Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), mức độ mất cân bằng giới tính khi sinh của Việt Nam đang ở ngưỡng rất cao, đứng thứ 3 châu Á chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Tỷ số giới tính khi sinh có diễn biến khá phức tạp và có sự chênh lệch giữa thành thị và nông thôn; giữa các vùng miền trong cả nước.
Báo cáo tổng quan về bình đẳng giới năm 2021 cho thấy, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam vẫn ở mức rất cao, khoảng 111,5 bé trai trên 100 bé gái. Chênh lệch cao nhất ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng, đặc biệt ở khu vực nông thôn. Tỷ số giới tính khi sinh thấp hơn ở miền Nam, nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng nông thôn khu vực Tây Nguyên.
Cùng đó, các thống kê cho thấy có sự khác biệt về tỷ số giới tính khi sinh theo tình trạng kinh tế - xã hội của hộ dân cư. Điều đáng kể là kết quả của số liệu trước đây cho thấy, tỷ số giới tính khi sinh gia tăng ở những nhóm nghèo nhất, nhưng số liệu mới đây lại cho thấy tỷ số giới tính khi sinh cao hơn ở nhóm có trình độ học vấn và tình trạng kinh tế - xã hội cao… Với những gia đình đã có hai con nhưng chưa có con trai, xác suất sinh thêm con lên đến 48% sau 10 năm. Nhưng đối với cha mẹ đã có hai con trai, hoặc đã “đủ nếp đủ tẻ”, tỷ lệ này chỉ chiếm lần lượt là 22% và 23%. Như vậy, cha mẹ không có con trai có tỷ lệ sinh thêm con cao gấp đôi. Nhu cầu sinh con trai đặc biệt cao tại các vùng phía Bắc và trong các nhóm dân số có điều kiện kinh tế và học thức tốt hơn. Dự báo trong tương lai gần số lượng trẻ em gái bị thiếu hụt ở Việt Nam sẽ là khoảng 45,9 nghìn trẻ, tương đương với 6,2% tổng số trẻ em gái được sinh ra.
Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội cho hay, trong 6 tháng đầu năm 2022, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Hà Nội vẫn ở mức cao với 112,7 trẻ trai/100 trẻ gái, trong đó có 5 quận, huyện ở mức rất cao, trên 120 trẻ trai/100 trẻ gái như: Ba Đình, Hà Đông, Quốc Oai, Thanh Oai, Thường Tín.
Cho dù nhiều năm qua, ngành dân số Thủ đô đã nỗ lực đẩy mạnh tuyên truyền thay đổi nhận thức của người dân, tuy nhiên, trên thực tế, nhiều gia đình, nhất là ở vùng ngoại thành vẫn giữ tục lệ, tâm lý mong muốn có con trai để có người “thờ cúng tổ tiên” và chăm sóc bố mẹ khi về già đã khiến việc lựa chọn giới tính thai nhi cũng tăng theo.
Theo các chuyên gia y tế, sự mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ để lại những tác động lâu dài đến cấu trúc dân số của đất nước. Với sự mất cân bằng này sẽ dẫn đến dư thừa nam giới khi trưởng thành.
Dự báo dân số cho thấy tình trạng mất cân bằng về số người trưởng thành sẽ khó có thể cải thiện vào những thập kỷ tới. Nếu tỷ số giới tính khi sinh luôn duy trì ở mức 111, tỷ lệ dư thừa nam thanh niên sẽ tăng đều từ 3,5% vào năm 2019 lên gần 10% vào năm 2059. Ngay cả nếu tỷ số giới tính khi sinh giảm mạnh trong vòng 10 năm tới, tỷ lệ nam thanh niên dư thừa vẫn sẽ tăng trong 30 năm lên đến ngưỡng 8% và chỉ giảm sau năm 2049.
Ông Tạ Quang Huy - Chi Cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội cho hay, một trong những biện pháp căn bản, cốt lõi để hạn chế tối đa sự gia tăng mất cân bằng giới tính khi sinh là cần tiếp tục kiên trì, đẩy mạnh truyền thông, giáo dục thay đổi nhận thức, suy nghĩ và hành vi của người dân về bình đẳng giới, nâng cao quyền của phụ nữ. Cùng với đó, đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thiện chính sách an sinh xã hội là giải pháp vừa cơ bản, vừa lâu dài.
TS Christophe Guilmoto - Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA), cho biết: Kịch bản nào cũng cho thấy năm 2050, đối tượng bị tác động nhiều nhất cũng vẫn là thanh niên. Họ sẽ chịu tác động về cơ cấu xã hội và những thay đổi về chuẩn mực văn hóa, đặc biệt là cơ hội tìm bạn đời của nam giới sẽ bị ảnh hưởng. Điều này dẫn đến phụ nữ sẽ kết hôn sớm, ảnh hưởng đến học hành. Ngoài ra, có thể sẽ gia tăng mại dâm, buôn bán phụ nữ...
Tại Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016 - 2025, một trong những mục tiêu cụ thể là giảm tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, tạo cơ sở thuận lợi để đưa tỷ số này đạt khoảng 107 bé trai/100 bé gái sau năm 2025, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên. Do đó cần tiếp tục truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi đối với công tác kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh.