Đến làng Ma Coong (Thượng Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) dự lễ hội đập trống tôi có thắc mắc với già làng Đinh Xon rằng người Vân Kiều thường lấy họ Hồ, tại sao người Ma Coong (cũng là một nhánh trong gia đình các dân tộc Bru-Vân Kiều) vùng này lại lấy họ Đinh. Già làng Đinh Xon cười rạng ngời: “Họ Đinh cũng là con cháu Bác Hồ mà. Nhưng việc này phải kể cho có đầu đuôi, ngọn ngành”.
Ông Đinh Xon trong ngày hội đập trống.
Ông nội của già làng Đinh Xon có tên là Tha In là một người có học. Thời Pháp thuộc Tha In được người Pháp chỉ định làm trưởng quản, đốc thúc dân làng vác đá từ lòng suối lên xây trạm quan sát ở Đồi Bò (nay còn dấu tích).
Tha In thương dân làng và căm tức quân Pháp lắm, nhưng vẫn còn sợ cái súng của nó. Sau được cách mạng giác ngộ, Tha In bề ngoài thuần phục quân Pháp nhưng bên trong ngầm ủng hộ cách mạng. Cụ đã cho đứa con trai lớn của mình là Tha Keo theo du kích xã.
Tha Keo sinh năm 1920, lúc vào du kích đã 18 tuổi, đến năm 27 tuổi thì ông được kết nạp Đảng. Đội du kích của làng Ma Coong trang bị vũ khí rất thô sơ, phần lớn là dao dựa và cung nỏ.
Những mũi tên tẩm thuộc độc rất lợi hại của người Ma Coong khiến quân Pháp vô cùng khiếp sợ. Chất độc này có tên là “thuốc pịt” do một người cùng làng tên là Tà Lịt chế ra.
Thuốc ăn vào mồm không sao nhưng ngấm vào máu là chết. Chính vì thế mà người làng có thể chế thuốc ngay trước mắt mà địch cũng không biết. Thành tích chiến đấu giỏi và cũng là người biết chữ hiếm hoi của làng nên trong suốt 9 năm kháng chiến chống quân Pháp, Tha Keo làm bí thư chi bộ của xã. Lúc đó xã không có Đảng bộ vì số lượng đảng viên rất ít.
Năm 1957, Tha Keo được vinh dự bầu làm thanh niên dân tộc tiêu biểu đi đón Bác Hồ về thăm Quảng Bình. Vào thời điểm đó thông tin liên lạc cũng như đường đi lối lại vô cùng khó khăn, gian khổ, Tha Keo đến Đồng Hới thì lễ mừng đón Bác đã kết thúc.
Đồng bào Vân Kiều nhiều người đã nhận họ Hồ. Sau này cụ Đinh Keo nói với con cháu rằng: “Họ nào trong đất nước ta nếu cũng yêu nước, ủng hộ cách mạng thì vẫn là con cháu của Cụ Hồ cả. Ta đến muộn, không kịp nhận họ Hồ cùng anh em dân tộc khác, ta xin nhận họ Đinh, theo họ của vua Đinh Bộ Lĩnh nguyện một lòng theo cách mạng giành độc lập, thống nhất cho nước nhà”. Nghe vậy nhiều người trong làng đã lấy họ Đinh mà theo.
Sau này cụ Đinh Keo cũng từng được ra Hà Nội, chụp ảnh với Bác Hồ, nhưng chiến tranh, bom đạn đốt cháy mất bức hình quý giá đó. Những chuyện này già làng Đinh Xon đều chứng kiến.
Ông kể: “Làng Ma Coong những năm 1966, 1967, chỉ có khoảng 20 mươi gia đình. Cả làng trốn bom Mỹ trong hang. Suốt 3 năm chiến tranh phá hoại của, đến năm 1969 mới trở lại làng và mở lại lễ hội đập trống sau 3 năm gián đoạn. Tất cả nghi lễ đều do bố tôi duy trì. Cụ nói: để tục lệ truyền thống của làng không bị đứt. Đến năm 1999, cụ mới truyền lại nghi lễ cho tôi rồi năm sau cụ mất”.
Cụ Đinh Keo động viên Đinh Xon học hết lớp 7, trở thành giáo viên của xã. Và sau đó, Đinh Miết là con của ông Đinh Xon đã tốt nghiệp đại học Sư phạm Huế rồi trở về làm thấy giáo tại địa phương.