Vẫn những con đèo mong manh như sợi chỉ vắt qua sườn núi. Vẫn những trập trùng núi đá tai mèo... Thiên nhiên Hà Giang như thử thách ý chí những con người nơi này. Cái khó, cái nghèo thường đeo bám. Nhưng cuộc sống của đồng bào trên cao nguyên đá đã nhiều đổi khác.
Đó là khi nhiều hộ gia đình được trao tặng những ngôi nhà Đại đoàn kết - nguồn động viên to lớn, tạo thêm động lực để hộ nghèo yên tâm, nỗ lực lao động, sản xuất, vươn lên cải thiện đời sống.
Đường lên Hà Giang quanh co. Chỗ nào cũng chỉ thấy một màu xanh của núi. Nếu ai đến Hà Giang lần đầu, khi đã mệt nhoài bởi những khúc cua tay áo, thì sẽ không khỏi bất ngờ khi được báo rằng, đó mới là bước một của thử thách. Bước hai, khi đến các huyện Quản Bạ, Đồng Văn, Yên Minh… những đèo, những dốc còn khắc nghiệt hơn, bên núi, bên vực.
Nơi này, “đá chiếm hết phần của đất, của người”. Biết bao đời, người dân gùi đất lên những hốc đá để lấy chỗ trồng trọt. Mưa gió xói mòn, lại tiếp tục gùi lên. Trồng được cây ngô, nuôi được con lợn, con gà, lại phải đi nửa ngày đường có khi mới đến chợ phiên. Miền địa đầu tổ quốc này vốn là một trong những địa bàn nghèo nhất cả nước. Nhưng không ai trách đồng bào Hà Giang nghèo.
Cán bộ Phòng Dân tộc huyện và Người có uy tín xã Đông Hà, huyện Quản Bạ (Hà Giang) vận động người dân tích cực phát triển kinh tế.
Nói đến Hà Giang là nói đến những mến thương… Hỗ trợ đồng bào thoát nghèo, xây dựng những mái ấm vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm của cộng đồng, mà đầu tiên, phải nói đến công việc của người Mặt trận. Ông Vàng Seo Cón, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Việt Nam Hà Giang chia sẻ, nhiều năm nay, Hà Giang phải xóa nhà dột nát. Bây giờ hành trình ấy vẫn tiếp tục.
Theo kế hoạch của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, trong năm 2020, toàn tỉnh sẽ có 100 hộ được hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết. Đối tượng được ưu tiên là gia đình người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo thực sự khó khăn về nhà ở, không có khả năng xây mới hoặc sửa chữa nhà. Điều khác biệt so với những năm trước là mức kinh phí hỗ trợ ngày một tăng lên.
Hiện tại đạt 60 triệu đồng/nhà, trong đó 40 triệu đồng do Quỹ "Vì người nghèo" hỗ trợ, 20 triệu đồng từ nguồn kinh phí đối ứng của địa phương. Với số tiền này, đủ để đồng bào có một mái ấm chắc chắn, chống lại thời tiết khắc nghiệt của vùng cao nguyên đá.
Ở địa bàn nghèo, việc vận động không phải dễ dàng. Ngay từ đầu năm MTTQ từ tỉnh đến cơ sở đã tích cực tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của chương trình xây nhà Đại đoàn kết bằng nhiều hình thức thiết thực, phong phú, khơi dậy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và được đông đảo các tầng lớp nhân dân nhiệt tình ủng hộ. Đồng thời, tích cực vận động các tổ chức, cá nhân chung tay đóng góp vào Quỹ "Vì người nghèo" các cấp để có nguồn kinh phí hỗ trợ kịp thời cho các gia đình thuộc diện hỗ trợ. Ngoài nguồn kinh phí được hỗ trợ, các địa phương còn tích cực vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân giúp các hộ về ngày công lao động, nguyên vật liệu để xây dựng nhà.
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình xây dựng nhà cũng như phân bổ nguồn lực hỗ trợ cho các hộ đảm bảo công khai, dân chủ, minh bạch, kịp thời. Cán bộ mặt trận phải đến từng nhà. Nhất là những hộ đã từng được hỗ trợ để thoát nghèo. Bà con hiểu được giá trị của đồng tiền, ngày công ủng hộ, nên rất nhiệt tình giúp đỡ người khác. Ở miền xuôi, muốn quyên góp một triệu đồng, có khi chỉ phải đi vài chục nhà vận động. Ở Hà Giang, cứ phải xác định đi cả trăm. Nhưng cán bộ Hà Giang đã quen thế. Không chịu khó tích tiểu, khó có ngày thành đại.
Huyện Hoàng Su Phì năm nay dự kiến làm nhà Đại đoàn kết cho 11 hộ gia đình. Gia đình ông Vàng Văn Thanh, thôn Nắm Ản, xã Tụ Nhân cũng nằm trong diện được hỗ trợ. Ông Thanh cho biết, gia đình ông là gia đình liệt sĩ, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bao nhiêu năm nay vẫn phải sống trong ngôi nhà tạm. Khi được cán bộ MTTQ xã và huyện vào thẩm định, lập hồ sơ để giúp gia đình được hỗ trợ kinh phí làm nhà mới, các thành viên trong gia đình rất phấn khởi.
“Hy vọng sau khi ngôi nhà hoàn thiện, chúng tôi sẽ có chỗ ở ổn định, yên tâm lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình”, ông Thanh chia sẻ.
Chia sẻ về cách thức tổ chức triển khai làm nhà Đại đoàn kết, ông Vần Kim Đưởng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Hoàng Su Phì cho biết, bên cạnh 11 hộ được hỗ trợ theo chương trình của MTTQ tỉnh, huyện đã bố trí kinh phí từ nguồn Quỹ "Vì người nghèo" của huyện để giúp 4 hộ làm nhà Đại đoàn kết với kinh phí 15 triệu đồng/nhà. Xác định đây là hoạt động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc và sự quan tâm đặc biệt của cả cộng đồng đến những đối tượng gia đình người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo khó khăn về nhà ở nên MTTQ huyện đã triển khai tích cực từ khâu rà soát, lập danh sách các hộ cần hỗ trợ; tổ chức tiếp nhận, kiểm tra, thẩm định hồ sơ. Ngay sau khi MTTQ tỉnh chuyển kinh phí, Ủy ban MTTQ tỉnh sẽ khẩn trương phân bổ kinh phí cho các hộ đảm bảo nhanh chóng, kịp thời.
Huyện Yên Minh là vùng giáp ranh Trung Quốc. Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Yên Minh Chảo Văn Sinh cho biết: “Huyện Yên Minh là một trong 6 huyện nghèo của tỉnh, có 16 dân tộc và dân số khoảng 90 nghìn người. Dân số ít, nhưng địa hình đồi núi chia cắt, nên xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, đặc biệt là trong tập hợp quần chúng nhân dân gặp nhiều khó khăn”. Dẫu có khó, thì vận động giúp bà con xây nhà Đại đoàn kết cũng là biện pháp để củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, giúp người dân tin tưởng hơn với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Vậy nên, việc xây nhà hỗ trợ bà con cũng luôn được quan tâm.
Lên xã vùng cao biên giới Bạch Đích, huyện Yên Minh thăm gia đình chị Nông Thị Vĩnh, thôn Na Sàng 3. Gia đình chị Vĩnh là hộ nghèo, được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà Đại đoàn kết từ nguồn Quỹ "Vì người nghèo" của tỉnh và huyện Yên Minh với số tiền hỗ trợ 40 triệu đồng. Dù tất bật hỗ trợ tổ thợ vận chuyển vật liệu, vất vả và mệt nhọc nhưng ánh mắt không giấu nổi niềm vui, chị Vĩnh chia sẻ: “Hoàn cảnh gia đình tôi rất khó khăn, làm ruộng và trồng ngô chỉ đủ ăn, cho nên không có kinh phí làm nhà. Giờ được hỗ trợ chi phí xây nhà mới gia đình tôi rất phấn khởi”.
Ở cao nguyên đá Hà Giang, có một mái ấm chắc chắn là khát vọng cả đời người, nhất là những hộ nghèo. Từ nguồn Quỹ Vì người nghèo cùng với sự giúp sức của cộng đồng, những ngôi nhà Đại đoàn kết đã và đang được triển khai xây dựng, biến ước mơ của bà con thành hiện thực.
Chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo khó khăn về nhà ở của tỉnh đặt mục tiêu hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 2.000 hộ giai đoạn 2019-2020; phấn đấu đến hết năm 2021 sẽ xây dựng được trên 3.000 căn nhà, ưu tiên cho các đối tượng là người có công, cựu chiến binh nghèo và hộ nghèo ở 34 xã biên giới.
Từ khi phát động đến nay, tổng số tiền các tổ chức, cá nhân đã hỗ trợ hơn 196 tỷ đồng. Đã có 1.218 hộ khởi công xây dựng nhà mới, trong đó có 886 hộ đã hoàn thành.