Người bán dâm sau khi bị bắt giữ chỉ bị cảnh báo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng, nên người bán dâm ngầm hiểu là “phạt để tồn tại”, do đó với mức phạt này rất khó đủ sức răn đe hạn chế thực trạng mại dâm gia tăng như hiện nay.
Ảnh minh họa.
Tệ nạn mại dâm ngày càng biến tướng, thủ đoạn rất tinh vi và diễn biến phức tạp. Đáng chú ý tình hình hoạt động mại dâm nam, mại dâm đồng tính, người chuyển giới bán dâm và mại dâm có yếu tố nước ngoài có xu hướng gia tăng. Trong khi đó các văn bản pháp luật chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung khiến việc xử lý gặp nhiều khó khăn. Đáng lo ngại, ở một số nơi còn có thái độ “làm ngơ”.
Ngày 23/10 tại Hà Nội Bộ LĐTB & XH đã tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011-2015.
Mặc dù các cấp, ngành đã có nhiều nỗ lực song báo cáo của Bộ LĐTB & XH cho thấy, sau 5 năm thực hiện Quyết định số 679/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011-2015 (Chương trình) công tác phòng, chống mại dâm vẫn còn tồn tại khá nhiều bất cập.
Không có nghề nghiệp, làm ăn tự do mua dâm nhiều nhất
Theo đánh giá của Bộ LĐTB & XH sau 5 năm thực hiện Chương trình, công tác thanh tra, kiểm tra, đấu tranh triệt phá ổ nhóm mại dâm đã được thực hiện tích cực, xử lý nghiêm 100% các hành vi vi phạm được phát hiện. Cụ thể theo thống kê từ năm 2011 đến hết tháng 5/2015, lực lượng công an các cấp đã phát hiện, khám phá hơn 5.000 vụ, xử lý hình sự gần 4.000 vụ.
Riêng 5 tháng đầu năm 2015, lực lượng công an toàn quốc đã triệt phá gần 500 vụ với 2.105 đối tượng. Bên cạnh đó những hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ người bán dâm tiếp cận với các dịch vụ xã hội (giáo dục, dạy nghề…) tại cộng đồng được triển khai rộng khắp 50 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Mặc dù vậy đại diện Bộ LĐTB & XH thừa nhận hiệu quả phòng ngừa mại dâm chưa đáp ứng được yêu cầu, các biện pháp cũng như giải pháp đề ra chỉ mang tính giải quyết vấn đề phát sinh, chưa đáp ứng yêu cầu phòng ngừa xã hội. Do đó tình trạng mại dâm hiện nay diễn biến ngày càng phức tạp và chưa có dấu hiệu giảm.
Đáng chú ý, đối tượng mua dâm thuộc nhiều lứa tuổi, thành phần khác nhau, trong đó đối tượng không có nghề nghiệp ổn định, làm ăn tự do chiếm 75,7%, doanh nghiệp 20%, cán bộ, công nhân viên chức 3%. Đối tượng chủ chứa, môi giới có độ tuổi từ 18 đến 25 tuổi. Tại nhiều thành phố, xuất hiện trở lại các tụ điểm mại dâm khu vực công cộng gây bức xúc dư luận.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB & XH Nguyễn Trọng Đàm hiện số người bán dâm có hồ sơ quản lý 11.240 người, tuy nhiên con số thực tế còn cao hơn do dây là một hoạt động rất khó kiểm soát bởi tính phức tạp, tinh vi và trá hình của nó.
Trong khi đó do tính chất của hoạt động mại dâm là trái pháp luật nên các đối tượng tham gia mại dâm có các thủ đoạn rất tinh vi, trá hình nên khó khăn trong công tác phát hiện, đấu tranh, phòng chống.
“Quan điểm về cách ứng xử với mại dâm chưa thống nhất, ở một số nơi còn có thái độ “làm ngơ” đối với mại dâm để thu hút khách du lịch, không kiên quyết xử lý đối với cán bộ có trách nhiệm quản lý địa bàn” – Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho biết.
Loay hoay xử lý mại dâm đồng giới
Đại diện Bộ Công an phản ánh, việc áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng ngừa cũng như đấu tranh chuyên án, xử lý hình sự tình trạng mại dâm tại các địa điểm công cộng đã được đẩy lùi, không còn công khai như trước tuy nhiên hiện các quy định pháp luật về phòng, chống mại dâm chưa thực sự đồng bộ, mức xử phạt các hành vi liên quan đến mại dâm còn thấp, chưa mang tính răn đe.
Bên cạnh đó các quy định của pháp luật còn nhiều sơ hở như chưa có biện pháp xử lý đối với hành vi mại dâm đồng giới, chuyển giới dẫn đến tình trạng diễn biến ngày càng gia tăng trong khi đó công tác phòng, chống thì bị động.
Tại TP Hồ Chí Minh đại diện Sở LĐTB & XH cho biết, tình hình hoạt động của mại dâm nam, mại dâm đồng tính, người chuyển giới bán dâm ngày có xu hướng gia tăng, cá biệt tại một số cơ sở chăm sóc sức khỏe Spa, massaga do đối tượng mại dâm đồng tính của giới “ gay”, hoạt động bằng các hình thức kích dục nhằm mục đích thu hút, câu kéo khách đến mua vui, giải trí ngày càng phổ biến.
Trong khi đó các văn bản quy phạm pháp luật chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung nên ngành chức năng rất khó xử lý triệt để.
Đại diện Sở LĐTB & XH thành phố Hà Nội cũng cho rằng, mại dâm đồng giới, hành vi kích dục cho khách ngày càng có xu hướng gia tăng và phổ biến nhưng chưa có cơ sở pháp lý nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, theo Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: người bán dâm sau khi bị bắt giữ chỉ bị cảnh báo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng, nên người bán dâm ngầm hiểu là “phạt để tồn tại”, do đó với mức phạt này rất khó đủ sức răn đe hạn chế thực trạng mại dâm gia tăng như hiện nay.
Xuất phát từ những khó khăn, bất cập trên đa số các đại biểu đều cho rằng cần sớm ban hành Luật phòng, chống mại dâm để tạo điều kiện cho các địa phương triển khai thực hiện phòng chống mại dâm đạt kết quả trong thời gian tới.