Giải thưởng khoa học công nghệ toàn cầu VinFuture vừa được trao cho các nhà khoa học kiệt xuất hôm 20/1 vừa qua. Sự kiện khoa học này thu hút sự chú ý của công chúng trong nước và quốc tế. “Đây sẽ là một bước tiến quan trọng để đưa Việt Nam lên bản đồ khoa học thế giới. Đã đến lúc cần những cơ chế để “mang thế giới” về hội tụ tại Việt Nam nhờ “cầu nối” là hơn 5 triệu kiều bào hiện đang sinh sống tại 110 quốc gia trên thế giới” - Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, kiều bào Mỹ nhấn mạnh khi trao đổi với Đại Đoàn Kết.
PV:Thưa ông, là một chuyên gia kinh tế, cũng là một kiều bào Mỹ, ông có đánh giá như thế nào về sự đóng góp của kiều hối đối với sự phát triển kinh tế của đất nước trong năm qua?
Ông Nguyễn Trí Hiếu: Việt Nam là một trong những quốc gia được thế giới đánh giá là “điểm sáng” trong thu hút kiều hối, điểm đến đầu tư. Mỗi năm, trung bình kiều hối của Việt Nam đạt trên 15 tỷ USD, trong khi tổng nền kinh tế cỡ 350 tỷ USD. Như vậy cỡ khoảng 5% GDP. Đây là sự đóng góp của rất lớn của kiều bào đối với sự phát triển của đất nước.
Tôi xin nói rằng, kiều hối có lợi hơn rất nhiều so với các nguồn vốn khác, ví như vốn ODA. Vì bây giờ ODA là vốn vay ưu đãi kèm theo những điều kiện như: phải sử dụng công nghệ của họ, thuê chuyên gia của họ. Cho nên kiều hối có lợi hơn vốn ODA bởi không có điều kiện gì ràng buộc, không phải trả lãi và trả vay gốc. Nếu so sánh, kiều hối cũng bằng 10% trong xuất khẩu của chúng ta. Vì thế có thể khẳng định, đây là nguồn đầu tư quan trọng của kiều bào đối với sự phát triển kinh tế của đất nước. Trong 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên kiều hối và sự đầu tư của kiều bào về nước có chậm lại, nhưng vẫn được duy trì. Nhiều kiều bào không những đầu tư gián tiếp, mà còn đầu tư trực tiếp. Vì vậy vấn đề đặt ra là làm sao thu hút được nhiều sự đóng góp của kiều bào dành cho sự phát triển của đất nước.
Hiện dịch Covid-19 vẫn hoành hành và sẽ vẫn có những tác động tiêu cực đến nền kinh tế, đặc biệt là vấn đề đầu tư. Hy vọng trong vài tháng tới chúng ta sẽ kiểm soát được dịch bệnh tốt hơn, khi độ bao phủ tiêm chủng ngày càng lớn. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trên thế giới đang diễn biến phức tạp, nhất là biến chủng Omicron. Như ở Mỹ hiện nay thì số ca bệnh đang tăng rất nhanh. Dù dịch mới tái phát lại do chủng Omicron nhưng đã tác động mạnh đến nền kinh tế tại Mỹ. Như vậy, dịch bệnh vẫn là “ẩn số” đối với nền kinh tế Việt Nam. Nếu trong 6 tháng tới kiểm soát được dịch bệnh thì kinh tế phục hồi và khởi sắc vào nửa năm sau, lúc đó đầu tư của kiều bào sẽ mạnh mẽ hơn.
Để thu hút nguồn vốn của kiều bào, theo ông cần phải hướng dẫn những gì để bà con có thể đưa nguồn vốn về nước một cách thuận lợi hơn?
- Thời gian qua, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã làm rất tốt vai trò là “cầu nối”, song cá nhân tôi cho rằng cần cải tiến mạnh mẽ hơn nữa. Ví như, cần có bộ phận chuyên ngành riêng về đầu tư để có thể trao đổi, hướng dẫn về đất đai, giấy phép kinh doanh. Nghĩa là có bộ phận “chuyên trách về đầu tư” cho kiều bào. Muốn vậy cần kiểm soát dịch bệnh, kéo kiều bào về nước để đầu tư, kinh doanh, phục hồi phát triển kinh tế.
Vừa qua các nhà khoa học tên tuổi hàng đầu trên thế giới đã tới Việt Nam để dự lễ trao Giải thưởng khoa học công nghệ toàn cầu VinFuture. Thực tế trong hơn 5 triệu kiều bào, chúng ta có 500 nghìn chuyên gia, nhà khoa học, tri thức. Nếu kết nối họ lại, chúng ta sẽ có một đội ngũ chuyên gia xứng tầm để thực hiện khát vọng Việt Nam thịnh vượng?
- Đây là vấn đề Chính phủ đã nghĩ đến. Thực tế, trong 5 triệu kiều bào sinh sống khắp nơi trên thế giới có rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà kinh tế có đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Mỗi đợt tổ chức Xuân Quê hương là dịp để kiều bào trở về. Bắt đầu từ năm 1995 đã có nhiều chuyên gia kinh tế, nhà khoa học trở về Việt Nam. Và thời điểm hiện nay là lúc cần thu hút, kêu gọi sự đóng góp của các chuyên gia trên tất cả các lĩnh vực để phát triển đất nước.
Vấn đề đặt ra là làm sao huy động, hấp dẫn các chuyên gia, nhà kinh tế, nhà đầu tư về Việt Nam? Như tôi đã đề cập ở trên là bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống luật pháp để tránh sự chồng chéo, thì cũng cần phải thực thi pháp luật cho tốt. Nhiều cái rất nhỏ thôi nhưng lại ảnh hưởng đến “cái nhìn” của những người đang sinh sống, làm việc tại môi trường hiện đại. Đó chính là tính thượng tôn pháp luật.
Hơn 5 triệu kiều bào tại 110 quốc gia có thể coi là những “đại sứ”. Nếu phát huy được vai trò của các kiều bào, họ sẽ trở thành cầu nối với bạn bè quốc tế. Và có thể khẳng định họ sẽ “mang thế giới” đến với Việt Nam, thưa ông?
- Chúng ta có nhiều điều kiện thuận lợi để mời các chuyên gia, nhà khoa học về Việt Nam làm việc. Cho nên phải biết tạo ra những cơ hội để thu hút. Theo tôi ngoài các điều kiện làm việc được đảm bảo, chế độ đãi ngộ thì cần để các nhà khoa học ở trong và ngoài nước kết nối với nhau. Khi bản thân các nhà khoa học “chưa gặp nhau” thì làm sao họ có thể trở thành cầu nối để mời gọi nhiều người cùng đến Việt Nam? Do đó chúng cần tạo ra những cơ hội để họ gặp gỡ, tìm hiểu và đi đến mục tiêu chung là đóng góp cho xây dựng đất nước. Hiện nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài là rất lớn. Như ở Mỹ tại nhiều bệnh viện lớn có rất nhiều bác sĩ giỏi là người Việt Nam. Nếu tận dụng nguồn lực trí tuệ của họ, nhờ họ kết nối với các nhân tài khác thì đây sẽ là nguồn “tài nguyên tri thức” vô cùng quý giá cho sự phát triển của đất nước.
Trân trọng cảm ơn ông!