Tinh hoa Việt

‘Mật ngữ’ Thành Chương

LÃ NGUYÊN 07/03/2024 05:58

Thành Chương là nghệ sĩ có phong cách độc đáo bậc nhất trong làng mỹ thuật Việt Nam đương đại.

thanh-chuong-1.jpg
Họa sĩ Thành Chương bên tác phẩm mới. Ảnh: NVCC.

Vào phòng tranh của nhiều tác giả, tranh Thành Chương dẫu không ghi tên người sáng tác, người xem vẫn nhận ra ngay đâu là tác phẩm của ông. Người ta có thể nhận ra như thế, vì phong cách là sự phì đại của hình thức. Ngắm tranh của Thành Chương, ấy là tôi chiêm ngưỡng một hình thức thẩm mỹ của riêng ông, chỉ mình ông mới sáng tạo ra được như vậy.

1.Khi chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật, để dễ nhận dạng và cắt nghĩa, tôi có thói quen chia hình thức chỉnh thể của chúng thành hai loại cơ bản. Ở loại thứ nhất, chỉnh thể của tác phẩm được tạo ra bằng cách “mô phỏng”, “bắt chước” (“mimésis” - thuật ngữ của mỹ học cổ đại Hy Lạp) chính xác các đối tượng và hiện tượng đời sống, làm cho chúng hiện lên y như thật trước mắt người xem. Tiếp xúc với những tác phẩm mỹ thuật theo xu hướng này, ta chỉ thấy hiện thực có thật ngoài nghệ thuật, mải mê chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nó, mà không thấy hiện thực nghệ thuật trong hình thức riêng của mình. Nhưng lịch sử nghệ thuật là lịch sử đấu tranh giành quyền sáng tạo cái bịa đặt, không có thật.

Cuộc đấu tranh này diễn ra âm thầm từ thời cổ đại, qua trung đại và đến thời hiện đại, nhất là từ khi xuất hiện chủ nghĩa hiện đại (modernism), thì nó bộc phát thành những cuộc cách mạng.

Kết cục là ý thức được thay bằng vô thức, tiềm thức; cái phi lí lên ngôi và nghệ thuật “bắt chước” (mimésis) nhường chỗ cho nghệ thuật kết hợp, lắp ghép (combination). Nhờ thế, cái không có thật trở thành phương tiện chính yếu được sử dụng để tạo nên sự chân thực nghệ thuật và chiều sâu của nhận thức thẩm mỹ.

thanh-chuong-tu-hoa.jpg
Tự họa.
thanh-chuong-thien-nhan.jpg
Thiên nhãn.
thanh-chuong-trau.jpg
Trâu.
thanh-chuong-meo(1).jpg
Mèo. Tranh: Thành Chương.

Những bức tranh của Thành Chương mà tôi có dịp chiêm ngưỡng đều tổ chức hình thức chỉnh thể của tác phẩm theo cách thứ hai này. Đến với sáng tác của ông, ta bắt gặp những bức vẽ chỉ gợi ra mô hình trừu tượng của đối tượng, chứ không phải hình hài của bản thân đối tượng. Cho nên, cầu Long Biên trong các bức vẽ của ông chẳng có gì giống với cầu Long Biên mà chúng ta vẫn biết, vẫn thấy ngoài đời. Khi xem những bức vẽ “Phong cảnh Y Tý”, hay “Đất và người Hà Giang” của ông, chắc chắn không ai nghĩ đó là Hà Giang, là Y Tý nếu không nhìn vào nhan đề được ghi dưới góc mỗi tác phẩm.

Bước vào sáng tác của ông, mọi đối tượng và hiện tượng đời sống đều trở thành đối tượng và hiện tượng của riêng ông, thành những cấu trúc mới lạ, nhiều khi cực kì phi lý, nên với người xem, chúng trở thành những “cái khác” mà chỉ nhờ có nghệ thuật của ông ta mới được biết, được thấy lần đầu. Với ý nghĩa như vậy, hội họa của Thành Chương thuộc phạm vi của mỹ thuật hiện đại chủ nghĩa.

2.Nghệ thuật “bắt chước”, “mô phỏng” là cuộc chơi theo các luật chơi có sẵn. Mỹ thuật hiện đại và chủ nghĩa hiện đại là cuộc chơi mà mục đích của nó là tạo ra cái độc đáo.

Nó chơi theo những luật chơi chưa có ở đâu. Luật chơi của nó được người chơi đặt ra cùng với quá trình chơi. Đó là luật chơi của cá tính sáng tạo làm nên phong cách riêng của nghệ sĩ. Chơi theo luật chơi như thế, tác phẩm của Thành Chương thuộc loại khó “đọc”.

Cách “đọc” của tôi là nỗ lực phân tích luật chơi trong quá trình sáng tạo của tác giả. Tôi tìm thấy luật chơi này ở hệ thống điểm nhìn của Thành Chương và hình tượng thế giới được kiến tạo từ hệ thống điểm nhìn ấy.

Hội họa là nghệ thuật thị giác, nên điểm nhìn có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Thành Chương có một chùm tranh được ông đặt tên là “Thiên nhãn” và tôi nghĩ đó cũng chính là góc nhìn thế giới của ông. Tôi thấy quan niệm về “Thiên nhãn” của Thành Chương khác xa với quan niệm “Thiên nhãn” của Kito giáo, của đạo Cao Đài, hay của các hội kín như Tam điểm (Freemasonry), Khai sáng (Illuminati). Điểm khác biệt quan trọng nhất ở đây là tranh “Thiên nhãn” của Thành Chương lấy cảm hứng ở tín ngưỡng vật linh (animism) vốn có nguồn cội từ thời tiền sử trong văn hóa dân gian. Theo đó, “Thiên nhãn” trước hết là “linh nhãn”, nó đồng nghĩa với “linh giác”, nên mọi giác quan của con người đều có thể trở thành “Thiên nhãn”. “Thiên nhãn” còn là mắt của tạo vật muôn loài: vũ trụ có “Thiên nhãn”.

Thành Chương tạo ra một biểu tượng “Thiên nhãn” hiện diện khắp mọi nơi bằng cặp mắt bên tròn - bên dẹt, hoặc bên dọc - bên ngang vô cùng ngộ nghĩnh, thể hiện sự dí dỏm mang linh hồn văn hóa dân gian.

Khái quát lại, có thể nói, trong sáng tác của Thành Chương, “Thiên nhãn” không chỉ là đối tượng mô tả, mà còn là điểm nhìn vào thế giới của người sáng tạo. Cắm rễ sâu vào văn hóa dân gian, quan niệm về “Thiên nhãn” của Thành Chương trở thành triết học nghệ thuật, làm nên chiều sâu tư tưởng và sự nhất quán về phong cách trong sáng tác của ông.

Nhìn vũ trụ qua lăng kính “Thiên nhãn”, tranh Thành Chương mở ra trước mắt người xem một hình tượng thế giới trong tâm thức, từ ký ức hiện về. Bức họa nào của Thành Chương cũng tựa như là sự nhớ lại một ký ức đã qua. Thế giới trong sáng tác của ông là thế giới của cõi nhớ, thế giới của những giấc mơ. Ông vẽ “Giấc mơ đỏ”, “Giấc mơ buổi chiều”, “Ký ức ngọt ngào”.

Những ngày giãn cách bí bức vì đại dịch Covid-19, ông vẽ Y Tý trong cõi nhớ và đặt tên tranh là “Nhớ Y Tý”. Tôi tin cây cầu Long Biên trong nhiều bức họa tuyệt vời của ông là cây cầu của những giấc mơ về một vẻ đẹp lý tưởng.

Tôi thấy ông tạo ra hình ảnh trong tranh không phải là để kể, hay tả một cái gì đó, mà là để biểu đạt một nội dung không thể nắm bắt của những giấc mơ về một thời xa xăm. “Trăng cốm”, “Trăng thanh”, “Ngày nắng”, “Ngày vui”, “Chơi đùa cùng trâu”, hay “Đôi uyên ương”, “Đôi bạn trẻ” đều là hình hài của những giấc mơ về những gì chỉ còn đọng lại trong ký ức. Đôi khi ông cũng vẽ lại ký ức về những chuyện rất gần, ví như ký ức về “Cô gái mở đường”, hay ký ức“Về quê”, “Ngồi im thời Covid”…

thanh-chuong-cau-vang-long-bien.jpg
Cầu vàng Long Biên. Tranh: Thành Chương.

Cơ sở để kiến tạo hình tượng thế giới trong văn bản nghệ thuật là kiểu quan hệ xã hội của nghệ sĩ với hiện thực đời sống. Quan hệ xã hội của nghệ sĩ với hiện thực đời sống dẫu đa dạng đến đâu vẫn có thể xếp vào ba loại, mỗi loại cung cấp cho hình tượng thế giới một loại hình nội dung làm nên thể tài (genre) của tác phẩm: dân tộc - lịch sử, phong tục - thế sự và đời tư. Mảng lớn nhất, thể hiện rõ nhất phong cách nghệ thuật của Thành Chương là tranh phong cảnh và phong tục. Phong tục là quan hệ thế sự đã định hình thành trạng thái ổn định.

Tôi nhớ, năm 1957, cậu bé Nguyễn Thành Chương, mới lên tám, đã đem “Đôi gà tồ” trình trước thiên hạ trong triển lãm tranh thiếu nhi quốc tế được tổ chức tại Anh. Và tác phẩm giành giải thưởng lớn: giải Vàng. “Đôi gà tồ” chính là bức vẽ phúng dụ về trạng thái nhân thế yên bình, hòa mục, đầy tình thương yêu của thế giới con trẻ, được nhìn qua lăng kính của con trẻ. Xem bức vẽ này, tôi trộm nghĩ, dòng tranh phong tục khởi nguồn từ các danh họa thế hệ “mỹ thuật Đông Dương” với những “Chơi ô ăn quan”, “Người bán gạo”, “Người bán ốc” của Nguyễn Phan Chánh; “Đấu vật”, “Chọi trâu” của Nguyễn Sáng; “Đánh cờ dưới bóng tre” của Nguyễn Tư Nghiêm… đã không bị khô cạn, đứt mạch nhờ sự xuất hiện rất sớm của Thành Chương.

Tôi nghĩ, Thành Chương có ý thức và tự tin vào đường đi mà ông đã lựa chọn từ thủa ấu thơ. Riêng năm 2017, Thành Chương vẽ không biết cơ man nào là tranh gà. 60 bức trong số đó được ông chọn cho Triển lãm kỷ niệm ngày sinh lần thứ 60 của “Đôi gà tồ” gây được tiếng vang trong cộng đồng yêu mỹ thuật. Ông có hàng nghìn bức vẽ trâu bên các chú mục đồng. Đó là những bức vẽ mang lại danh tiếng cho một phong cách lớn.

Hàng nghìn bức tranh trâu, tranh gà và những con giáp khác cùng bộ tranh vẽ cầu Long Biên, với những “Trăng thanh”, “Trăng cốm”, “Ngày nắng”, “Ngày vui”, “Phong cảnh Y Tý”, hay “Đất và người Hà Giang” đã đặt Thành Chương vào vị trí hàng đầu của tranh phong tục và phong cảnh trong làng mỹ thuật Việt Nam.

thanh-chuong-phong-canh-y-ty.jpg
Phong cảnh Y Tý. Tranh: Thành Chương.

Hình tượng thế giới trong tác phẩm nghệ thuật bao giờ cũng được bao bọc trong cảm hứng thẩm mỹ. Chính cảm hứng thẩm mỹ biến hình tượng thế giới trong nghệ thuật thành những cấu trúc giá trị có chức năng biểu nghĩa. Người xem tranh nhận ra các xu hướng cảm hứng thẩm mỹ qua 4 phạm trù gốc: bi, hài, đẹp và cao cả. Gần như toàn bộ sáng tác của Thành Chương hợp lại với nhau để cất lên cảm hứng về cái đẹp.

Là họa sĩ hàng đầu của dòng tranh phong tục, Thành Chương suốt đời dùng hình khối, đường nét và màu sắc để tấu khúc hát về vẻ đẹp của tình người. Xem tranh của ông tôi thấy tựa như được nghe những khúc ca tình tứ và trong trẻo mang âm hưởng của hát chèo và những làn điệu quan họ về tình yêu, tình bạn thời thơ trẻ, tình gia đình và trùm lên tất cả là tình quê với con gà, con trâu, với bến nước, triền đê, đình chùa cổ kính và những ngày hội phấp phới cờ ngũ sắc, rộn rã tiếng trống làng.

Thành Chương vẽ phong cảnh, như cảnh Y Tý, cảnh Hà Giang, cảnh trăng cốm, trăng thanh, trăng nõn, cảnh những chú mục đồng ngửa mặt trông trăng, chơi đùa với trâu, với cánh diều, cây sáo… cũng là để ca hát về vẻ đẹp của tình quê như vậy. Những bức vẽ của Thành Chương chỉ gợi ra ý niệm về cái đẹp, nhưng cái đẹp vẫn hiện lên lồ lộ với nhiều sắc thái mỹ cảm khác nhau. Tôi rất thích vẻ đẹp rạng rỡ sắc màu của Y Tý, hay vẻ đẹp của “Đất Hà Giang” tựa như cô gái nõn nà nằm giữa trời mây nương rẫy, nhất là vẻ đẹp phồn thực ở bức "Tòa thiên nhiên", hay bức “Mầm sống”…

Như đã nói, hình tượng thế giới trong tranh Thành Chương là hình tượng trong giấc mơ, hiện về từ ký ức. Trong giấc mơ của nghệ sĩ, mọi vẻ đẹp đều trở thành hiện thân của cái lý tưởng, trường tồn với thời gian. Chúng hiện lên ở đó thật xôn xao, nhưng cũng vắng vẻ, tựa như lúc nào cũng khoác lên mình tấm áo dệt bằng nỗi buồn nhuốm màu hoài cổ.

thanh-chuong-giac-mo.jpg
Giấc mơ. Tranh: Thành Chương.

3.Để khép lại bài viết tôi không thể không nói đôi lời về ngôn ngữ tạo hình trong tranh Thành Chương. Tôi thấy ngôn ngữ tạo hình của ông có hai điểm nổi bật:

Thứ nhất, tổ chức không gian khép kín trong thời gian quá khứ tuyệt đối. Hội họa là nghệ thuật không gian. Tổ chức không gian là ngôn ngữ quan trọng bậc nhất của nó. Mỗi loại phong cách thường có một kiểu tổ chức không gian nghệ thuật rất riêng, ví như hội họa Phục hưng đặt thế giới vào không gian vũ trụ, hội họa của chủ nghĩa cổ điển ở thế kỉ XVII tạo ra không gian sinh hoạt - thế sự, tranh, tượng của mỹ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa biến không gian tồn tại của con người thành không gian mặt trận, không gian con đường, tất cả đều đóng kín trong bản thân nó.

Tranh của Thành Chương cũng tổ chức không gian thành một thứ ngôn ngữ của riêng ông. Ông sử dụng dày đặc các motif màu sắc tự nhiên đậm chất dân gian và motif điêu khắc của phù điêu đình chùa để tạo ra không gian điền viên của làng quê Việt cổ truyền. Ở đó, các hình tượng ẩn dụ được tạo ra bằng những so sánh, liên tưởng ngầm rất bất ngờ, nhưng cũng quen thuộc: con trẻ là mục đồng đùa dỡn với con trâu, với cánh diều, cây sáo; trăng là vầng sáng tròn vành vạnh lúc như quả cầu, lúc như cái đĩa hay cái nong; lưng trâu là mái nhà…

Những ẩn dụ như thế tạo ra một không gian khép kín. Tính khép kín này mang lại khả năng biểu đạt thời gian: nó gợi ra một quá khứ tuyệt đối, những gì có giá trị đều thuộc về quá khứ ấy, ở đó không có ngõ ngách nào ăn thông với cái đương đại đang tiếp diễn rất đỗi xô bồ, phồn tạp của chúng ta.

Thứ hai, sử dụng cú pháp tượng trưng, siêu thực để tạo ra “mật ngữ”. Tôi có nhận xét thế này: Nếu thơ tượng trưng, siêu thực biến thơ thành nhạc; thì mỹ thuật siêu thực lại chuyển hội họa thành thơ. Cho nên tôi gọi Thành Chương là nhà thơ siêu thực. Sáng tác của ông đầy ắp chất thơ. Ông làm thơ bằng màu sắc, đường nét, hình khối.

anh-them.jpg
Một góc Bảo tàng "Sống trong nghệ thuât" của họa sĩ Thành Chương.

Ngôn ngữ tranh của Thành Chương cũng được tổ chức theo nguyên tắc như vậy. Ta nhận ra cú pháp của tranh Thành Chương qua trục hệ hình với việc tác giả sử dụng dày đặc các motif điêu khắc phù điêu, màu sắc dân gian, các hình tam giác, hình vuông, hình tròn, các khối trụ, lập phương, lăng trụ tam giác, các đường nét tự do trên mảng dẹt. Nhưng thay vì dùng màu cách điệu, Thành Chương sử dụng bảng màu tự nhiên.

Trong tranh của ông, mối quan hệ giữa các biểu tượng với ý nghĩa quen thuộc bị xóa bỏ, đường nét, hình khối nhiều khi bị bóp méo, chồng xếp lên nhau, làm mất khả năng tiếp nhận của thị giác theo logic thông thường. Cho nên, vẫn là màu sắc ấy, đường nét ấy, hình khối ấy, khi tách riêng ai cũng có thể nhận biết rành rẽ, nhưng khi kết hợp với nhau, chúng tạo thành một cấu trúc chỉnh thể mơ hồ, đa nghĩa, đầy chất thơ, nhưng cũng rất khó hiểu. Tôi gọi ngôn ngữ ấy là mật ngữ của Thành Chương.

Tranh Thành Chương tạo ra một hình thức chỉnh thể nổi bật bằng chất liệu riêng, góc nhìn riêng và một hình tượng thế giới được bao bọc trong một xu hướng cảm hứng thẩm mỹ rất riêng. Ông sử dụng những phương tiện tạo hình quen thuộc, tổ chức chúng một cách tinh tế và sáng tạo, mã hóa chúng thành một loại ngôn ngữ tựa như “mật ngữ”, “đọc” tranh của ông bằng ngôn ngữ ấy, ta thấy ý nghĩa của tác phẩm vừa kiên trì bộc lộ, vừa khăng khăng một mực lẩn tránh.

Rất nhiều người cũng mê tranh Thành Chương bởi vẻ đẹp rạng rỡ, mà hư ảo của một loại hình thức phì đại. Nhưng tôi tin, không ai dám quả quyết là mình có thể hiểu hết sáng tác của ông.

Họa sĩ Thành Chương còn được biết tới là người kiến tạo không gian Việt Phủ Thành Chương ở xã Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Đến đây, ta như lạc vào một không gian cổ kính, biệt lập bao gồm khoảng 30 công trình lớn nhỏ, tái hiện những gì tinh túy trong văn hóa Việt Nam về kiến trúc, văn hóa và cả tâm linh.

Năm 2012, Việt Phủ Thành Chương được ca ngợi bởi vẻ đẹp tuyệt vời của các công trình hoài cổ trên tờ New York Time (Mỹ).

Sau hơn 20 năm xây dựng, đến nay Việt Phủ Thành Chương đã trở thành điểm đến của nhiều đoàn du khách trong và ngoài nước.

Đầu xuân Giáp Thìn 2024, họa sĩ Thành Chương đã hoàn thành khu Bảo tàng "Sống trong nghệ thuật" nằm trong Việt Phủ. Tại đây, những tác phẩm của họa sĩ Thành Chương trên nhiều chất liệu và kích thước khác nhau, sáng tác trong nhiều giai đoạn khác nhau được giới thiệu tới công chúng.

N.T.B

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ‘Mật ngữ’ Thành Chương

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO