Marawi và thân phận những người tháo chạy

Linh Chi 02/07/2017 08:00

Sau khi những kẻ phiến quân thân IS ồ ạt tiến đánh thành phố Marawi miền Nam Philippines hồi tháng trước, hàng trăm nghìn người dân sinh sống tại thành phố này đã phải bỏ lại nhà cửa để tháo chạy khỏi nơi bị chúng chiếm đóng và hàng loạt các vụ không kích, pháo kích.

Tại Marawi có nhiều người mất nhà cửa. Nguồn: JapanTimes.

Sau khi phiến quân Maute tiến đánh thành phố Marawi, thuộc đảo miền Nam Mindanao của Philippines, phần lớn người dân nơi đây cùng gia đình và thân nhân họ đã tìm thấy một chỗ trú ẩn an toàn ở các thị trấn làng mạc lân cận. Nhưng hiện nay vẫn còn hàng nghìn người khác bị liệt vào diện Những người mất nhà cửa (IDP) và phải trú trong những căn lều tạm đầy bất tiện.

Nhà cửa thành tro bụi

Đối với ông Gute Umpa, 70 tuổi, hình ảnh lá cờ của phiến quân IS vẫn còn ám ảnh ông khi ông nhìn thấy những tay súng phiến quân trẻ tuổi ồ ạt di chuyển qua các khu dân cư Barangay Dubduban nơi ông sinh sống, trong những ngày cuối tháng 5 vừa qua.

Ông Umpa kể rằng những tay súng phiến quân còn rất trẻ, chỉ khoảng dưới đôi mươi. Chúng được trang bị vũ trang và trông có vẻ rất thiện chiến, nhưng ông vẫn không thể hiểu lý do tại sao mà người Hồi giáo lại tấn công người Hồi giáo, đặc biệt là trong thời điểm này của năm.

“Điều đáng nói là chúng tấn công ngay tháng lễ Ramadan”- ông Umpa nói với hãng tin Reuters. “Vì những điều đã xảy ra mà chúng tôi không thể tổ chức lễ Eid- một nghi lễ kết thúc tháng Ramadan”.

Chỉ 2 ngày sau khi chiến sự bùng nổ, ông Umpa kể rằng đã gọi một người cháu của mình hiện đang làm việc tại trường ĐH Mindanao tới. Sau khi đã giục gia đình mình rời khỏi thành phố trước đó một ngày, ông Umpa mang theo ít tư trang rồi ngồi sau xe máy của người cháu đi đến khu trại tạm trú ở Barangay Buruan vào hôm 25/5. Trên đường rời khỏi Marawi, ông Umpa đã trông thấy một vài thi thể nằm dọc đường.

Kể từ đó đến nay đã qua hơn một tháng, ông Umpa vẫn ở tại khu trại mà chính phủ dựng lên này, và trong khi được thuyết phục rằng gia đình và bạn bè ông vẫn được an toàn, ông cảm thấy lo lắng về tài sản của mình. “Tôi lo rằng nhà và tài sản của chúng tôi sẽ bị biến thành tro bụi” - ông Umpa nói.

Ông Gute Umpa đã dùng xe máy để chạy thoát khỏi Marawi khi phiến quân ập đến. Nguồn: Reuters.

“Quần áo trên người là tất cả những gì chúng tôi có”

Rohayma Macarimbor, 55 tuổi, ngồi trên một chiếc ghế nhựa giữa khung cảnh hỗn loạn của khu trại tạm Barangay Maria Christina cũng kể lại về hành trình trốn chạy khỏi thành phố mà bà đã từng sinh sống trong suốt 20 năm qua.

Bà Macarimbor cho hay, bà đã cố trụ lại thành phố Marawi 3 ngày sau khi chiến sự bùng nổ, nhưng phải ở giữa làn đạn do các cuộc đấu súng và nhiều lời cảnh báo về các cuộc không kích từ lực lượng chính phủ Philippines, bà đã buộc phải rời khỏi đây do lo lắng cho tính mạng của mình.

Macarimbor, cùng với một số người hàng xóm, đã phải tháo chạy khi chân không mang giày, tay không xách theo của cải, khiến cho bàn chân bà phồng rộp sau khi trải qua 17 km đường bộ để đến nơi an toàn. Trong lúc trốn chạy, bà cho hay đoàn của bà đã gặp phải một xe tải chở phiến quân IS, phần lớn gồm những người đàn ông ở độ tuổi 30-40, có người trông chỉ mới 14-15 tuổi.
“Tôi sẽ không bao giờ trở lại Marawi nữa”- bà Macarimbor nói với hãng tin CNN.

Được biết, mọi thứ mà bà từng sở hữu, gồm 15.000 peso (300 USD) tiền tiết kiệm vẫn còn ở lại Marawi, nhưng bà quá sợ hãi để trở lại thành phố này. Giờ đây, dù ở cách xa khu vực chiến sự, nhưng chỉ cần một tiếng động lớn, hay tiếng một thứ trái trên cây rụng xuống đất cũng đủ khiến bà giật mình sợ hãi vì nhớ lại những tiếng súng đạn.

Nora Casam, một người cũng tháo chạy khỏi Marawi, cho hay bà cảm thấy khá may mắn khi được đoàn tụ cùng 8 thành viên trong gia đình, dù phải nằm ngủ ngay trên sàn xi-măng của một sân bóng được tận dụng làm trại lánh nạn. Một vài tấm chăn mỏng được phát đi cho mỗi người ở trại, nhưng bà nói rằng nó không đủ.

“Tất cả những gì mà chúng tôi có ở đây chỉ là quần áo đang mặc trên người”- bà Casam, 45 tuổi, nói và thêm rằng, lúc tháo chạy họ không có đủ thời gian để mang thêm bất cứ thứ gì, chỉ đủ để kéo các thành viên khác trong gia đình đi cùng.

“Chúng tôi cần có nệm”- bà Casam nói tiếp và chỉ tay tới những người đang bị ốm nằm cạnh trên sàn xi-măng. “Ở đây thiếu thốn đủ thứ, nhưng ít nhất thì chúng tôi cũng được an toàn”.

Bà Casam cùng gia đình sẽ ở đây lâu nhất có thể, cho đến khi thành phố quê hương của bà sạch bóng những tay súng phiến quân. “Những điều xảy ra thật đau lòng. Chúng tôi đều là người Hồi giáo và điều này xảy ra ngay vào tháng Ramadan. Chúng nên tôn trọng điều đó mới phải”- bà Casam nói. “Giờ thì mọi thứ đã bị phá hủy”.

Dù chạy thoát, nhưng bà Dimaampao vẫn không khỏi lo cho số phận những người thân bị mắc kẹt. Nguồn: CNN.

Những người gánh chịu hậu quả

Một số người khác trong trại tạm thì kém may mắn hơn vì trong đầu vẫn ngập nỗi lo lắng thường trực về những người thân không thể thoát khỏi thành phố Marawi.

Aniah Dimaampao, 28 tuổi, đã may mắn trốn thoát cùng 5 đứa con của mình, nhưng rất lo lắng về số phận của người mẹ của bà, Manita, người vẫn bị mắc kẹt bên trong thành phố. Được biết, bà đã không kịp kéo người mẹ đi cùng vì sống khác “barangay”- khu dân cư theo tiếng Philippines.

Trong lần cuối cùng mà họ nói chuyện, bà Manita đang chờ đợi đội cứu hộ đến bởi bà không thể đi lại trong khi lại đang trong tình trạng sức khỏe yếu. Ngoài ra, bà Dimaampao cũng lo lắng cho số phận của một người anh trai và người chú của bà, những người cũng bị mắc kẹt ở Marawi.

Khi chạy trốn khỏi Marawi, họ không thể mang theo bất cứ thứ gì, chỉ duy nhất quần áo trên người, và cũng không có đủ sự lạc quan để kể về số phận của ngôi nhà họ. Dimaampao cho hay bà tin rằng ngôi nhà của bà đã bị “biến thành tro bụi”.

Giống như những người khác đang sống tại trại, Dimaampao cảm thấy rất phẫn nộ trước những kẻ phiến quân, những kẻ đã gây nên tình trạng hỗn loạn này. Bà nói rằng nếu có cơ hội, bà sẽ nói với chúng: “Các người đã khiến chúng tôi chịu đựng, các người nên dừng cuộc chiến này ngay, chúng tôi chính là những người phải hứng chịu hậu quả”.

Và giống như nhiều người khác trong trại, người phụ nữ này cũng là tín đồ Hồi giáo. Có đến 80% số người tị nạn tại đây theo đạo Hồi, số còn lại là người Công giáo. Đó cũng là tỷ lệ tôn giáo ở Marawi.

Ông Isabelo Holes, 55 tuổi, một tín đồ Công giáo trong thành phố tập trung phần lớn là người Hồi giáo ở Marawi, nói rằng cộng đồng của họ chưa từng xảy ra căng thẳng tôn giáo. Bản thân ông Holes cũng có nhiều bạn bè là người Hồi giáo và rất nhiều trong số đó vẫn bị mắc kẹt trong thành phố.

Kể từ khi những kẻ phiến quân chiếm đóng Marawi, có nhiều thông tin cho rằng chúng đã chặn người dân trên phố để kiểm tra xem họ có phải người Hồi giáo hay không. Nếu một người không thể đọc một đoạn trong kinh Koran, họ sẽ bị những kẻ này bắn chết.

Ông Holes làm việc tại một trường học và vẫn sống tại khu nhà ở của trường học này cho đến khi phiến quân ập tới. Dù khu trường học nằm ngoài vùng phiến quân kiểm soát, nhưng ông cho hay vẫn cảm thấy không an toàn nên quyết định mang giao đình tới trung tâm sơ tán ở Barangay Maria Christina.

“Tôi không lo cho bản thân, nhưng phải bảo vệ gia đình mình”- ông Holes nói, thêm rằng ông đang chờ đợi tin báo từ ông chủ của mình về thời điểm mà ông có thể trở lại làm việc, và để giúp đỡ những người vẫn bị mắc kẹt ở Marawi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Marawi và thân phận những người tháo chạy