Mập mờ Uber

Đoàn Xá 31/07/2015 08:55

Các tài xế tự do hoạt động liên kết với Uber phải trả cho công ty này khoảng 20% số tiền phí dịch vụ giới thiệu khách cho mỗi chuyến xe. Đây là số tiền có thể chấp nhận với các tài xế nhưng điều đáng nói là tất cả những rủi ro đều do tài xế gánh chịu, phía Uber không có bất kỳ trách nhiệm nào.

Tài xế và khách hàng thường gặp phải phiền phức vì Uber. (Ảnh: Ứng Hòa).

Xuất hiện ở khu vực TP Hồ Chí Minh khoảng một năm nay, dịch vụ gọi xe vận tải Uber đã mang đến nhiều tranh cãi, đặc biệt là tính an toàn, pháp lý của dịch vụ này.

Chưa được cấp phép hoạt động

Chị Khánh Vân, nhân viên ngân hàng ở quận Phú Nhuận (TP HCM) cho biết, chị thường xuyên sử dụng dịch vụ di chuyển công cộng nên có nhiều kinh nghiệm. Nếu mình gọi xe taxi thông thường để di chuyển, mình chỉ phải trả tiền cho dịch vụ đó. Trong khi đó, nếu mình sử dụng dịch vụ Uber để di chuyển, cũng quãng đường đó nhưng mình phải trả thêm phí cho hoạt động của Uber. Tức là, số tiền dịch vụ về bản chất sẽ gánh thêm một loại hình dịch vụ khác.

Đấy cũng là bản chất của vấn đề mà nhiều khách hàng sử dụng Uber cần quan tâm và cân nhắc. Tuy nhiên, theo một số khách hàng sử dụng Uber thì lợi thế của xe Uber chính là không có biển taxi, không tính phí km đường đi, không phải gọi tổng đài… nên nhiều người không biết mình đang đi taxi, cứ tưởng là xe của mình. Vì thế, nó thích hợp với một số đối tượng nhất định.

Trong khi đó, ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc Uber Việt Nam cho biết, công ty Uber có đầy đủ giấy phép hoạt động ở TP HCM và Hà Nội và có rất nhiều khách hàng, tài xế tự do tham gia dịch vụ của hãng này. Tuy nhiên, thực thế theo tìm hiểu của chúng tôi, Uber là một công ty công nghệ, có giấy phép hoạt động của Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM ở lĩnh vực khoa học công nghệ chứ không phải là công ty vận tải giao thông.

Vì thế, nếu khách hàng sử dụng dịch vụ Uber, tất cả các rủi ro về vận tải như tai nạn giao thông, mất cắp đồ đạc trên xe, tiền cước tăng, dịch vụ không như ý… thì không thể khiếu nại với Uber bởi chức năng của công ty này không phải là hoạt động vận tải, chưa được Sở GTVT thành phố chấp nhận cho phép hoạt động.

Với một khách hàng bình thường, nếu muốn di chuyển từ điểm này đến điểm kia trong thành phố, họ có thể dễ dàng gọi một chiếc xe của hãng taxi quen biết, có uy tín với hình dung khá rõ về chất lượng dịch vụ mà mình sẽ được phục vụ, tùy theo từng hãng. Tuy nhiên, khi sử dụng dịch vụ Uber, hầu như khách hàng, và cả chính công ty này cũng không biết chất lượng chiếc xe và loại hình phục vụ hành khách sẽ ra làm sao, có đảm bảo an toàn hay không bởi tất cả những thông tin mà Uber có (và cung cấp cho khách hàng) đều là do phía tài xế tự khai báo (trên mạng).

Đây là lý do mà nhiều khách hàng khi sử dụng Uber cảm thấy chưa an tâm, đặc biệt là khi di chuyển xa, di chuyển trong đêm tối, đi tới những địa điểm chưa biết rõ quãng đường. Nói nôm na, Uber làm công tác kết nối trong khi không kiểm tra tính pháp lý của hai đối tượng mà mình kết nối. Đấy chính là lỗ hổng kinh doanh của dịch vụ này mà bản thân khách hàng sẽ phải gánh chịu nếu có xảy ra bất kỳ rủi ro nào.

Tài xế cũng “méo mặt” vì… Uber

Không chỉ khách hàng sử dụng dịch vụ Uber phải đối mặt với vô vàn rủi ro mà ngay cả những tài xế, chủ DN liên kết ở Uber cũng có thể phải trả giá khi có sự cố xảy ra. Như thời gian vừa qua, thanh tra Sở GTVT TP HCM đã phối hợp với Công an thành phố, Sở GTVT tiến hành kiểm tra, xử phạt hàng loạt tài xế taxi Uber vì kinh doanh không đúng quy định, thiếu hộp đèn, biển hiệu và các loại giấy phép vận tải hành khách cần thiết khác. Điều đáng nói, tất cả số tiền mà các xe hoạt động liên kết với Uber này phải chịu trước pháp luật nhưng lại bị phía công ty Uber “phủi tay”, không chịu trách nhiệm với.

Vì thế, chia sẻ với chúng tôi, một tài xế Uber hoạt động ở khu vực chợ Bến Thành (quận 1) than thở: “Làm tài xế liên kết với Uber mệt lắm. Chở khách mà như hoạt động chui lủi ấy vì quanh vực này rất khó tìm chỗ đậu xe. Những bến bãi quy định được đậu xe đều là của những hãng taxi có đăng ký với cơ quan chức năng còn chúng tôi thì chỉ là chở hợp đồng tư nhân mà thôi. Bình thường, mình đậu ở xa xa bên phía quận 2, khi có khách thì chạy sang nhưng nếu chạy không kịp, mất khách cho xe khác là chuyện bình thường”.

Theo tìm hiểu, các tài xế tự do hoạt động liên kết với Uber phải trả cho công ty này khoảng 20% số tiền phí dịch vụ giới thiệu khách cho mỗi chuyến xe. Đây là số tiền có thể chấp nhận với các tài xế nhưng điều đáng nói là tất cả những rủi ro đều do tài xế gánh chịu, phía Uber không có bất kỳ trách nhiệm nào.

Giải thích về điều này, ông Đặng Việt Dũng cũng thẳng thắn thừa nhận, phía công ty Uber chỉ có thể đem đến cho tài xế các dịch vụ như tìm kiếm khách hàng, đoán biết chỗ nào nhiều khách đi xe… chứ hoàn toàn không biết gì về những diễn biến trên đường, an toàn giao thông, bến bãi…

Có thể nói, dù một số lợi ích là hiển thị trên hệ thống điện thoại, kết nối thông tin nhưng thực tế Uber không được Hiệp hội vận tải TP.HCM chấp nhận bởi hình thức kinh doanh mập mờ có nghi vấn trốn thuế của mình bởi dù giấy phép là hoạt động công nghệ nhưng khoảng 20% lợi nhuận vận tải lại được trả về phía công ty thì đây vẫn là công ty vận tải. Vì thế, Uber đang ít nhiều làm rối loạn thị trường vận tải.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mập mờ Uber

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO