Mang hồn quê vào… bảo tàng

TRẦN DUY HƯNG 25/09/2022 05:59

Giờ đây, nếu lâu mới về các miền quê sẽ có cảm giác bị “lạc hậu” trước sự phát triển. Giao thông mở mang, khu công nghiệp mọc lên khắp nơi làm thay đổi mọi mặt đời sống ở nhiều làng quê. Khi cái mới thay thế, tác động ngày càng mạnh mẽ thì những gì là quen thuộc, là truyền thống ở làng quê cũng dần bị thu hẹp, hiếm đi, có thứ mất hẳn.

“Thế giới” các nông cụ, ngư cụ, diêm cụ được trưng bày ở Bảo tàng Đồng Quê.

Vậy nên mỗi lần qua lại, tham quan Bảo tàng Đồng Quê - một bảo tàng tư nhân ở tỉnh Nam Định - tôi thường có ý nghĩ rằng việc có một bảo tàng như vậy có lẽ là một điều tất yếu. Nếu không ở Nam Định thì cũng sẽ xuất hiện ở đâu đó; nếu không phải do cá nhân, tổ chức này lập ra thì cũng sẽ có cá nhân, tổ chức khác làm việc này.

Bởi lẽ đời sống, văn hóa làng quê Việt Nam, nhất là ở vùng Đồng bằng sông Hồng đã được hình thành, tạo dựng, trường tồn qua hàng nghìn năm, được thể hiện qua những nếp nhà, nếp làng, qua đời sống, sinh kế của nông dân, ngư dân, diêm dân, của những người thợ thủ công hay qua những phong tục, tập quán.

Khi những gì thuộc về đời sống của những cư dân nông nghiệp, lúa nước đang được hoặc bị đời sống hiện đại thay thế, mất đi hẳn sẽ gây lòng hoài niệm, luyến nhớ, với không chỉ một vài mà cả nhiều lớp người, nhiều thế hệ. Và, khi có sự thôi thúc của tình cảm ắt hẳn sẽ có hành động lưu giữ. Rất dễ gặp những việc làm với mục đích như vậy, với nhiều cấp độ khác nhau trong đời sống hiện nay ở một ai đó, một cộng đồng nào đó.

Nhưng bỏ công, bỏ của, bỏ trí rồi kiên trì, bền bỉ sưu tầm hiện vật, rồi xây dựng hẳn một công trình bảo tàng với cùng mục đích trên thì có lẽ đến giờ ở miền Bắc, rộng hơn là cả nước mới chỉ có vợ chồng Thiếu tướng Hoàng Kiền làm được, ở ngay trên quê hương mình, giữa vùng châu thổ sông Hồng rộng lớn: làng Bỉnh Di, xã Giao Thiện, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định - cách nơi con sông Hồng hòa với biển không xa.

Tôi đã vài lần được nghe Thiếu tướng Hoàng Kiền trò chuyện ở nơi này, nơi khác. Nhớ về ông là nhớ về hình ảnh một anh bộ đội ra đi từ lũy tre làng, ngay cả khi đã mang quân hàm cấp tướng thì ở ông vẫn còn nguyên nét mộc mạc, chân chất.

Ông được nhiều người trong và ngoài quân đội biết đến là người trong cuộc đời binh nghiệp đã được giao những nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trong đó, nhiều năm ông đã lăn lộn với sóng gió, chỉ huy một đơn vị công binh xây dựng nhiều công trình quốc phòng trên các đảo ở quần đảo Trường Sa.

Tiếp đến là những năm tháng gắn bó với khắp dải biên cương của Tổ quốc khi được giao chỉ huy thực hiện Dự án đường tuần tra biên giới. “Mô hình” gia đình “chồng bộ đội vợ giáo viên” một thời khá phổ biến. Gia đình Thiếu tướng Hoàng Kiền là một trong những gia đình như vậy.

Mấy chục năm trước, từ xã Xuân Tân bên huyện Xuân Trường, cô giáo Ngô Thị Khiếu về làm vợ anh bộ đội Hoàng Kiền, làm dâu làng Bỉnh Di ở huyện Giao Thủy phía dưới, rồi dạy học nhiều năm ở quê chồng. Khi công tác của chồng thay đổi, ở nhiều địa bàn khác nhau cô giáo Khiếu cũng phải thay đổi để thích ứng, lần lượt theo chồng vào Đà Nẵng sinh sống, công tác rồi trở ra Hà Nội. Đến khi nghỉ hưu họ cùng hướng tâm, hướng lòng về quê hương.

Bà giáo Ngô Thị Khiếu hướng dẫn các em học sinh tham quan mô hình nhà của Trung nông thời xưa.

Theo lời bà giáo Khiếu, nay được biết đến là Giám đốc Bảo tàng Đồng Quê, gia đình bà gồm vợ chồng, con cái cùng những người thân khác đã bắt đầu thực hiện việc sưu tầm các hiện vật hiện đang được trưng bày tại bảo tàng từ hơn 20 năm trước và trước khi bảo tàng được xây dựng, thành lập cả chục năm từ sự thôi thúc của tình yêu với quê hương, với văn hóa làng quê vốn đang dần bị mai một.

“20 năm qua tôi và các thành viên trong gia đình đã tận dụng từng ngày nghỉ, len lỏi khắp các làng quê để sưu tầm, đến nay được khoảng gần 10.000 hiện vật”, bà giáo nay đã gần 70 tuổi chia sẻ.

Khi số hiện vật đã khá nhiều, ở thời điểm gần nghỉ hưu, vợ chồng vị tướng về quê, xin chính quyền địa phương cho xây dựng một nơi trưng bày hiện vật kết hợp làm một thư viện để phục vụ trước hết là người dân, con em quê hương. Ý tưởng tốt đẹp đó được chính quyền địa phương ủng hộ, tạo điều kiện bằng việc cho ông bà thuê đất.

Đó là lý do năm 2011 Bảo tàng Đồng Quê được khởi công, đến cuối năm sau thì được khánh thành, đi vào phục vụ khách tham quan. Kể từ đó đến nay bảo tàng từng bước được bổ sung, hoàn thiện, nâng cao khả năng phục vụ từ sự tâm huyết của các thành viên trong gia đình, chung tay hỗ trợ, giúp sức của chính quyền địa phương, của cộng đồng, của các cán bộ chuyên môn đến từ Bảo tàng tỉnh Nam Định. “Kinh phí đầu tư tính đến nay đã hết khoảng 8 tỷ đồng, chưa kể kinh phí sưu tầm hiện vật. Trong số này có khoảng 3 tỷ đồng do các tổ chức xã hội, cá nhân ủng hộ”, bà giáo Khiếu cho biết.

Mâm đồng, nồi đồng, những vật dụng gắn bó với người dân nông thôn thế hệ trước.

Ở thời điểm hiện tại, đến Bảo tàng Đồng Quê, những người nặng lòng với đời sống, văn hóa làng quê có hai không gian để tham quan, tìm hiểu, gồm không gian ngoài trời và trong nhà. Ở không gian ngoài trời, khách tham quan được tìm hiểu, chiêm ngưỡng những nếp nhà xưa ở nông thôn miền Bắc qua 3 mô hình: nhà Bần nông, nhà Trung nông và nhà của địa chủ được tái hiện trong khuôn viên bảo tàng.

Cũng tại đây, khách tham quan, nhất là thế hệ trẻ được tìm hiểu, trực tiếp trải nghiệm những công việc của nhà nông xưa như làm đất, tát nước, trồng cấy; tìm hiểu những cây trồng, vật nuôi thuần chủng như lúa, ngô, khoai, sắn, gà, lợn, cua, cá, ốc, ếch…; được trải nghiệm quy trình nấu rượu theo phương pháp thủ công; được thưởng thức những món ăn dân dã cùng những loại hình nghệ thuật truyền thống như: hát văn, hát chèo.

“Bảo tàng tự cấy 8 sào ruộng để lấy gạo nấu rượu; tự trồng, tự nuôi các loại rau, lợn, gà, cá để làm thực phẩm chế biến các món ẩm thực làng quê”, hướng dẫn viên bảo tàng cho biết.

Ở không gian trong nhà, qua 4 tầng khách tham quan được trải nghiệm 4 không gian trưng bày khác nhau. Trong đó, ở tầng 2 là “thế giới” của những bộ nông cụ, công cụ nghề truyền thống, đồ dùng sinh hoạt của nông dân, ngư dân, diêm dân, thợ thủ công xưa cũng như những đồ dùng sinh hoạt mà ở thời hiện đại này ta không còn dễ bắt gặp.

Ở tầng 3 là thế giới của những đồ đồng, nổi bật nhất là các khu trưng bày gần 400 trăm chiếc mâm đồng, nồi đồng cùng rất nhiều những đồng tiền xưa, từ những đồng xu cho đến những tờ tiền mệnh giá thấp lưu hành trong thời bao cấp. Ở tầng 4 là thế giới của hàng nghìn đầu sách cùng không gian ngồi đọc sách cũng như các hoạt động hội họp…

Với tôi, khi “lạc” vào thế giới của những nông cụ, ngư cụ cảm giác vừa quen vừa lạ. Quen vì sinh ra lớn lên ở nông thôn, những chiếc cày, chiếc bừa, cái mơm, cái cào, cái đăng, cái đó hay cái cối xay, cái cối giã gạo…vốn không xa lạ gì, từ bé đã sử dụng quen tay. Lạ là vì rời làng, rời đời sống nông nghiệp, nông thôn, hòa mình vào đời sống thị thành đã lâu, nay gặp lại những gì vốn rất thân quen cảm giác thật bồi hồi, ký ức tuổi thơ như được “kích hoạt”.

Nhìn các em thơ đang say sưa nhìn ngắm, hỏi han ở đây tôi nhận ra công trình bảo tàng trưng bày những gì là hồn cốt của làng quê này phần nào đã giúp các em kết nối được với quá khứ, với thế hệ ông cha, kết nối được với mạch nguồn của dân tộc, đất nước, mà nếu không có sự kết nối ấy sẽ dễ bị đứt gãy.

“Tính đến nay, bảo tàng đã đón được trên 100.000 lượt khách đến tham quan, cả trong và ngoài nước. 5 năm đầu, bảo tàng phục vụ miễn phí, mấy năm gần đây mới thu một chút phí hướng dẫn, phí vệ sinh nhưng cũng chỉ 5.000 đồng/người. Ngoài ra, bảo tàng cũng có thêm nguồn thu từ các hoạt động sản xuất lương thực, thực phẩm, dịch vụ ẩm thực tại chỗ…, đủ kinh phí trả lương cho 10 cán bộ, nhân viên và các chi phí khác”, bà giáo Khiếu chia sẻ.

Và rồi: “Khi nào không còn đủ sức khỏe, khả năng quản lý, vận hành gia đình sẽ hiến tặng bảo tàng cho địa phương”. Thật nhẹ nhàng, giản dị!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mang hồn quê vào… bảo tàng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO