Mãi là người Mặt trận

Lục Bình 01/11/2015 09:00

Với những công nhân lao động, hẳn họ chưa thể nào quên câu nói: “Là đại biểu QH tôi cảm thấy xấu hổ vì bấm nút thông qua điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH)”- Đó là tiếng lòng của ĐBQH Võ Thị Dung- nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh. Hiện bà đã chuyển sang vị trí công tác khác, nhưng những mối duyên nợ với Mặt trận sẽ không bao giờ tắt trong con người có trái tim đầy nhiệt huyết này.

Bà Võ Thị Dung. (Ảnh: Hoàng Long).

Chấp nhận khó khăn

Với một nữ Nghị sỹ bộn bề công việc, tôi chỉ có thể tiếp cận bà vào những phút giải lao giữa các phiên thảo luận tại nghị trường QH. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, tôi được bà kể lại chuyện đời, chuyện nghề, đặc biệt quãng thời gian dài trở thành người Mặt trận.

Bà Võ Thị Dung cho biết, gắn với công tác Mặt trận, bà như có mối duyên tiền định. Duyên là bởi, ngay từ khi rời ghế nhà trường, bà đã làm công tác đoàn thể- công tác Đoàn thanh niên, và hội Phụ nữ. Sau một khoảng thời gian (12 năm) gắn bó với công tác đoàn thể, khi đó tuổi còn rất trẻ nhưng bà đã tích lũy được “một cơ số” kinh nghiệm về công tác dân vận, vận động quần chúng, hòa giải ở cơ sở…để rồi bà đủ độ chín đảm nhận một trọng trách: Chính thức gia nhập nghề “tập hợp sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Năm 1995 bà Võ Thị Dung trở thành Chủ tịch MTTQ quận trẻ nhất nhì nước thời điểm lúc bấy giờ. “Lúc đó tôi tròn 35 tuổi, rất nhiều người không tin, với một người tuổi đời còn trẻ như vậy mà dám đảm đương nhiệm vụ khó khăn này. Ngay sau khi được bổ nhiệm, một Trung tướng giữ chức Chủ tịch Hội Cựu chiến binh của quận Tân Bình, nơi tôi về nhận nhiệm vụ đã chất vấn trực tiếp tôi: Tại sao chị dám nhận chức vụ quan trọng này, có biết làm Chủ tịch MTTQ quận là phải đối mặt rất nhiều khó khăn, thử thách không?.

“Lúc đó, tôi không kịp suy nghĩ nhiều, chỉ nói thật lòng mình: “Cháu biết đây là trọng trách lớn lao, là nhiệm vụ khó khăn. Nhưng nếu cháu nhận được sự dìu dắt của các cô bác, sự tin tưởng của nhân dân, cháu tin chắc mình sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Nói cứng như vậy, nhưng khi vào cuộc, với cương vị của Chủ tịch MTTQ của một quận của thành phố lớn nhất nước mới biết có quá nhiều công việc chờ đợi thử thách bản lĩnh của người đứng đầu.

Bà Dung tâm sự, thời điểm đó quả là có nhiều khó khăn, nếu mọi người nghĩ rằng làm Mặt trận dễ, ai cũng làm được là sai lầm. Nghề Mặt trận không phải làm những việc chung chung mà đòi hỏi rất cụ thể, cần những con người cụ thể.

Chẳng hạn muốn phát huy vai trò của người có uy tín thì không thể vận động chung chung. Phải gần gũi, chia sẻ những khó khăn, lắng nghe một cách chân thành, cởi mở để người có uy tín vào khối đại đoàn kết. Để rồi họ trở thành người Mặt trận thì mới lôi kéo được quần chúng làm theo chính sách của Đảng, Nhà nước.

Tìm được người có uy tín đã khó, để người có uy tín, vận động lôi kéo quần chúng còn khó hơn. Muốn vận động quần chúng họ cũng phải đối đãi bằng tấm lòng với tấm lòng để chạm đến trái tim của người dân lúc đó dân mới tin và theo…Tất cả những công việc như vậy từ dễ đến khó, đã được người nữ Chủ tịch MTTQ quận trẻ tuổi này từng bước vượt qua.

Năm 1995 bà Võ Thị Dung trở thành Chủ tịch MTTQ quận trẻ nhất nhì nước thời điểm lúc bấy giờ. “Lúc đó tôi tròn 35 tuổi. Ngay sau khi được bổ nhiệm, một Trung tướng giữ chức Chủ tịch Hội Cựu chiến binh của quận Tân Bình, nơi tôi về nhận nhiệm vụ đã chất vấn trực tiếp tôi: Tại sao chị dám nhận chức vụ quan trọng này, có biết làm Chủ tịch MTTQ quận là phải đối mặt rất nhiều khó khăn, thử thách không? Lúc đó, tôi không kịp suy nghĩ nhiều, chỉ nói thật lòng mình: “Cháu biết đây là trọng trách lớn lao, là nhiệm vụ khó khăn. Nhưng nếu cháu nhận được sự dìu dắt của các cô bác, sự tin tưởng của nhân dân, cháu tin chắc mình sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Chia sẻ khó nhọc của người dân

Phải thấu hiểu, đồng cảm tiếng lòng của người dân, đấy là trọng trách lớn lao nhưng đầy vinh quang mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó cho người làm công tác Mặt trận. Nhưng thấu hiểu đồng cảm thì chưa đủ, phải xắn tay, ghé vai vào chia sẻ những khó khăn để bớt đi những khó nhọc của người dân, đấy mới là công việc chính của người làm Mặt trận.

Là cán bộ Mặt trận lại là đại biểu dân cử, những năm qua bà Võ Thị Dung đã làm hết sức mình trở thành cầu nối truyền tải kiến nghị, tiếng lòng của dân đến với Đảng, đến với cơ quan quyền lực của Nhà nước.

Truyền đạt ý nguyện của dân, công việc tưởng chừng dễ mà khó khăn vô cùng. Bà Dung tâm sự, ngay như kiến nghị QH sửa điều 60 của Luật BHXH cũng không phải là điều dễ dàng gì. Về chủ trương, mục đích lâu dài, phải lo an sinh cho người lao động (NLĐ) để họ có cuộc sống tốt đẹp hơn khi không còn sức khỏe nữa là hoàn toàn đúng đắn.

Thế nên, QH đã nhất trí thông qua Luật BHXH. Thế nhưng, ngay sau khi Luật được thông qua, thậm chí còn chưa có hiệu lực đã vấp phải sự không đồng tình của một bộ phận NLĐ thì bà đã có suy nghĩ khác: Tại sao mình muốn làm điều tốt cho NLĐ mà họ lại phản đối?

“Những lần đến với cơ sở, đến với các khu công nghiệp, chứng kiến cuộc sống nghèo nàn, tạm bợ của của công nhân, tôi xót xa quá. Công nhân tiếng là làm chủ công nghệ hiện đại tại khu nhà xưởng được xây dựng hoành tráng nhưng xem cuộc sống của họ thế nào? Họ sống trong những xóm trọ tồi tàn, thức ăn của họ chỉ là những thứ rẻ tiền nhất…”- bà Dung kể.

Chúng ta nói cứng rằng, vì nghĩ cho cuộc sống lâu dài của dân nên mới thông qua Luật. Nhưng trước mắt chưa giải quyết được khó khăn thì có mấy người nghĩ đến ngày mai? Vì vậy, QH phải sửa luật, phải thực sự cầu thị sửa sai thì QH đó mới là QH của nhân dân.

Giờ thì Điều 60 đã được sửa theo nguyện vọng của NLĐ, nhưng nhớ lại bối cảnh lúc bấy giờ bà Dung cho biết, “tưởng như nói nguyện vọng chính đáng của dân là dễ nhưng cũng không hề dễ. Về chủ trương điều luật này là đúng, mình là đại biểu dân cử nhưng cũng là người của tổ chức, phải tuân thủ những nguyên tắc chung. Thế nhưng với vai là đại biểu của dân, hơn nữa lại là người Mặt trận, mình không nói tiếng nói của dân ai sẽ là người nói đây? Tôi gửi tới Nghị trường tiếng lòng của dân, đau với nỗi đau của NLĐ, không phải là tôi muốn lấy lòng dân. Thực sự đây là trọng trách, là nhiệm vụ đầy vinh quang mà Đảng, Nhà nước đã giao phó cho người Mặt trận”- bà Dung khẳng định.

Bà Võ Thị Dung (sinh năm 1960) là đại biểu Quốc hội Khóa XIII thuộc đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh. Quê quán: phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú, TP HCM. Bà là Cử nhân Kinh tế, Cử nhân Luật, Cao cấp Lý luận chính trị; từng là Chủ tịch MTTQ quận Tân Bình rồi làm Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM, rồi Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM Khóa XIII. Hiện bà là Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban tổ chức Thành ủy TP HCM.

Truyền đạt tiếng lòng của dân

Hiện bà Võ Thị Dung đã chuyển sang lĩnh vực công tác khác, bà là Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TP.Hồ Chí Minh, nhưng bà nói không bao giờ không coi mình là người Mặt trận.

“Trước khi phân công công tác khác, tổ chức đã hỏi nguyện vọng của tôi. Tôi nói, nếu được hãy cho tôi làm công tác Mặt trận đến lúc nghỉ hưu. Nhưng có những lý do khách quan, tôi phải nhận nhiệm vụ mới. Tuy nhiên, nhiệm vụ nào cũng vậy, tôi không bao giờ từ bỏ nghề Mặt trận. Ở cương vị mới, tôi sẽ cố gắng chăm lo đến đời sống của cán bộ Mặt trận, đặc biệt là cán bộ Mặt trận ở cơ sở. Họ xứng đáng nhận được sự đãi ngộ, bởi những cống hiến của họ cho địa phương, cho đất nước”- bà Dung nói.

“Với cương vị là đại biểu dân cử, là người Mặt trận, tại Kỳ QH thứ 10 này, tôi sẽ tiếp tục nói tiếng lòng của nhân dân, tiếp tục kiến nghị những vấn đề liên quan đến công tác Mặt trận để hệ thống Mặt trận các cấp ngày càng làm tròn vai nhiệm vụ của mình.

Chẳng hạn, với Luật Giám sát của QH và HĐND. Không thể có chuyện, với các giám sát chuyên đề, MTTQ các cấp có thể giám sát. Không thể quy định như vậy, vì MTTQ các cấp giám sát là lẽ đương nhiên, phải quy định bắt buộc ở trong luật. Hay với các Luật Dân sự, Hình sự, Tố tụng Dân sự, Tố tụng hình sự sẽ tiếp tục thảo luận tại kỳ họp này, nhất thiết phải có vai trò giám sát của hệ thống Mặt trận để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân”.

Bởi giao trách nhiệm giám sát cho Mặt trận không đơn thuần là nâng cao vị thế của MTTQ mà điều đó cũng đồng nghĩa với việc Đảng, Nhà nước coi trọng sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nâng vị thế của Mặt trận cũng đồng nghĩa làm tăng tình cảm, lòng tin của dân với Đảng, với đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mãi là người Mặt trận