Nhân câu chuyện bằng giả đang thu hút quan tâm của xã hội, chúng tôi xin thông tin đến bạn đọc một vài tồn tại trong lĩnh vực này. Cụ thể là việc bắt buộc phải có nhiều loại tín chỉ, chứng chỉ, bằng cấp tại các cơ quan báo đài.
Ở các tỉnh thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (như TP Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang, Đồng Tháp), sau khi có các quy định bổ nhiệm, nâng lương, thăng hạng các đơn vị báo, đài yêu cầu và phân công phóng viên, lãnh đạo các ban đơn vị phải đi học để có chứng chỉ phóng viên hạng 2 và hạng 3. Có rất nhiều phóng viên đang công tác trong các cơ quan báo, đài mặc dù đã làm nghiệp vụ từ 10 năm đến hơn vẫn phải đi học để lấy các chứng chỉ nhằm đáp ứng quy định để được nâng hạng, thăng cấp, tăng lương, thăng tiến các chức vụ. Đây là điều bất hợp lý.
Tại báo Cần Thơ, có những phóng viên công tác trong lĩnh vực đã hơn 10 năm dù đã có bằng thạc sĩ văn học, nhưng mới đây theo quy định của cơ quan phải có bằng thạc sĩ thuộc ngành báo chí nên phóng viên lại phải đi học thạc sĩ báo chí cho đủ chuẩn. Bằng cũ (thạc sĩ văn học) coi như bỏ.
Ngay trong việc đào tạo thạc sĩ báo chí và bảo vệ luận văn, mỗi trường lại có quy định riêng. Có thể nêu ví dụ: Hiện nhiều nhà báo, phóng viên các cơ quan báo, đài địa phương, thậm chí là lãnh đạo các cơ quan báo, đài ở đây đang tham gia lớp thạc sĩ “Chuyên ngành Báo chí học định hướng, ứng dụng tại Vĩnh Long” do Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn, Viện Đào tạo báo chí và truyền thông liên kết với Đại học Cửu Long ở Vĩnh Long. Lớp 1 mới đây đã có nhiều nhà báo, phóng viên hoàn thành việc bảo vệ thành công luận văn. Tuy nhiên vẫn còn một số phóng viên, nhà báo phải chuyển qua đợt bảo vệ khác vì chưa đáp ứng được chứng chỉ tiếng Anh B1.
Bên cạnh đó, theo quy định Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, yêu cầu các học viên muốn bảo vệ luận văn thạc sĩ phải có chứng chỉ Anh văn B1 của một trong 8 trường được trường quy định (Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng; Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế; Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh; Đại học Sư phạm Hà Nội; Đại học Hà Nội; Đại học Thái Nguyên; Đại học Cần Thơ), các trường khác đều không công nhận.
Được biết, có phóng viên đã thi đậu bằng B1 ngoại ngữ của Đại học Ngân hàng, nhưng do không nằm trong 8 trường theo quy định của Đại học Quốc gia Hà Nội nên chứng chỉ B1 này trở nên vô dụng, phải học trường khác cho đủ chuẩn. Việc Đại học Quốc gia Hà Nội quy định phải có chứng chỉ B1 Anh văn mới được bảo vệ luận văn thạc sĩ khiến cho các học viên gặp rất khó khăn, có những nhà báo là lãnh đạo một tờ báo địa phương nhưng thi nhiều lần mới đậu chứng chỉ B1, ảnh hưởng rất nhiều đến công việc của các cơ quan báo đài.
Qua đó cho thấy việc bắt buộc các quy định về bằng cấp đang gây rất nhiều khó khăn cho cán bộ công chức, người lao động, nhất là đội ngũ phóng viên, báo đài ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, kể cả với những người đang giữ vị trí quan trọng của một tờ báo.
Vì thế, để sử dụng các nhân tài một cách hợp lý rất cần phải tính toán lại, mạnh dạn bỏ ngay các quy định oái oăm.
Cũng đào tạo về thạc sĩ báo chí nhưng lớp đào tạo chuyên ngành “Quản lý báo chí truyền thông”, do Học viện Báo chí tuyên truyền Hà Nội liên kết tổ chức tại Cần Thơ, các học viên tham gia lớp thạc sĩ báo chí ở đây cảm thấy “khoẻ” khi Học viện linh hoạt đưa môn Ngoại ngữ vào để dạy như là một tín chỉ bắt buộc. Các học viên tham gia lớp thạc sĩ không cần phải chạy khắp nơi để làm sao thi được chứng chỉ B1 anh văn đủ chuẩn mới được bảo vệ luận văn.