Dù đã rất nỗ lực, thế nhưng người dân tại nhiều quận, huyện của TP HCM vẫn than phiền việc phải đi lại nhiều lần để giải quyết thủ tục hành chính, vậy nhưng hồ sơ vẫn kéo dài, dẫn đến trễ hẹn…
Hồ sơ trễ hẹn “hành” dân
Ông Đinh Công Khương (ngụ quận 11, TP HCM) phản ánh sự việc, từ trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19 vào tháng 11/2020 gia đình ông nhiều lần đến UBND phường để làm thủ tục hành chính (TTHC) xin chuyển mục đích sử dụng đất nhưng đến nay hồ sơ vẫn chưa xong.
Cũng phải đi lại nhiều lần giữa các cơ quan chính quyền, ông Trần Việt Trung (53 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) chia sẻ: “Người dân đi làm TTHC về đất đai, xây dựng rất mong được biết hồ sơ của mình đã và đang được giải quyết như thế nào, thời hạn giải quyết trong bao lâu. Bởi vì, thực tế dù có cấp giấy hẹn cho công dân nhưng đến ngày hẹn, nhiều người đến hỏi về hồ sơ nhưng cán bộ trả lời chưa có kết quả”.
Ngoài hồ sơ nhà đất, xây dựng, việc chậm cấp sổ hồng cho chung cư cũng gây bức xúc cho người dân tại nhiều quận, huyện của TP HCM. Khi trả lời về lý do trễ hẹn hồ sơ đối với người dân về thủ tục cấp sổ hồng, ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP HCM cho biết, TTHC trong lĩnh vực đất đai, xây dựng hiện còn hạn chế, người dân và doanh nghiệp còn chịu nhiều phiền hà. Đối với cấp sổ hồng cho chung cư, ông Thắng cho hay, đa số các trường hợp hồ sơ chậm thuộc ba nhóm đối tượng. Cụ thể, các hồ sơ xin cấp sổ hồng thuộc các dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính hoặc dự án đã xây dựng xong nhưng chưa hoàn thành khâu nghiệm thu. Có nhiều dự án, chủ đầu tư cũng chưa giải chấp tài sản nên các sở, ngành chưa thể cấp giấy chứng nhận…
Cũng theo ông Thắng, để tạo điều kiện cho người dân giám sát, hiện nay thành phố đều công khai kế hoạch sử dụng đất tại 22 quận, huyện để nhân dân nắm thông tin. Do đó, cấp quận, huyện phải chịu trách nhiệm thông tin đến người dân trên địa bàn về kế hoạch sử dụng đất để bà con nắm bắt, thường xuyên giám sát và thực hiện hồ sơ hành chính liên quan.
Công khai để dân giám sát
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, để giải quyết khối lượng hồ sơ trễ hẹn hiện nay ngoài việc tăng lực lượng cán bộ, viên chức cho mỗi đầu việc thì việc công khai minh bạch TTHC đang được sở này thực hiện nghiêm túc. Hiện nay, sở đã có phần mềm một cửa điện tử để người dân có thể tra cứu khi giải quyết hồ sơ hành chính.
Trong khi đó, ông Lê Trần Kiên - Phó Giám đốc sở Xây dựng TP HCM cũng khẳng định, sở này đang nỗ lực vận hành hệ thống dịch vụ công trực tuyến để tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hành chính của người dân công khai, minh bạch, đẩy nhanh thời gian. Ngoài ra, sở cũng đã xây dựng được app riêng trên điện thoại thông minh để người dân, doanh nghiệp có thể theo dõi tiến độ giải quyết hồ sơ liên quan đến trật tự xây dựng trên địa bàn.
Về hệ thống tra cứu, giám sát hồ sơ hành chính hiện nay, bà Võ Thị Trung Trinh - Phó giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TP HCM cho biết, thành phố chuẩn bị đưa vào sử dụng hệ thống thông tin giải quyết TTHC thống nhất trên toàn thành phố. Người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức đều có thể truy cập hệ thống này để thực hiện và giải quyết TTHC.
Cũng theo bà Trinh, cá nhân, tổ chức cũng có thể đánh giá mức độ hài lòng về TTHC, đồng thời gửi phản ánh, khiếu nại hoặc kiến nghị về các khúc mắc, bất cập trong giải quyết hồ sơ của chính quyền quận, huyện. Hiện nay, UBND TPHCM cũng lên kế hoạch số hóa toàn bộ hồ sơ trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, địa chính để tạo lập dữ liệu dùng chung nhằm liên thông và chia sẻ dữ liệu giữa các sở, ngành và 22 quận, huyện và TP Thủ Đức.
Ông Huỳnh Thanh Nhân - Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM, cho biết, vừa qua thành phố cũng tổ chức nhiều đoàn để kiểm tra thực tế công tác cải cách hành chính tại từng quận, huyện và TP Thủ Đức. Kết quả kiểm tra cho thấy nhiều thủ tục đã được các quận, huyện khắc phục, thực hiện khá tốt khi rút ngắn thời gian giải quyết hơn 50% so với quy định. “Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, thành phố tiếp tục nỗ lực để giải quyết triệt để những gì còn tồn đọng” - Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM chia sẻ.
TP HCM chuẩn bị đưa vào sử dụng hệ thống thông tin giải quyết TTHC thống nhất trên toàn thành phố. Người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức đều có thể truy cập hệ thống này để thực hiện và giải quyết TTHC. Ngoài ra, cá nhân, tổ chức cũng có thể đánh giá mức độ hài lòng về TTHC, đồng thời gửi phản ánh, khiếu nại hoặc kiến nghị về các khúc mắc, bất cập trong giải quyết hồ sơ của chính quyền quận, huyện.