (Trung Quốc)” qua ống kính đã chạm tới trái tim của biết bao người hâm mộ.
Vậy điều gì đã khiến bộ phim tiểu sử này thu hút người xem và giới phê bình đến vậy? Khác với hậu thế - lớp trẻ không có cơ hội để trải nghiệm những giá trị hoài cổ của thế kỷ trước, từng thước phim Anita không chỉ gợi lại những ký ức về Kỷ nguyên vàng của xứ “Cảng thơm", mà còn ghi lại một cách chân thực nhất hình bóng của “người con gái Hong Kong (Trung Quốc)” năm xưa - Mai Diễm Phương.
Nói đến Mai Diễm Phương, người ta chỉ nhớ đến một tâm hồn trẻ trung đầy nhiệt huyết, một nữ nhân mạnh mẽ, tài hoa. Đáng tiếc thay, câu nói “hồng nhan bạc mệnh" lại vận vào cuộc đời của cố ca sĩ, cuộc đời trải đầy hào quang nhưng lại nhiều đắng cay, tủi hờn.
Tuổi thơ bươn chải và cơ hàn
Mai Diễm Phương là con gái út trong một gia đình có bốn người con. Cha cô mất sớm khi cô còn rất nhỏ. Trong một số cuộc phỏng vấn, Mai Diễm Phương chia sẻ rằng, ký ức về người cha quá cố hiện lên rất mờ nhạt.
Hoàn cảnh gia đình lúc đó vô cùng khó khăn, chỉ có thể thuê được một cái giường để ngủ nên khi Mai Diễm Phương sinh ra, mẹ cô - bà Đàm Kim Mỹ, thậm chí còn muốn bán cô đi để cải thiện cuộc sống gia đình. Mọi chuyện càng áp lực khi quán bar mà mẹ cô đứng tên bị thiêu rụi hoàn toàn trong một vụ hoả hoạn.
Hoàn cảnh đưa đẩy, Mai Diễm Phương phải đứng lên lo toan mọi gánh nặng kinh tế, chu cấp cho các anh chị em ruột. Cô làm quen với ánh đèn sân khấu khi mới 4 tuổi cùng với người chị gái của mình.
Vào giai đoạn mà “con hát” bị coi là nghề “không đứng đắn”, Mai Diễm Phương thường bị bạn cùng trang lứa coi thường, cười nhạo, thậm chí bị người khác trêu đùa, ném bình rượu khi đứng trên sân khấu. Cô quyết định bỏ học ở tuổi 13 - độ tuổi mà đáng ra cô có thể tận hưởng trọn vẹn đời học sinh, để tập trung cho công việc ca hát.
“Phận cầm ca nghiệp dư như tôi hồi đó luôn phải đón nhận những cái nhìn thiếu tôn trọng. Cha mẹ những đứa trẻ khác đều không cho phép chúng lại gần chơi với tôi. Tôi đã luôn lẻ bóng một mình".
Dù là nguồn lao động chính trong nhà nhưng hai chị em cô vẫn không được sử dụng số tiền mình kiếm được, bị coi như “cần câu cơm” của bà mẹ mê bài bạc, trọng nam khinh nữ. Sau này, mẹ Mai Diễm Phương tiến thêm một bước với người đàn ông khác nhưng người này vốn đã có gia đình, hơn nữa lại vô cùng nóng tính, cuộc sống 10 năm tiếp theo càng thêm nặng nhọc, bí bách.
Bước ngoặt vụt sáng và sự nghiệp cầm mic “xưng vương" toàn cõi châu Á
Năm 1981, tại cuộc thi hát dành cho tân binh đầu tiên của Hong Kong, Mai Diễm Phương và chị gái đều đăng ký. Sau đó, Mai Diễm Phương đã vượt qua tất cả các chặng đường để tiến vào trận chung kết, chị gái cô đã đặt tất cả hy vọng vào cô. Đến cuối cùng, cô đoạt giải quán quân với ca khúc “Mùa của gió”.
Giọng hát trầm ấm cùng sự bình tĩnh và khí phách của cô cũng để lại ấn tượng sâu sắc cho ban giám khảo, được nhà soạn nhạc nổi tiếng Hoàng Triêm cho điểm tuyệt đối. Vào năm 19 tuổi, Mai Diễm Phương đã sớm ký hợp đồng với China Star Entertainment để phát hành album đầu tiên “Nợ lòng” và chính thức ra mắt khán giả.
Tuy nhiên, hành trình trở thành ngôi sao của Mai Diễm Phương không hề thuận buồm xuôi gió. Với ngoại hình quá già dặn hơn tuổi, có nhiều người cho rằng Mai Diễm Phương rất khó để trở nên nổi tiếng. Đối mặt với áp lực nặng nề, Mai Diễm Phương vẫn vững tin rằng mình có thể làm được và vụt sáng thành ngôi sao.
Năm 1983, Mai Diễm Phương phát hành album thứ hai “Sắc hồng”. Album này đã lập tức trở thành sản phẩm âm nhạc bán chạy nhất lúc bấy giờ. Hình ảnh mà nhà thiết kế Lưu Bồi Cơ thiết kế cho nữ nghệ sĩ đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả. Cũng từ đó, Mai Diễm Phương và Lưu Bồi Cơ đã trở thành bạn thân của nhau.
Khác với hình ảnh đời thường gần gũi, Mai Diễm Phương trên sân khấu hoàn toàn là một con người khác. Cô đặt tất cả tâm tình vào từng câu hát, cảm xúc lúc trầm lúc bổng vậy mà đi vào lòng người lúc nào không hay.
Ở Mai Diễm Phương toát lên sự bất cần nhưng cực kỳ quyến rũ, cảm giác cuồng nhiệt, song đôi lúc cũng rất lạnh lùng, khó đoán. Đây chính là khí chất chỉ có thể độc nhất tìm thấy ở Mai Diễm Phương mà không phải ai khác.
Với thời kỳ hoàng kim của nhạc pop Hong Kong, một thế hệ siêu sao đã trỗi dậy. Dưới ảnh hưởng của trào lưu tiếng Quảng Đông, hình ảnh sân khấu của Mai Diễm Phương đã thay đổi từ giai đoạn đầu phản truyền thống sang quý phái và lộng lẫy.
Hình ảnh phóng túng, diêm dúa pha chút hững hờ và lạnh lùng trên sân khấu đã giúp cô giành được danh hiệu “Bách biến thiên hậu” (Nữ hoàng trăm dạng) - bất kể là trên làng nhạc hay trong giới điện ảnh, cô luôn mang đến công chúng cảm giác mới mẻ và kỳ lạ, và nhận được sự nhận đón rộng rãi từ giới truyền thông.
Thập niên 80 của thế kỷ trước, nếu Mai Diễm Phương xưng hạng 2 thì không ai đủ tài năng và bản lĩnh dám nhận là ca sĩ hàng đầu Hong Kong (Trung Quốc). Cô được công chúng đặt cho biệt danh “Madonna của châu Á”. Cùng với “Ca Ca” Trương Quốc Vinh, Đàm Vịnh Lân và Trần Bách Cường, Mai Diễm Phương là một trong 4 siêu sao gây lũng đoạn thị trường âm nhạc xứ Cảng thơm lúc bấy giờ, được gọi là “tam vương nhất hậu”.
Năm 1988, Mai Diễm Phương trở thành niềm tự hào của khu vực khi cùng siêu sao Janet Jackson biểu diễn trên sân khấu Olympic tổ chức tại Seoul, Hàn Quốc. Cùng năm đó, Mai Diễm Phương trở thành ca sĩ trẻ nhất nhận giải thưởng trọn đời Golden Needle. Hai năm sau, cô tuyên bố rút tên mình ra khỏi các lễ trao giải, nhường cơ hội lại cho thế hệ đàn em.
“Tắc kè hoa" của màn bạc Hoa ngữ
Mai Diễm Phương cũng được biết đến với tư cách là một nữ diễn viên nổi tiếng trên khắp châu Á, với kho tàng đồ sộ - hơn 40 bộ phim đóng vai chính trong 20 năm diễn xuất. Mai Diễm Phương “một cô gái sinh ra là để đóng phim”, vào vai diễn với đủ mọi thể loại, từ hành động kinh dị và võ thuật cho đến hài hước và sâu sắc.
Cô ấy có thể dễ dàng vào 1 vai nào đó và cũng dễ dàng thoát ra; chỉ có khán giả mới là người khó quên những nhân vật trong phim mà Mai đã từng hóa thân. Mai được mọi người quý trọng, tôn vinh là đàn chị trong ngành giải trí.
Cô cùng Tăng Chí Vĩ đồng giữ danh vị Chủ tịch Liên Đoàn Hiệp Hội Nghệ sĩ Hồng Kông và Mai vẫn thường được mời làm người chủ trì, trao giải cho nhiều nghệ sĩ trong các chương trình - giải thưởng của âm nhạc lẫn điện ảnh danh giá.
Những tác phẩm điện ảnh xuất sắc của cô có thể kể đến như Yên Chi Khấu, Anh hùng bản sắc 3, Xuyên Đảo Phương Tử, Xẩm xử quan, Trường học Uy Long 3, Đông Phương Tam Hiệp, Kim chi ngọc diệp, Bán sinh duyên, Chung Vô Diệm…
Nữ diễn viên từng hai lần giành giải Nữ phụ xuất sắc của giải thưởng Kim Tượng, một lần đoạt Ảnh hậu của giải này. Cùng với đó là một lần đoạt giải Nữ chính xuất sắc của giải Kim Mã Đài Loan (Trung Quốc), giải Ảnh hậu của Liên hoan phim châu Á.