Mánh khoé "lùa gà" của Bank Land: Chiêu trò trả lãi ‘trên trời’ rồi đẩy rủi ro cho nhà đầu tư

Nhóm PV 27/05/2022 09:35

Hứa hẹn lãi suất cao, muôn vàn cơ hội đầu tư “chắc thắng”, thế nhưng bản hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh của Bank Land với khách hàng mà PV Đại Đoàn Kết có được lại phản ánh thực tế hoàn toàn trái ngược.

Sau khi vẽ ra hàng loạt “món hời” đầu tư như Bài 1 đã phản ánh, nhóm PV Đại Đoàn Kết Online tiếp tục được Trưởng phòng kinh doanh của Bank Land thuyết phục bằng một bản hợp đồng của một khách hàng mới ký kết ngày 13/5 với mức đầu tư 100 triệu đồng với kỳ hạn 6 tháng.

Đáng nói, khi nghiên cứu bản hợp đồng và lấy ý kiến từ luật sư, PV mới “ngã ngửa” trước những chiêu trò tinh vi của công ty này.

Bản hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh của Bank Land với khách hàng.

Cá lớn - cá bé

Theo quan điểm của luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, hiện nay tồn tại rất nhiều hình thức hợp tác kinh doanh, theo đó bên cạnh những doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất cao, thì còn xuất hiện một loại hình thức huy động vốn khác như hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh.

Tuy nhiên, do là "hợp tác kinh doanh" nên dưới hình thức nào thì cũng sẽ tiềm ẩn những rủi ro không tránh khỏi đối với nhà đầu tư. Hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa Bank Land và khách hàng là một ví dụ điển hình.

Đối chiếu quy định tại Điều 504 Bộ luật Dân sự 2015, “Hợp đồng hợp tác là sự thoả thuận giữa các cá nhân, pháp nhân về việc cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm”.

Như vậy, Hợp đồng nêu trên mang bản chất của hợp đồng hợp tác, được ký kết giữa một doanh nghiệp và một cá nhân nhằm góp vốn, cùng kinh doanh và phân chia lợi nhuận.

Qua nghiên cứu nội dung hợp đồng, có thể nhận thấy nhiều vấn đề về bản chất của hợp đồng hợp tác nói chung, cũng như nội dung hợp đồng này nói riêng, cụ thể như sau:

Thứ nhất, đây là hợp đồng được soạn sẵn theo mẫu, được ký kết giữa một bên là doanh nghiệp, một bên là cá nhân. Phía doanh nghiệp vốn là công ty kinh doanh đa ngành nghề, lĩnh vực, số vốn đầu tư lớn cùng với một đội ngũ nhân lực có năng lực, chuyên môn về pháp luật.

Do đó cá nhân khi ký hợp đồng hợp tác thường có xu hướng bị động trong quá trình đàm phán nội dung các điều khoản trong hợp đồng, khó đảm bảo quyền lợi của mình khi có tranh chấp xảy ra.

Thứ hai, các điều khoản được thỏa thuận trong hợp đồng không nêu cụ thể về Quyền và Nghĩa vụ của từng bên. Các nội dung được thể hiện đều mang tính chất khái quát, không nêu rõ các bên cần phải thực hiện/không thực hiện hoạt động nào, trong khoảng thời gian ra sao.

Vấn đề này có thể dẫn tới hậu quả là sau khi hợp đồng được ký kết, một trong hai bên có thể không thực hiện các hoạt động để đảm bảo lợi ích của bên còn lại mà chỉ chú trọng đến quyền lợi của mình.

Bên bị ảnh hưởng cũng không có đủ căn cứ để phản đối hoặc yêu cầu bên kia thực hiện nghĩa vụ.

Bởi như đã nói, quyền và nghĩa vụ không được quy định rõ. Trên thực tế, điều này thường xảy ra với các hợp đồng mà một bên là doanh nghiệp lớn và bên còn lại là cá nhân.

Một buổi giới thiệu về dự án phân lô tách thửa "trên giấy" tại huyện Phú Xuyên (Hà Nội).

"Bậc thầy ngôn ngữ, ông hoàng điều khoản"

Ngoài các bất cập mang tính chất “đã rồi” và khái quát nêu trên, theo luật sư Tiền, nếu đi sâu vào nội dung cụ thể từng điều, có thể thấy được rủi ro tiềm ẩn mà nhà đầu tư có thể phải gánh chịu.

Cụ thể tại Điều 7 và Điều 9 của Hợp đồng có các nội dung như sau:

Điều 7: Quy định về phân chia lợi nhuận:

“Bên A quy định chung một mức lợi nhuận theo Phụ lục hợp đồng để phân chia cho Bên B theo các mức và theo các kỳ hạn khác nhau. Tuy nhiên lợi nhuận này sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với từng thời kỳ, thời điểm trong suốt thời gian hai Bên hợp tác đầu tư kinh doanh”.

Điều 9: Quy định về rút gốc hợp tác đầu tư kinh doanh:

“Bên B không được rút tiền gửi trước thời gian theo Danh mục mức hợp tác đầu tư và kỳ hạn mà Bên B đã đăng ký từ 6-72 tháng.

Sau khi kết thúc kỳ hạn trong Hợp đồng; Bên B rút tiền gốc; thời gian đăng ký rút gốc là 3-30 ngày làm việc, tùy thuộc vào số tiền đầu tư lớn hay nhỏ…”.

Một số điều khoản đẩy bất lợi cho nhà đầu tư của Bank Land.

Đọc các điều khoản trên, có thể hiểu là sau khi Bên A (phía doanh nghiệp) đã cầm được tiền của nhà đầu tư, thì việc thanh toán lợi nhuận định kỳ, lại có thể do bên A điều chỉnh “cho phù hợp với từng thời kỳ, thời điểm”.

Đây là điều khoản định tính, không rõ ràng, dễ tạo ra điều kiện cho bên A trì hoãn thanh toán lợi nhuận cho bên B, tiềm ẩn nhiều mâu thuẫn và tranh chấp pháp lý có thể xảy ra.

Ngoài ra, tại Điều 14 của Hợp đồng có thể hiện nội dung: trường hợp có tranh chấp thì hai bên sẽ tiến hành đàm phán thương lượng.

Nếu việc đàm phán, thương lượng không thành thì một trong hai bên mới có quyền nhờ sự can thiệp của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, cá biệt có nội dung “Trong trường hợp hai Bên chưa đàm phán, thương lượng thông qua biên bản làm việc thì Bên A có quyền không đồng ý sự can thiệp của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và Bên B phải chấp nhận”.

Điều 14 trong bản hợp đồng được luật sư đánh giá là thỏa thuận không có giá trị về mặt nội dung cũng như thực tế...

Đây là thỏa thuận không có giá trị về mặt nội dung cũng như thực tế, bởi lẽ việc thỏa thuận một trong hai bên chỉ có quyền nhờ tới CQNN sau khi đã đàm phán, thương lượng là trái với pháp luật.

Theo pháp luật về tố tụng dân sự, người dân hoàn toàn có quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, mà không thỏa thuận dân sự nào có thể ràng buộc được.

Việc giới hạn quyền khởi kiện tại Tòa án chỉ đặt ra trong trường hợp các bên có thỏa thuận về việc giải quyết tại Tòa Trọng tài thương mại trước khi khởi kiện (mà trong Hợp đồng nêu trên là không có - PV).

Do đó, nội dung thỏa thuận tại Điều 14 nêu trên, có thể tạo cơ hội cho Bên A - Bank Land trì hoãn gặp mặt đàm phán khi có tranh chấp, qua đó né tránh việc giải quyết tại cơ quan tố tụng nếu nhà đầu tư không nắm rõ quy định của pháp luật.

Cẩn thận với hợp đồng "hợp tác kinh doanh"

Từ những phân tích trên cho thấy, rủi ro nói chung của các hợp đồng hợp tác kinh doanh nêu trên xuất phát từ tính chất nhỏ lẻ trong đầu tư vốn, trong đó hình thức này không phải là hình thức đầu tư truyền thống như cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ,... và chịu sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán và các quy định khác có liên quan.

Đồng thời, hình thức đầu tư này không ghi nhận sự sở hữu trực tiếp của nhà đầu tư đối với tài sản của doanh nghiệp trên phần vốn góp, dẫn đến việc không có sự ràng buộc chặt chẽ giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp gọi vốn.

Điều này dẫn đến việc khi một bên vi phạm điều khoản hợp đồng hay có khiếu kiện xảy ra, nhà đầu tư luôn là người thiệt thòi và “lép vế” trước doanh nghiệp.

Trước những rủi ro mà nhà đầu tư có thể gặp phải khi ký kết các hợp đồng hợp tác kinh doanh, luật sư Tiền khuyến cáo, khi ký kết các hợp đồng nói chung và hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh, các nhà đầu tư cần hết sức thận trọng, xem xét kỹ các nội dung trong hợp đồng, đặc biệt là các điều khoản liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các bên.

Điều này là hết sức cần thiết, bởi nếu trong quá trình thực hiện hợp đồng, nếu phía doanh nghiệp không thực hiện đúng, đủ các nội dung đã ký kết sẽ phát sinh trách nhiệm và các nghĩa vụ khác do vi phạm hợp đồng, từ đó nhà đầu tư có căn cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Đồng thời, đối với những hợp đồng có vốn huy động lớn, nhà đầu tư cần ưu tiên thỏa thuận góp vốn làm nhiều đợt, tránh nguy cơ rủi ro lớn về tài sản khi có tranh chấp xảy ra.

Trước đó, như Báo Đại Đoàn Kết đã phản ánh, Công ty cổ phần Tập đoàn Bank Land ra sức hứa hẹn mức lãi suất từ 36% đến 61%/năm để thu hút nhà đầu tư với nhiều lời mời gọi hấp dẫn như blockchain sổ đỏ, hoa hồng ngất ngưởng khi phát triển hệ thống đa cấp... DN này thậm chí còn giới thiệu nhiều dự án phân lô bán nền trên giấy.

PV Báo Đại Đoàn Kết cũng được mời tới dự một sự kiện giới thiệu dự án phân lô tách thửa tại thôn Cổ Châu, xã Nam Phong và thôn Đại Gia, xã Thuỵ Phú (cùng tại huyện Phú Xuyên, Hà Nội).

Dù được giới thiệu khá hoành tráng với khả năng sinh lời đầy hứa hẹn, thế nhưng khi PV liên hệ với ông Nguyễn Xuân Thanh, Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên thì nhận được câu trả lời hoàn toàn trái ngược.

Ông Thanh khẳng định trên địa bàn huyện Phú Xuyên không hề có dự án nào như Bank Land công bố, đồng thời cũng nhấn mạnh ông không hề biết đến tên Công ty Bank Land.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mánh khoé "lùa gà" của Bank Land: Chiêu trò trả lãi ‘trên trời’ rồi đẩy rủi ro cho nhà đầu tư

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO