Bà con ở nước ngoài dù còn quốc tịch Việt Nam hay không còn quốc tịch Việt Nam vẫn luôn một lòng hướng về Tổ quốc bằng tất cả tình cảm, trí tuệ và nguồn lực đóng góp xây dựng quê hương. Bên cạnh đó, trong tiến trình hội nhập quốc tế, kiều bào đóng vai trò rất quan trọng, nhiều người là những thương nhân dày dặn kinh nghiệm thương trường đã trở thành cầu nối giúp chúng ta hội nhập thuận lợi hơn…
Chủ tịch Hội Liên lạc Người Việt Nam ở nước ngoài - Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Phú Bình đã nhấn mạnh như vậy khi chia sẻ với Đại Đoàn Kết trong một buổi chiều cuối tháng 4, khi người dân cả nước đang tưng bừng kỷ niệm 42 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đoàn đại biểu kiều bào tham quan khu Trung tâm Công nghệ sinh học TP HCM Ảnh: TL.
PV: TS Nguyễn Thanh Mỹ - người con của tỉnh Trà Vinh, được biết đến như một doanh nhân thành đạt ở Canada trong một lần về thăm quê hương đã chia sẻ rằng, được tận mắt nhìn những đổi thay ở Việt Nam, nhất là chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc kêu gọi người Việt Nam ở nước ngoài trở về đầu tư, kinh doanh, xây dựng, phát triển đất nước đã thôi thúc ông phải làm điều gì đó ý nghĩa cho quê nhà. Thưa ông, trong số gần 5 triệu kiều bào Việt Nam ở nước ngoài, số người về nước và có những đóng góp thiết thực cho quê hương trong những năm qua chắc chắn sẽ không nhỏ?
Ông Nguyễn Phú Bình: Đúng vậy. Người Việt Nam ở nước ngoài có một đặc điểm chung là dù ra đi trong hoàn cảnh nào, chính kiến khác nhau, định cư hay chỉ cứ trú tạm thời tại bất kỳ nước nào, còn giữ quốc tịch Việt Nam hay đã có quốc tịch khác... đều vẫn tự coi mình là “con Lạc, cháu Hồng”, luôn dõi theo tình hình trong nước và luôn mong muốn đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Vào thời kỳ đất nước đầy khó khăn sau khi thống nhất, nhiều bà con ở nước ngoài gửi tiền về giúp đỡ gia đình, hoặc hùn vốn cũng thân nhân lập nên những cơ sở sản xuất nhỏ tại các địa phương, giải quyết việc làm, sản xuất các mặt hàng tiêu dùng và xuất khẩu.
Từ khi đất nước và bước vào thời kỳ Đổi mới, mở cửa và Hội nhập quốc tế, nhiều người Việt Nam ở nước ngoài trở về làm việc, kinh doanh trong nước.
Sau hai thập kỷ, một số doanh nghiệp do anh chị em đã từng học tập, lập nghiệp ở các nước Đông Âu lập ra như Vingroup, Sungroup, Vietjet Air... trở thành những thương hiệu lớn của Việt Nam, đóng góp xứng đáng cho sự phát triển của đất nước.
Một số tri thức, nhà khoa học thành đạt ở các nước phát triển đã trở về nước xây dựng doanh nghiệp, tham gia tư vấn về luật pháp, chính sách hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ.
Ngày càng có nhiều người quan tâm đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao mà Công ty Mỹ Lan của ông Nguyễn Thanh Mỹ là một thí dụ tiêu biểu. Năm 1999 từ Canada trở về Trà Vinh, ông Mỹ đã xây dựng Nhà máy hóa chất Mỹ Lan, áp dụng công nghệ quang điện tử hiện đại để sản xuất các sản phẩm công nghệ cao. Và sau 16 năm gây dựng Mỹ Lan Group giờ được ví như Thung lũng Silicon thu nhỏ ở Trà Vinh.
Đặc biệt, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghiệp cao phục vụ nhu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm và xuất khẩu đang thu hút sự tham gia của nhiều bà con người Việt Nam ở nước ngoài. Một số lượng đáng kể thế trẻ kiều bào, sinh ra và lớn lên ở nước ngoài và đông đảo sinh viên du học mong muốn về tham gia phong trào khởi nghiệp phát triển đất nước. Đây cũng là những nhân tố mới, đóng vai trò nòng cốt trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang thực sự bắt đầu ở Việt Nam.
Ông Nguyễn Phú Bình.
10 năm qua, bình quân hằng năm có khoảng 300 lượt trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài về nước làm việc, và tiếp tục tăng trong các năm gần đây. Thưa ông, có thể khẳng định sự tham gia của đội ngũ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đã góp phần tạo các cú huých trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ... và triển khai các dự án phát tiển kinh tế - xã hội ở trong nước?
- Con số mỗi năm có 300 lượt trí thức Việt Nam ở nước ngoài về làm việc trong nước quả thực còn quá nhỏ bé so với tiềm năng chất xám và cũng như chưa phản ánh hết được sự đóng góp của trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đối với đất nước.
Ngoài những người đã về nước hẳn hoặc về nước làm việc có thời hạn, sự phát triển của khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin đã tạo điều kiện cho chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là ở các nước có nền kinh tế và khoa học công nghệ phát triển, có thể đóng góp trực tiếp cho các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ cũng như các dự án kinh tế, xã hội trong nước.
Bên cạnh đó, với kinh nghiệm phong phú, các mối quan hệ và sự hiểu biết về đất nước sở tại, các chuyên gia, trí thức Việt Nam ở các nước thật sự là những cầu nối rất hiệu quả, giới thiệu và đưa các công nghệ mới vào Việt Nam, thu hút đầu tư cho các lĩnh vực đất nước đang cần, đồng thời giúp mở thị trường cho hàng hóa trong nước và thực hiện các thỏa thuận song phương và đa phương về kinh tế với các nước.
Để góp phần thu hút hơn nữa sự đóng góp của chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài đang tham gia 1 dự án do Bộ khoa học và công nghệ chủ trì, xây dựng “Mạng lưới chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài”, nhằm thúc đẩy đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực khoa học- công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.
Do hoàn cảnh, công việc nên nhiều kiều bào không có điều kiện về thăm quê, trực tiếp đóng góp xây dựng đất nước, nhưng các doanh nhân Việt vẫn luôn là nhịp cầu nối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước trên thế giới?
- Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, dù đã về nước đầu tư, buôn bán hay chưa có điều kiện đầu tư trực tiếp tại Việt Nam, đều có vai trò hết sức quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế của đất nước.
Họ có thể đầu tư gián tiếp qua các thị trường vốn trong nước đang được hoàn thiện. Đặc biệt, trong tình hình đất nước đang mở cửa, hội nhập như hiện nay, doanh nhân Việt Nam ở các nước, với sự am hiểu cả về tình hình kinh tế trong nước và kinh tế nước sở tại, có thể đóng góp vai trò kết nối về thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với các nước, giúp mở thị trường cho hàng hóa Việt Nam, thu hút đầu tư vào những lĩnh vực mà trong nước đang cần. Họ cũng có thể giúp tư vấn cho quá trình Việt Nam thực hiện các thỏa thuận kinh tế song phương và đa phương với các nước.
Thực tế đã chứng minh dù ở đâu, làm gì thì tinh thần tương thân, tương ái của người Việt vẫn luôn lan tỏa mạnh mẽ. Bằng chứng là khi bà con trong nước gặp khó khăn, hoạn nạn họ luôn đón nhận sự giúp đỡ cả về tinh thần và vật chất của kiều bào. Tình cảm đó thật ấm áp, thể hiện khối đại đoàn kết vững chắc, thưa ông?
- Mặc dù Việt Nam đã có bước phát triển lớn từ một nước nghèo, đã trở thành nước phát triển trung bình, nhưng vẫn còn nhiều vùng miền và nhiều người dân chưa thoát khỏi đói nghèo, thiên tai vẫn thường xuyên xảy ra cần đến sự giúp đỡ của cộng đồng.
Những đợt quyên góp ủng hộ đồng bào vùng bị thiên tai của cộng đồng người Việt Nam tại các nước, các dự án hỗ trợ kinh tế, đời sống nhân dân các vùng miền khó khăn đã thể hiện truyền thống tương thân tương ái của dân tộc. Tình cảm đó thật ấm áp.
Không chỉ giúp đỡ những vùng miền và cảnh ngộ khó khăn, bà con kiều bào còn dành cho đồng bào, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước những tình cảm thiêng liêng và sự giúp đỡ to lớn về vật chất, giúp quân và dân cải thiện đời sống trên đảo. Điều đó thể hiện rõ sức mạnh đại đoàn kết dân tộc đã lan tỏa rộng rãi, vượt qua cả biên giới quốc gia.
Thưa ông, tình hình thế giới và khu vực đang chuyển biến nhanh và phức tạp. Vậy những biến động chính trị, kinh tế, xã hội đó có ảnh hưởng nhiều đến công việc, cuộc sống và học tập của bà con kiều bào mình?
- Những năm gần đây, tại nhiều nước và khu vực đã xảy ra những bất ổn chính trị như tình trạng nhập cư và khủng bố tại một số nước, xu hướng bảo hộ mậu dịch và chủ nghĩa dân tộc ngày càng mạnh.
Điều đó ở mức độ khác nhau đều ảnh hưởng đến đời sống, công việc kinh doanh và học tập của cộng đồng người Việt Nam tại các nước sở tại. Trước những tác động đó, đòi hỏi cần có sự đoàn kết, phối hợp trong cộng đồng mỗi nước để tìm biện pháp thích ứng, tranh thủ sự giúp đỡ của chính giới, các tổ chức xã hội và cư dân sở tại, sự liên kết giữa các đoàn thể người Việt tại các nước trong khu vực.
Trong bất cứ khó khăn nào, Chính phủ Việt Nam và cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước sẽ là những chỗ dựa vững chắc cho cộng đồng người Việt Nam trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng.
Trân trọng cảm ơn ông!