Cây thị có một vị trí khá quan trọng trong việc tạo dựng cảnh quan làng quê, cũng đã đi vào văn thơ, âm nhạc. Nhiều “cụ thị” đã được phong danh hiệu “Cây di sản Việt Nam”, trở thành những biểu tượng với sức sống lâu bền trước dòng chảy cuộc sống. Ở nhiều nơi, cây thị còn gắn với rất nhiều câu chuyện thú vị.
Những chuyện ly kỳ
Tôi đã chiêm ngưỡng nhiều “cụ thị” và tất cả đều tạo một ấn tượng mạnh. Ấn tượng về sức sống bền vững, trường tồn và những giá trị về sự quyện hòa, cộng sinh giữa con người và thiên nhiên. Bởi nếu con người cứ tàn phá, không đứng ra bảo vệ thì làm sao cổ thụ có thể trường tồn?
Khi nhắc đến Phủ Khống ở khu danh thắng Tràng An (Ninh Bình) người ta sẽ nhớ ngay đến cây thị, được xác định khoảng 1.000 tuổi, cho ra hai loại quả khác nhau. Thị thường cho ra nhiều quả nhất vào khoảng trung tuần tháng 8. Quanh năm cây thị xanh tốt và nhiều quả khiến nhiều du khách đến tham quan vô cùng thích thú. Cây thị khép tán hình con voi và bao trùm Phủ Khống, lại gần sẽ thấy rễ cây mọc trên gò đá, cuồn cuộn như những con trăn lớn quyện vào nhau.
Ở đình Quán La, thuộc phường Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội) lại có một cây thị mỗi mùa chỉ có một quả. Cây có thân to, tán xòe rộng, nằm trên ô đất cao trước cửa sân đình Quán La. Theo cụ thủ từ Nguyễn Văn Lương, mùa xuân cây thị trổ lộc non xanh biếc, mùa hạ chim về ríu rít, nhưng có điều đặc biệt là cứ đến mùa hoa, cây thị ra rất nhiều hoa nhưng chỉ đậu duy nhất một quả. Và cũng ít ai có thể nhìn thấy quả thị đó vì cành lá rậm rạp, che phủ cả một khoảng không gian lớn. Chỉ khi nào đi ngang qua ngửi thấy mùi thị chín thì mới biết là cây đã có quả. Đây là điều mà không ai lý giải được. Gốc thị bốn người nối tay nhau ôm không xuể, và bên trong thân gỗ đã bị mục ruỗng nhưng cây vẫn xanh tốt. Cùng với cây đa gần đó, cây thị nghìn năm được công nhận là Cây di sản Việt Nam.
Ở nhiều vùng nông thôn, đô thị hóa đang “lấn sân”, nhưng xã Mỹ Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) vẫn giữ được không gian huyền hoặc như trong cổ tích với cây đa, bến nước, mái đình. Đặc biệt là xã Mỹ Trạch có hàng trăm “cụ thị” vẫn tỏa bóng mát, cho quả thơm lừng vào mỗi mùa thu… Nơi đây, nhiều cây thị cao hơn 30 m, gốc sần sùi mấy người ôm, cành lá quanh năm xanh tốt, tán xòe rộng. Rất nhiều người đã về xã tìm hiểu, đặc biệt không ít đoàn đã tìm hiểu những dấu tích văn hóa Chăm và trầm tích sông Son, chảy qua địa bàn xã Mỹ Trạch.
Cũng đã được phong danh hiệu Cây di sản Việt Nam, cây thị 600 tuổi ở đền Chờ, thuộc làng Phú Mẫn (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) được coi như báu vật của thị trấn Chờ. Đến nay người dân khu vực vẫn không thể lý giải được câu chuyện bí ẩn về “thần thị”.
Các cụ trong làng Phú Mẫn cho rằng, thị ở đây không sai quả, nhưng lạ là cây thị ra được bao nhiêu quả thì năm đó trong làng có bấy nhiêu em học sinh thi đỗ đại học. Ngày nay mỗi khi các em học sinh trong làng Phú Mẫn chuẩn bị đi thi đại học thì đều đến đền thắp hương. Các cụ cũng dự đoán luôn số học sinh đỗ vào các trường đại học lớn qua việc căn cứ vào số quả thị trên cây.
Có năm cây thị đậu được 30 quả thì cả thị làng Phú Mẫn có đúng 30 học sinh đỗ vào các trường đại học. Từ xa xưa, người làng Phú Mẫn, đã xem cây thị ở đền Chờ như “báu vật tiên tri” cứu tinh, chở che cho dân làng trong nhưng năm chiến tranh loạn lạc. Ngày nay, họ hết lòng bảo vệ cây thị thiêng, trẻ em không dám có những biểu hiện bất kính. Trong hương ước của làng Phú Mẫn cũng có mục yêu cầu người dân phải bảo vệ cây, để cây cộng sinh và giúp ích cho con người.
Những giá trị của đời cây
Những năm qua, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã nỗ lực trong nghiên cứu, xác định tuổi cây, tôn vinh các “Cây di sản Việt Nam” và có các kế hoạch cùng chính quyền bảo vệ cổ thụ, trong đó có các cây thị.
Ở nhiều địa phương cổ thụ đã được người dân hết lòng bảo vệ, gìn giữ bởi họ hiểu rằng, cổ thụ không chỉ có giá trị bồi đắp sự an lành cho bầu không khí, mà còn là những chứng nhân của cuộc sống, là nơi tạo thêm những nét đẹp làng quê, là chỗ dựa tinh thần cho người dân quanh vùng.
Đến phường Ngọc Xuyên (quận Đồ Sơn, Hải Phòng) nơi có quần thể 17 cây thị tuổi đời từ hơn 300 năm đến 1.000 năm, được người dân hết lòng bảo vệ sẽ thấy rõ điều này. Các cây thị ở đây cũng có tên, gồm: Thị Bảy, Thị Khe, Thị Bà Vải, Thị Gồ... Sở dĩ, có tên gọi như vậy bởi hàng thị được dân làng xưa dựa vào đặc điểm của từng gốc cây mà đặt thành. Thị Bảy chồi với bộ rễ cây chồi lên mặt đất, gốc cây mọc ra 7 chồi, dưới gốc cây có hầm chứa khoảng 10 người. Thị Khe, do mọc bên khe suối, thân cây lại rỗng có thể chứa được 2 người nên dân làng mới đặt tên như vậy. Còn Thị Hồng bởi ruột quả có màu hồng rất khác lạ…
Năm 2014, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã trao Bằng công nhận “Cây di sản Việt Nam” cho hàng thị cổ thụ tại núi Ngọc (phường Ngọc Xuyên). Ông Phạm Văn Việt, 80 tuổi (tổ dân phố số 6, phường Ngọc Xuyên) ngước lên tán “cụ thị” trước nhà, nói: Hàng thị cổ gắn bó với tuổi thơ của hàng nghìn người dân núi Ngọc từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Ông Việt cho biết thêm: “Thời bố chúng tôi kể lại, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, gốc thị là nơi ẩn nấp của quân du kích. Thời nạn đói hoành hành, người dân cũng nhờ quả thị mà qua cơn hoạn nạn”.
Còn chị Hải Ngân, cho hay: “Người dân không chỉ tự hào khi giữa nơi sơn thủy hữu tình vẫn lưu giữ được một hệ thực vật gắn liền với lịch sử kháng chiến mà đó còn là tài sản vô giá, tạo nên một không gian sinh thái trong lành, là điểm du lịch hấp dẫn cho nhân dân và du khách thập phương. Hằng năm, cứ vào khoảng tháng ba âm lịch, những cây thị bắt đầu nở hoa, báo hiệu mùa hoa thị về”.
Làng Triều Đông, xã Tân Minh (Thường Tín, Hà Nội) có một ngôi chùa được làm bằng chất liệu sứ đặc biệt, hiếm thấy ở Hà Nội. Năm 1942, nghệ nhân gốm nổi tiếng Đào Văn Can đã vận động người dân đóng góp xây dựng lại chùa Triều Đông bằng sứ.
Hai bên tường của Tam bảo được đắp nổi cung Cửu Long bằng xi măng và sứ. Mặt ngoài của chùa sử dụng chất liệu sứ miêu tả các tích dân gian, thể hiện sự gắn bó giữa văn hóa dân gian với Phật giáo. Mái chùa được làm theo kiểu xếp chồng, trên nóc là cặp lưỡng long tranh châu.
Bên phải chùa đến nay còn giữ được cây thị gần 1.000 tuổi, gốc cội sù sì. Nhiều cụ già cho rằng, cổ thụ của làng gắn liền với bao cổ tích, là kỷ niệm của mỗi đời người. Người dân cũng mong, các cấp chính quyền quan tâm hơn nữa, chống mối cho cây, đồng thời sớm làm hồ sơ để đề nghị xét tặng danh hiệu “Cây di sản Việt Nam”.
Đó là một trong những cách góp phần tôn vinh giá trị lịch sử vốn có của cổ thụ, từ đó khơi dậy niềm tự hào của người dân địa phương, để người dân có ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ, gìn giữ thiên nhiên và “cụ thị”.
Có biết bao thức quả bình thường đang dâng hương trên phố. Trong những thức quả, quả thị được người phố ưa chuộng vào mùa thu. Quả thị chủ yếu để lấy hương thơm. Màu thị như màu mùa thu. Mịn như mùa thu và nhu mì như cô nữ sinh chăm học.
Người bán hàng thuộc nằm lòng nhu cầu người thành phố. Thú chơi tinh tế, mùa nào thức nấy. Chơi thị là một cái thú, cũng là "nhu cầu" được trở lại với những gì mộc mạc, gần gũi.
Và chắc chắn trong những ngày hè nắng lửa này, cổ thụ nói chung, các cây thị nói riêng đã phủ bóng mát, giúp con người “giải nhiệt”, bớt đi cái ngột ngạt. Với sự gần gũi thân thương ấy, chúng ta cần sự chung tay hơn nữa để bảo vệ và gìn giữ vẻ đẹp cũng như sự mát lành của cây thị.