Hàng chục tấn cá lồng chết trắng trên sông Lạch Bạng khiến 46 hộ dân của phường Hải Bình và Xuân Lâm, thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) rơi vào tình cảnh nợ nần, khốn đốn...
Cắm nhà, vay nóng, dốc hết tiền vào nuôi cá
Sau hơn 1 tháng kể từ ngày 44 tấn cá chết, con sông Lạch Bạng giờ đây trở nên tiêu điều, hiu hắt khi nhiều lồng bè đã bỏ trống. Theo dòng nước chảy xiết, chúng tôi cùng một ngư dân chèo thuyền tìm đến một số hộ nuôi cá còn sót lại trên sông Lạch Bạng.
Là hộ nuôi cá lồng nhiều nhất với hơn 100 ô, bởi vậy, trong đợt cá chết vừa qua, gia đình chị Đỗ Thị Sáu (52 tuổi, trú phường Xuân Lâm) đã bị thiệt hại rất nặng. “Ngày 19/7, 12 tấn cá các loại của gia đình tôi bị chết sạch. Đến ngày 10/8, thêm 1,5 tấn cá chết tiếp”, chị Sáu nói.
Theo chị Sáu, nguyên nhân dẫn đến tình trạng cá chết là do một số doanh nghiệp (DN) ở đây xả thải bừa bãi ra môi trường. “Ngày 19/7, khoảng vài giờ trước khi cá chết, nước bốc mùi hôi rất nặng, cùng với đó là bã bột cá và chất thải của Công ty cổ phần vật tư sản xuất Long Hải (DN Long Hải) và Công ty chế biến hải sản Ngọc Sơn (DN Ngọc Sơn) xả thải ra sông qua đường ống. 3h sáng, khi phát hiện cá chết, gia đình đã bơi thuyền ra vớt. Mãi đến 3h chiều ngày hôm đó chúng tôi mới vớt được 12 tấn cá chết”, chị Sáu nhớ lại.
Gom được 12 tấn cá chết, chị Sáu đem bán tháo được 260 triệu đồng. “Nếu nước sông không bị xả thải, cá sinh trưởng tốt thì 100 ô nuôi của gia đình sau 1,5 năm có thể thu được tới 30 tấn cá các loại… Nhưng giờ, cá đã chết mất 1 nửa, còn hơn 15 tấn cá cũng không biết bán đi đâu vì nhà hàng đã đóng cửa, dịch bệnh không tiêu thụ được. Còn nếu để tiếp tục nuôi thì không biết khi nào DN lại xả thải, rồi cá lại chết hàng loạt cũng chẳng biết kêu ai”, chị Sáu tâm sự.
Được biết, để có tiền mua cá giống và thức ăn cho cá, gia đình chị Sáu đã cắm sổ đỏ ngôi nhà 2 tầng rộng 80 m2 để vay 700 triệu đồng, đồng thời vay nóng thêm 300 triệu đồng từ các nguồn khác. Theo chia sẻ của chị Sáu, mỗi tháng, chi phí trả lãi ngân hàng và trả tiền nhân công hết 20 triệu đồng. Đợt trước khi bị thất thu 12 tấn cá, gia đình chị Sáu đã viết đơn gửi lên xã yêu cầu DN bồi thường nhưng đến nay chưa có kết quả.
Giải tỏa rồi biết đi về đâu?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khu vực nuôi cá lồng kéo dài nhiều km xuyên suốt chiều dài con sông Lạch Bạng qua các phường Bình Minh, Hải Bình, Xuân Lâm, Hải Thanh phần lớn đều là nuôi tự phát. Trong đó, 2 địa phương có số lượng người nuôi và lồng nuôi nhiều nhất là phường Hải Bình với 20 hộ và hơn 100 lồng nuôi, phường Xuân Lâm có 26 hộ dân với 422 lồng nuôi.
Khoảng 10 năm về trước, khi các dự án tại Khu kinh tế Nghi Sơn được triển khai đã lấy đi đất nông nghiệp của người dân. Mất đất, người dân chỉ còn nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Bên căn chòi lá, anh Đỗ Văn An (29 tuổi, trú phường Hải Bình) với tâm trạng đầy bất an sau khi liên tiếp đón nhận những thông tin xấu về việc cá chết và bị yêu cầu phải dỡ bỏ lồng bè.
“Dịch kéo dài suốt 2 năm qua khiến người dân nuôi cá ở đây gần như chưa xuất đi được lứa cá nào. Vừa qua, hơn 4 tấn cá nuôi bị chết. Bán đổ, bán tháo mới gom được hơn 100 triệu đồng để trả nợ ngân hàng. Giờ chưa được thông tin rõ ràng về việc bồi thường thì phường lại yêu cầu phải dỡ bỏ lồng bè vì các hộ nuôi ở đây là tự phát. Nhưng đất thì không còn, nhà có 6 miệng ăn phụ thuộc vào mấy lồng cá nuôi, giờ chính quyền yêu cầu dỡ bỏ nốt thì chúng tôi lấy gì để sống?”- anh An than thở.
Theo ông Trần Văn Sơn, Chủ tịch UBND phường Hải Bình, thị xã Nghi Sơn người nuôi cá lồng trên địa bàn nằm tập trung ở thôn Nam Hải và Liên Thịnh.
“Do việc nuôi cá lồng của người dân là tự phát nên trong các sự vụ cá chết vừa qua, chính quyền không thể thực hiện việc hỗ trợ hay yêu cầu DN đền bù được. Về giải pháp để người dân vừa giữ được lồng bè vừa đảm bảo đúng quy hoạch thì hiện thời chính quyền chưa có, và nếu có cũng phải từ thị xã chứ thẩm quyền của địa phương là không đủ. Đối với việc DN Long Hải và Ngọc Sơn xả thải thì đoàn kiểm tra của Sở TNMT, của thị xã cũng đã về làm việc nhiều lần và yêu cầu chấm dứt tình trạng này” - ông Sơn nói.