Hứa hẹn các thành viên sẽ có nhà có xe, Bank Land tiếp tục tổ chức các hội thảo để thu hút khách hàng đầu tư vào các dự án của mình, hối thúc họ nộp tiền vào tài khoản cá nhân của lãnh đạo. Tuy nhiên, tìm hiểu của phóng viên Đại Đoàn Kết cho thấy, một số dự án mà Bank Land nêu lên là các bãi đất trống, chưa có căn cứ pháp lý.
Những chiêu trò quen thuộc được vẽ ra để thu hút nhà đầu tư bằng hàng loạt “món hời” đầu tư như Bài 1 và bài 2 đã phản ánh, nhóm PV Đại Đoàn Kết tiếp tục liên hệ với BankLand để được nắm bắt thêm thông tin về hoạt động của doanh nghiệp này.
Tuy nhiên, nhiều ngày gửi câu hỏi đi nhưng BankLand đã không có câu trả lời nào, cũng như không chứng minh được nhiều vấn đề dư luận quan tâm như nền tảng tài chính của công ty, khả thi của các dự án bất động sản, sự hợp pháp của blockchain bất động sản…
Mồi cam kết lợi nhuận cao ngất ngưởng
Thế nhưng mới đây, ngày 28/5, Bank Land tiếp tục tổ chức lễ mở bán bất động sản tại Hà Nội với sự tham gia của ban lãnh đạo công ty cùng đông đảo khách hàng.
Buổi lễ mở bán bất động sản được Bank Land tổ chức tại Trung tâm Hội nghị CTM Palace (số 131 Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy, Hà Nội).
Ghi nhận của Đại Đoàn Kết Online, có đến hàng ngàn người tham dự sự kiện này bao gồm cả khách hàng và nhân viên của Bank Land.
Sau những màn văn nghệ chào mừng, ông Quản Văn Dương, Chủ tịch HĐQT tiếp tục bài “diễn thuyết” quen thuộc về thành tựu và sứ mệnh của Bank Land:
"Sau hơn 5 tháng thành lập và phát triển, Bank Land đã được sự ủng hộ nhiệt tình của khách hàng trong nước và quốc tế. Với mong muốn trở thành tập đoàn bán lẻ bất động sản trên nền tảng công nghệ blockchain lớn nhất Việt Nam, Bank Land thực tiễn hoá bằng việc liện tục mua về công ty các quỹ đất lớn nhỏ, từng bước ra mắt thị trường, quý đối tác, khách hàng các sản phẩm bất động sản của công ty thông qua các chương trình mở bán bất động sản".
Ông Dương cũng nhấn mạnh, việc tổ chức sự kiện mở bán bất động sản tại Hà Nội lần này để chính thức ra mắt thị trường Việt Nam và quốc tế các sản phẩm của Bank Land Group.
Sau màn "chào hỏi" này, ông Đỗ Văn Cư, Phó Chủ tịch HĐQT Bank Land cũng tiếp tục: Công ty đã có 1.500 nhân sự và khoảng 10.000 nhà đầu tư kinh doanh. Mục tiêu trong năm 2022 là giúp cho 1.000 - 2.000 các thành viên có nhà có xe. Trong năm 2022 mục tiêu sẽ thu hút được 1,5 triệu nhà đầu tư, trong đó nhà đầu tư từ 10 đến 30 tỷ đồng là 1 triệu nhà đầu tư và từ 50 đến 100 tỷ đồng là 500.000 nhà đầu tư.
Vị Phó Chủ tịch này còn cho hay giai đoạn 2022-2023, BankLand sẽ đón 1 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Năm 2023-2025 Bank Land sẽ đón 5 tỷ USD, đến 2028 sẽ đón 10 tỷ USD, đến 2030 đón 20 tỷ USD.
Ông Dương còn cho biết giai đoạn 2030-2040, BankLand sẽ trở thành tập đoàn bán lẻ bất động sản lớn nhất Việt Nam, xây dựng các dự án lớn, mở rộng thị trường đầu tư quốc tế, xây dựng thương hiệu Bank Land đạt giá trị 10 tỷ USD.
Nội dung chủ yếu của buổi lễ là công bố và mở bán một số bất động sản. Theo đó, lãnh đạo của Bank Land giới thiệu một dự án phân lô bán nền được mệnh danh là "đất vàng thương mại - du lịch - dịch vụ tổ hợp Hồng Vân" tại thôn Cẩm Cơ, xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, Hà Nội.
Nhưng thực tế theo tìm hiểu của nhóm PV, khu đất trên chỉ là bãi đất trống, chưa có cơ sở hạ tầng.
Còn theo một vị lãnh đạo UBND huyện Thường Tín, thông tin về dự án của Công ty cổ phần tập đoàn Bank Land tại địa phương là giả mạo.
Bên cạnh đó, PV cũng có trong tay "Phiếu cọc thiện chí" giữa Bank Land và một số khách hàng để đặt cọc cho dự án bất động sản tại Hồng Vân, với số tiền đặt cọc là 50 triệu đồng.
Đáng nói, tài khoản giao dịch phía công ty Bank Land lại là tài khoản cá nhân của ông Quản Văn Minh, Giám đốc sàn giao dịch bất động sản.
Chưa kể, theo nhiều luật sư, việc cọc tiền giữ chỗ mua bất động sản là trái pháp luật, chỉ là chiêu trò chiếm dụng vốn trái phép của chủ đầu tư và bên môi giới, tiềm ẩn rủi ro cho người giữ chỗ.
Đáng nói, mặc dù Công ty CP Tập đoàn Bank Land đăng ký kinh doanh với 50 mã ngành nghề khác nhau (ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê). Tuy nhiên trong 50 mã ngành nghề được Bank Land đăng ký không có hoạt động kinh doanh tư vấn, môi giới bất động sản, quyền sử dụng đất.
Theo tài liệu mà Đại Đoàn Kết Online có được, 2 dự án phân lô tách thửa tại thôn Cổ Châu, xã Nam Phong và thôn Đại Gia, xã Thuỵ Phú (cùng tại huyện Phú Xuyên, Hà Nội) được Bank Land giới thiệu với khả năng sinh lời đầy hứa hẹn. Thế nhưng, khi PV liên hệ với ông Nguyễn Xuân Thanh, Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên thì nhận được câu trả lời hoàn toàn trái ngược.
Ông Thanh khẳng định trên địa bàn huyện Phú Xuyên không hề có dự án nào như Bank Land công bố, đồng thời cũng nhấn mạnh ông không hề biết đến tên Công ty Bank Land.
Bất động sản không được phân phối theo hình thức đa cấp
Trước thông tin mà Đại Đoàn Kết phản ánh về hoạt động của Bankland, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM nhấn mạnh khách hàng để tránh rơi vào bẫy của kinh doanh BĐS đa cấp phải xem xét cơ sở pháp lý của dự án thật rõ ràng.
Một dự án phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, được cho phép làm nhà ở như chung cư, nhà phố, biệt thự hoặc dự án nhà ở nhưng ở dạng phân lô, bán nền.
Thứ hai là dự án phải có giấy phép xây dựng.
Thứ ba là dự án phải đủ điều kiện huy động vốn theo quy định của Luật Kinh doanh BĐS.
Ngoài yếu tố pháp lý ở trên, đối với dự án phân lô, bán nền phải xây dựng xong cơ sở hạ tầng, bao gồm đường giao thông, hệ thống cấp nước, thoát nước, điện, chiếu sáng công cộng.
Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM khẳng định, nhà đầu tư phải xem xét dự án đó phải có ngân hàng bảo lãnh, nếu có thế chấp thì phải giải chấp, nếu chưa giải chấp thì phải có văn bản đồng ý của ngân hàng nhận thế chấp cho phép huy động vốn.
“Văn bản quan trọng cuối cùng là dự án phải có quyết định của Sở Xây dựng xác nhận đủ điều kiện được phép bán nền nhà hình thành trong tương lai. Đối với chung cư thì thêm điều kiện phải xây dựng xong phần móng”, ông Lê Hoàng Châu lưu ý.
Để tránh sập bẫy đa cấp bất động sản, nhà đầu tư không thực hiện giao dịch mua, bán tại các dự án bất động sản không đủ điều kiện giao dịch, chuyển nhượng; không tham gia góp vốn dưới hình thức hợp đồng góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, đặt cọc giữ chỗ, phiếu thu "đặt cọc" giữ chỗ hoặc biên bản "đặt cọc" khi dự án chưa hoàn thành việc xây dựng công trình trên đất.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cũng dã chỉ ra thủ đoạn kinh doanh đa cấp bất động sản là dùng mồi cam kết lợi nhuận cao ngất ngưởng để thu hút nhà đầu tư bỏ tiền. Nguy hiểm hơn cho các nhà đầu tư là các công ty này bán sản phẩm không có thật, trái với quy định của pháp luật.
“Sản phẩm chủ yếu các đơn vị này chào bán là đất nền nhưng nằm ở những địa bàn chưa có hạ tầng và tiện ích đầy đủ, giá còn thấp. Những dự án nào cam kết lợi nhuận cao bất thường thì đều phải xem lại. Khi mua bất động sản bắt buộc phải nhìn thấy bất động sản và liên hệ với chính quyền để kiểm tra pháp lý, quy hoạch…” - ông Hiếu nhắc nhở.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu bổ sung để một sản phẩm BĐS được giao dịch trên thị trường, chủ đầu tư cần phải đáp ứng hàng loạt điều kiện theo Luật Kinh doanh BĐS, Luật Đất đai, Luật Nhà ở…
Ông Hiếu nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là theo quy định của pháp luật hiện hành về bán hàng đa cấp, bất động sản không thuộc diện được phân phối theo hình thức đa cấp, việc kinh doanh bất động sản phải tuân thủ quy định của Luật Kinh doanh BĐS.
Vì vậy, việc áp dụng mô hình đa cấp để phân phối dự án BĐS là vi phạm quy định pháp luật, ẩn chứa nhiều rủi ro, thiệt hại cho nhà đầu tư.
Muôn vàn bẫy lừa đa cấp bất động sản
Kết quả điều tra các vụ việc kinh doanh đa cấp trái phép cho thấy, đối tượng chủ mưu lừa lấy tiền của người tham gia sau để chi tiêu cá nhân và trích một phần trả cho những người tham gia trước nhằm tạo lòng tin. Đến khi hết khả năng chi trả thì các đối tượng cầm đầu nhanh chóng "cao chạy xa bay".
Gần đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội vừa thực hiện Lệnh bắt bị can để tạm giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với Phạm Văn Đảng (31 tuổi quê Vũ Thư, Thái Bình), là đối tượng điều hành Công ty TNHH thiết kế 3D Vietek. Theo Cơ quan điều tra, năm 2016, Phạm Văn Đảng thành lập công ty trên, thuê trụ sở tại tòa nhà 101 Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội.
Cơ quan chức năng cho biết, Đảng thuê người đứng tên Giám đốc nhưng mọi hoạt động của công ty do anh ta đứng sau điều hành, thực chất là tạo vỏ bọc để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Công ty không đăng ký hoạt động kinh doanh đa cấp. Song bị can đã nghĩ ra một hình thức hoạt động đa cấp biến tướng mới dưới vỏ bọc tuyển cộng tác viên môi giới bất động sản do Công ty Vietek là chủ đầu tư; Hoặc tham gia góp vốn, liên kết, hoặc đã mua số lượng lớn căn hộ tại dự án đó. Khi tham gia, cộng tác viên phải mua mã môi giới sản phẩm với giá 3 triệu đồng/mã, mỗi người được quyền mua từ 1-20 mã.
Sau khi nộp tiền, cộng tác viên ngay lập tức được Công ty Vietek trả lãi là 10% tiền nộp, sau đó đi mời người khác tham gia để ăn tiền hoa hồng. Càng giới thiệu được nhiều người tham gia làm cộng tác viên cho Vietek thì được càng nhiều tiền thưởng, giống như mô hình đa cấp.