Trong khi cả nước đang dồn toàn lực vào cuộc chiến chống Covid-19 thì trên không gian mạng vẫn có một số đối tượng lợi dụng dịch bệnh, cố tình đưa tin sai sự thật, gây hoang mang, lo sợ cho người dân, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định xã hội.
Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội khẳng định: Việc các cá nhân đăng tải thông tin sai sự thật là vi phạm quy định tại điểm e khoản 1 Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 1/3/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP.
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính số tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng.
Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 288 BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung 2017), có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đến 1 tỷ đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm, ngoài ra còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đến 200 triệu, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
“Ma trận” tin giả
Tin giả được ví như một “dịch bệnh” và môi trường thuận lợi để chúng lan truyền nhanh chóng hơn chính là các nền tảng mạng xã hội. Nhất là trong thời điểm hiện nay, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, thông tin sai sự thật về dịch bệnh xuất hiện tràn lan trên mạng xã đã đặt ra bài toán nan giải đối với các ngành chức năng.
Kể từ khi ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được ghi nhận tại Việt Nam đến nay, những thông tin giả, tin bịa đặt, tin chống phá đã xuất hiện với số lượng và tần suất ngày càng dày đặc trên các nền tảng mạng xã hội, khiến cho cuộc chiến chống dịch bệnh ngày càng trở nên khó khăn và phức tạp.
Trước thực trạng này, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã vào cuộc. Nhiều đối tượng tung tin giả mạo, xuyên tạc bịa đặt đã bị xử lý theo các quy định của pháp luật. Mặc dù các cấp chính quyền đã tích cực phối hợp chặt chẽ, cương quyết xử lý các trường hợp tung tin giả, tin đồn thất thiệt về dịch bệnh, tuy nhiên tình trạng này vẫn tiếp tục tái diễn.
Mới đây, ngày 17/8/2021, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin “Ngõ 68 Đội Cấn có 1 F0 bị phong tỏa mà dân cứ cho trẻ con ra sân chung chơi. Giờ hơn 10 cháu từ 2 đến 10 tuổi bị F0. Đội Cấn phong tỏa mạnh”. Bài đăng còn đính kèm hình ảnh xe cứu thương và nhiều người mặc đồ bảo hộ phòng, chống Covid-19.
Thông tin ngay sau khi được chia sẻ đã gây xôn xao dư luận. Liên quan đến sự việc đăng tải trên mạng xã hội, ông Tạ Nam Chiến, Chủ tịch UBND quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết, nội dung trên là sai sự thật. Từ khi ngõ 68 Đội Cấn có F0 đã bị phong tỏa, tình hình được phía cơ quan chức năng địa phương theo dõi thường xuyên, bên trong khu vực này không có hiện tượng tập trung đông người. Ngoài ra, trong ngõ 68 Đội Cấn có 3 cháu bé dưới 10 tuổi là F0 chứ không phải hơn 10 cháu như thông tin trên mạng xã hội. Công an quận Ba Đình hiện đang vào cuộc xác minh, truy tìm kẻ tung tin giả và xử lý theo quy định của pháp luật.
Đây là một trong số hàng trăm trường hợp đăng tải những thông tin chưa được kiểm chứng, thông tin sai sự thật lên mạng xã hội, khiến dư luận hoang mang.
Giữa tháng 8/2021, Công an quận Tân Phú (TP HCM) đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với ông Nguyễn Văn Lân (47 tuổi, ngụ ở địa phương) vì đã cung cấp, chia sẻ thông tin bị đặt, không đúng sự thật, gây hoang mang dư luận.
Theo điều tra của cơ quan chức năng, ngày 5/8, tài khoản Facebook cá nhân tên “Lan Nguyen Van” chia sẻ trên mạng xã hội bài viết có tiêu đề “một shipper buồn nhất thế giới và một thằng bán gas quá rảnh”. Bài viết có nội dung, người đàn ông nói trên đi giao tro cốt của người vừa qua đời vì Covid-19, rồi kể câu chuyện một em bé chừng 12 tuổi cùng bà ra nhận tro cốt của cha mẹ, tại hẻm 42 đường Âu Cơ, phường Phú Trung, quận Tân Phú. Kèm theo bài viết nói trên là hình ảnh một người mặc đồng phục màu trắng chạy xe máy chở theo nhiều hũ sành trong giỏ nhựa phía sau xe.
Câu chuyện lập tức được chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội với nhiều bình luận bày tỏ tiếc thương, xót xa trước ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Tuy nhiên, sau đó các cơ quan chức năng liên quan đã vào cuộc xác minh và xác định đây là thông tin giả. Đến tối ngày 6/8, tài khoản Facebook “Lan Nguyen Van” đã ẩn bài viết nói trên.
Sau khi xác định chủ tài khoản Facebook “Lan Nguyen Van” là Nguyễn Văn Lân, Công an quận Tân Phú đã mời người này lên làm việc. Ban đầu ông Lân quanh co, tuy nhiên qua đấu tranh, ông này thừa nhận hành vi sai trái của mình, thực hiện chỉnh sửa bài viết đã đăng, cam kết không tái phạm và chấp hành các quyết định xử phạt hành chính.
Chặn nạn tin giả
Việc tin giả được phát tán tràn lan trên không gian mạng đã và đang làm giảm niềm tin của người dân vào công tác phòng chống, dịch bệnh, gây hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội.
Trước tình trạng này, mới đây Bộ Công an đã hướng dẫn người dân các kỹ năng để nhận biết thông tin không đúng trên không gian mạng. Cụ thể, Bộ Công an khuyến cáo người dân khi tiếp cận thông tin trên không gian mạng cần bình tĩnh, tỉnh táo sàng lọc thông tin, tự trang bị kiến thức về pháp luật, xã hội và nhận diện rõ các thông tin xuyên tạc, giả mạo. Đối với những trường hợp chia sẻ, phát tán, bịa đặt thông tin sai sự thật, vi phạm quy định phòng, chống dịch Covid-19, cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ xử phạt nghiêm minh, thậm chí có thể xử lý hình sự với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng.
Chia sẻ với báo chí, Thiếu tá Nguyễn Tiến Cường, Phó Trưởng Phòng 3, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao (A05), Bộ Công an cho biết, lợi dụng “khoảng trống”, “độ trễ” thông tin về dịch bệnh, thủ đoạn mà các đối tượng thường dùng là lồng ghép thật - giả, sử dụng thông tin về những sự việc, hiện tượng có thật để thêu dệt, thêm thắt những thông tin bịa đặt hoặc bình luận xuyên tạc làm sai lệch bản chất sự việc. Hoặc các đối tượng dùng thông tin xác thực, tin chính thống làm “bệ đỡ” cho những thông tin xuyên tạc nhằm lấy được lòng tin của người đọc.
Bên cạnh đó, các đối tượng còn giả mạo nguồn thông tin để người đọc lầm tưởng rằng thông tin sai lệch mà chúng đưa ra là từ nguồn tin cậy, chính thống. “Thủ đoạn thường thấy là giả mạo văn bản chỉ đạo của chính quyền, cơ quan chức năng; giả mạo trang thông tin điện tử, tài khoản mạng xã hội hoặc giả mạo phát ngôn của cơ quan chức năng, lãnh đạo cấp cao, chuyên gia, người nổi tiếng”, Thiếu tá Cường cho biết.
Thiếu tá Cường khuyến cáo, khi tiếp nhận thông tin, người dùng mạng xã hội cần xem xét kỹ nội dung thông tin, so sánh, đối chiếu với những nguồn thông tin khác cũng như với sự việc trên thực tế; xem xét độ tin cậy của số liệu, thời gian, địa điểm, sự kiện, phát hiện những điểm mâu thuẫn, thiếu logic, thiếu cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn. Người dân cũng cần hình thành thói quen kiểm chứng thông tin, nhất là khi tiếp nhận thông tin từ những nguồn không chính thống, không đáng tin cậy.
Đại biểu Tô Văn Tám, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: Thuốc chưa đủ liều”
Trong khi cả nước đang tập trung chống dịch Covid-19 thì trên mạng xã hội không ít trường hợp đưa thông tin giả, sai sự thật về dịch bệnh gây hoang mang dư luận. Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã xử lý không ít trường hợp vi phạm song tình trạng vi phạm vẫn diễn ra. Đó là do việc xử lý còn chưa đủ “liều”, do đó cần tăng cường hơn nữa các biện pháp xử lý mạnh mẽ mới đủ sức răn đe.
Thông tin xấu độc về tình hình chống dịch Covid-19 rất nguy hiểm. Hiện nay các quy định pháp lý chúng ta đã có. Vì vậy để xử lý tin giả, sai sự thật về Covid-19, thứ nhất cần dùng hàng rào kỹ thuật, dùng “công nghệ để chống công nghệ”. Thứ hai cần kiểm soát mạng xã hội, vừa sử dụng công nghệ vừa sử dụng biện pháp hành chính. Thứ ba cần xử lý nghiêm hơn nữa. Nếu thấy các biện pháp xử lý hiện nay đang làm chưa đủ “độ” cần sửa quy định pháp lý để xử phạt thích đáng hơn, nhất là xử lý hình sự. Thứ tư cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân lựa chọn tin tốt, loại bỏ tin xấu. Bởi trong số những người đưa thông tin thất thiệt trong thời gian qua có cả những yếu tố của việc chống đối, xuyên tạc sự thật nhằm mục đích chính trị. Nhưng cũng có một số người vô tình, nhận thức chưa đầy đủ, nghĩ là đưa thông tin và chia sẻ thông tin cho vui, chưa nghĩ đến những hậu quả do thông tin mà mình đưa ra. Nếu làm tốt 4 vấn đề trên sẽ ngăn chặn được thông tin xấu độc hiệu quả hơn.
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: Trừng phạt nghiêm để phòng ngừa
Trong tình hình dịch Covid-19 đang bùng phát, nhất là tại TP HCM và các tỉnh phía Nam đang diễn biến phức tạp thì cả nước cần sự chung tay, đồng lòng của toàn xã hội để phòng, chống dịch, không để dịch lây lan, đặc biệt là hạn chế mức thấp nhất tử vong do dịch, cũng như tránh việc hoang mang, dao động trong nhân dân.
Gần đây có một số trang thông tin có lời lẽ, phát tán tài liệu tuyên truyền xuyên tạc về phương pháp, biện pháp phòng chống dịch của nhà nước, Chính phủ hiện nay. Nhiều trường hợp không thực hiện nghiêm mà chống lại các quy định phòng chống dịch của Chính phủ.
Việc dùng thông tin xuyên tạc, nói xấu, bôi nhọ đả kích là hành vi vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng, cần phải xử lý nghiêm minh. Thời gian qua chúng ta đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm trong phòng chống dịch, làm lây bệnh cho người khác, vi phạm các quy định của Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm. Các trường hợp trên đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tuy nhiên trên các trang mạng xã hội, có một số cá nhân lại đưa tin không đúng sự thật về việc xử phạt trên. Do đó những cơ quan bảo vệ pháp luật cần phải tăng cường điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các đối tượng này.
Trên các trang mạng mạng xã hội đã tràn lan các thông tin không chính xác nhưng các biện pháp xử lý của chúng ta trong thời gian qua chưa thực sự nghiêm, chưa có biện pháp răn đe hữu hiệu nhất.
Bởi vậy tôi cho rằng, cần phải có giải pháp căn để cơ xử lý nghiêm những đối tượng này, đồng thời thông tin việc xử phạt trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, coi đó là bài học để tránh những hành vi sai trái. Đó mới chính là biện pháp căn cơ.
Luật pháp của chúng ta nhân văn nhưng rất nghiêm minh. Cho nên việc trừng trị nghiêm những đối tượng này để đảm bảo tính răn đe của pháp luật. Trừng phạt nghiêm minh cũng chính là biện pháp phòng ngừa để những người khác nhìn vào “không dám, không muốn làm”.
Việt Thắng (ghi)