Sáng ngày 9/1, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Diễn biến thị trường giá cả ở Việt Nam 2017 và dự báo 2018.
Dự báo các mặt hàng thiết yếu khó có khả năng lên cao trong năm 2018.
Theo nhìn nhận của các chuyên gia, năm 2018 kinh tế vĩ mô tiếp tục thuận lợi, lạm phát có thể ở mức 4%, các mặt hàng thiết yếu khó có khả năng lên cao. Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu ngày càng tăng do năng lực sản xuất trong nước gia tăng cùng với việc ký kết các hiệp định tự do thương mại của Chính phủ giúp người dân có nhiều cơ hội được mua hàng hoá sản xuất trong nước và hàng hoá nhập khẩu với giá cả cạnh tranh.
Trước đó, Bộ tài chính cũng đã đưa ra 3 kịch bản dự báo về chỉ số giá Việt Nam, đều ở mức dưới 4% theo yêu cầu của Quốc hội. Trong mấy năm trở lại đây, quyết tâm bình ổn giá thị trường rất lớn, cùng đó nhiều biện pháp cũng đã triển khai hiệu quả. Tuy nhiên khi nhìn lại năm 2017 cho thấy vẫn còn một số nhóm hàng hoá giảm giá không hợp lý. Cụ thể, giá thịt lợn giảm mạnh trong thời gian dài khiến mặt bằng giá thực phẩm nói chung giảm mạnh.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng thẩm định giá Việt Nam đưa ra bình luận việc giảm giá có lợi có lợi cho người tiêu dùng, nhưng giảm đến mức người chăn nuôi lỗ nặng như vậy là không hợp lý của nhóm thực phẩm, kéo mặt bằng giá thời điểm đó xuống thấp. Hay ở những vùng xảy ra lũ lụt, các địa phương chỉ ra văn bản nhưng chưa có giải pháp thiết thực bình ổn cung cầu, nên giá hàng hoá ở các tỉnh vùng lũ tăng gấp 6 lần giá bình quân.
Mảng dịch vụ công như cấp nước, thoát nước, vệ sinh môi trường... hầu hết các địa phương đều quy thành giá, không tính được đúng đủ nên các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Tiến Thỏa, cũng cho rằng “Trừ cấp nước, những dịch vụ khác vẫn áp dụng thu phí nên làm sai lệch giá do không tính đủ, làm méo mó giá trên thị trường”. Chưa kể, một vấn đề khác khiến cho nhiều người lưu tâm đó là cách điều hành giá xăng.
Do vậy trong bài toán điều hành giá thời gian tới cần bám sát quy luật cung cầu của thị trường, không áp đặt thủ tục hành chính. Trong đó, cần kiểm soát chặt chẽ phương án giá và mức giá đối với các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, giám sát chặt chẽ kê khai giá của doanh nghiệp đối với mặt hàng bình ổn giá, kê khai giá. Đặc biệt tất cả những mặt hàng dịch vụ mà nhà nước định giá trong năm 2018 cần điều chỉnh cho phù hợp với từng thời điểm, tránh hiện tượng đưa vào thời điểm dễ dẫn đến phản ứng dây chuyền.