Mất mạng vì lo trộm

Tinh Anh 05/04/2021 10:30

Rạng sáng qua (4/4), một ngôi nhà 3 tầng trên đường Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa, Hà Nội) bị cháy khiến 4 người trong một gia đình thiệt mạng. Xót xa hơn là trong số các nạn nhân có một phụ nữ 40 tuổi đang mang thai đứa con thứ hai. Bước đầu cơ quan chức năng xác định nguyên nhân gây cháy là do chập điện.

Dù có là nguyên nhân gì gây cháy thì việc ngọn lửa hung tàn cướp đi liền một lúc tới 4 mạng người trong một gia đình là điều vô cùng đau đớn cho người thân. Đây không phải là vụ cháy đầu tiên gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Chỉ trong vòng thời gian hơn một tháng qua, liên tiếp xảy ra các vụ cháy lớn khiến nhiều người chết và bị thương.

Nhiều người đặt câu hỏi: Vì sao thời gian cháy khá lâu mà các nạn nhân không tìm cách thoát ra ngoài, lẽ nào lại ngủ say đến vậy? Câu hỏi này xem ra có vẻ hơi “ngớ ngẩn”, bởi ai chẳng không sợ chết, chẳng muốn thoát ra ngoài đám cháy cho nhanh. Chỉ có điều họ không thể thoát ra được vì ngọn lửa bén quá nhanh, lấp mất lối thoát hiểm.

Theo phân tích của lực lượng PCCC, ngay cả khi lửa chưa bén được đến chỗ của các nạn nhân (tức là chưa bị chết do cháy), thì khói độc cũng đã làm họ không thể thở nổi dẫn đến ngất xỉu, thậm chí tử vong. Vì thế, nếu không phát hiện cháy kịp thời, không có các biện pháp cần thiết để tránh hít phải khói độc, thì nạn nhân rất khó thoát ra ngoài.

Song, nguyên nhân quan trọng hơn dẫn đến thiệt hại nặng nề về người trong các vụ cháy ngoài việc thiếu ô xi để thở, hít phải khói độc, hầu hết các nạn nhân đều bị “giam” trong không gian cháy (nhà ở, xưởng sản xuất...) vì không có các lối thoát hiểm dự phòng. Vì thế khi ngọn lửa bít mất cửa thoát hiểm chính, nạn nhân chỉ còn biết chờ chết.

Điều nguy hiểm là hầu hết các ngôi nhà ống ở các đô thị lớn hiện nay (Hà Nội, TP HCM...) chỉ có một cửa ra vào là lối thoát hiểm duy nhất. Nhà xây càng cao thì nguy cơ chết người khi xảy cháy càng lớn. Nếu ngọn lửa to, bốc nhanh thì nạn nhân sẽ không thể kịp từ trên các tầng lầu chạy xuống tầng trệt để thoát thân bằng lối cửa chính.

Trên các tầng lầu của hầu hết các nhà dân, thay vì để trống đề phòng khi xảy cháy có nơi thoát hiểm, thì đều dựng hàng rào (chuồng cọp) kín mít vì sợ lũ trộm rình mò. Bảo vệ được an ninh, khiến lũ trộm chỉ còn biết lắc đầu ngán ngẩm, thì lại xảy ra thiệt hại về người khi xảy cháy, bởi chủ nhân của những ngôi nhà không có cách nào phá rào ra ngoài.

Đáng nói, thời gian qua đã xảy ra rất nhiều vụ cháy lớn, cướp đi sinh mạng của không ít người. Song, khi xây nhà dựng cửa, hầu hết người dân vẫn giữ thói quen “đảm bảo an ninh”, dựng hàng rào sắt phía ngoài ban công của các ngôi nhà, bịt hết lối thoát hiểm cần thiết. Rất ít nhà chừa lại khoang có lắp cửa đề phòng khi cháy sẽ thoát ra được.

Một số gia đình khi xây nhà đã lường trước được nguy hiểm khi xảy cháy, vì thế họ đã không hàn kín mít hàng rào sắt mà có để lại những ô nhỏ lắp cửa đề phòng. Song, lại khóa kỹ lưỡng rồi giấu chìa khóa đi phòng phường đạo chích nhòm ngó. Khi xảy cháy, phần không nhớ cất chìa khóa ở đâu, phần vì cuống nên không thể tìm thấy chìa khóa mở cửa thoát hiểm. Hậu quả cuối cùng vẫn là không thể thoát ra ngoài dẫn đến thiệt mạng.

Đâu phải vô cớ mà nhà ở của phương Tây, nhất là người Pháp không bao giờ làm “bảo hiểm” sắt ở ban công, cửa sổ, mà chỉ làm cánh cửa để bảo vệ ngôi nhà mà thôi. Khi cần, với sức của một người bình thường có thể dùng các dụng cụ có sẵn trong nhà phá cửa dễ dàng để thoát hiểm. Vậy mà dân ta lại có xu hướng đi ngược lại lý thuyết này.

Còn nhớ, vụ cháy quán karaoke ở quận Cầu Giấy cướp đi sinh mạng của hơn 10 người xảy ra cách đây mấy năm. Dù rất đông người bên trong, dù biết ở lại sẽ chết, các nạn nhân cũng không có cách nào để thoát ra ngoài vì ngọn lửa đã chặn lối thoát hiểm duy nhất ở tầng 1. Sau vụ việc đau lòng đó, tưởng chừng mọi người đã có một bài học xương máu khi dựng hàng rào sắt bít bùng quanh ngôi nhà, nhưng thực tế lại không phải vậy.

Không chỉ làm hàng rào sắt bít kín các lối thoát hiểm, nhiều gia đình còn bày biện các đồ gây cháy, dễ bắt lửa ở ngay tầng 1, nơi có con đường sống duy nhất là cửa ra vào. Vì thế khi xảy cháy, ngọn lửa dữ dội nhất lại chính là nơi lẽ ra nó không được có mặt, đó là cửa thoát hiểm. Khi ngọn lửa án ngữ cửa chính, nạn nhân làm sao thoát ra ngoài đây?

Đó là mới liệt kê sơ qua vài nguyên nhân quan trọng dẫn đến thiệt hại nặng nề về người và tài sản trong các vụ cháy. Thực tế còn vô số các nguyên nhân khác như ý thức của người dân kém trong việc phòng chống cháy nổ, lực lượng PCCC không thể tiếp cận kịp thời do địa hình khó khăn... Điều đó lý giải vì sao cứ sau mỗi vụ cháy lớn gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, người ta lại “rút kinh nghiệm”, để rồi sau đó mọi sự vẫn thế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mất mạng vì lo trộm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO