Mất niềm tin, cảnh báo về sự gục ngã

PHAN QUANG VŨ 16/06/2023 11:11

Cuối tháng 4 vừa qua, cảnh sát Kenya tìm thấy 210 thi thể liên quan đến giáo phái tuyệt thực tại Kenya. Họ bị xúi giục bỏ đói con cái và bản thân đến chết với niềm tin mù quáng được lên thiên đường. Ông Kithure Kindiki - Thư ký nội các Kenya cho biết: "Đây là một vụ án rất nghiêm trọng và có tổ chức. Chính phủ Kenya cam kết sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để làm sáng tỏ”.

Cảnh sát Kenya tìm thấy các thi thể trong khu rừng Shakahola. Ảnh: REUTERS.

Trong khi đó, Tổng thống Kenya William Ruto tuyên bố đây là hành động khủng bố. Còn Bộ trưởng Nội vụ Kindiki thì gọi là vụ thảm sát. Nhưng thật đau lòng, đó không phải là vụ chết chóc duy nhất do niềm tin mù quáng, vì rằng những nhóm tà đạo vẫn còn ẩn náu ở nhiều nơi trên thế giới.

Vụ chết chóc trong khu rừng Shakahola

Nhà chức trách Kenya đã buộc tội người đứng đầu giáo phái có tên “Nhà thờ Good News International” là đã ra lệnh cho tín đồ nhịn đói đến chết, kể cả bỏ đói các con của mình, thì sẽ được lên thiên đường trước ngày tận thế (được tuyên truyền là vào ngày 14/4/2023). Paul Nthenge Mackenzie, 50 tuổi, thủ lĩnh giáo phái, cùng 27 người khác đã bị bắt. Đây là một trong những thảm họa liên quan đến các tà đạo nghiêm trọng nhất trong lịch sử gần đây.

Tiến vào khu rừng, cùng với việc phát hiện các thi thể, cảnh sát còn thấy nhiều người trong tình trạng kiệt quệ do tuyệt thực.

Chrispas Karisa Jefa - sống tại thị trấn Malindi (Kenya) cho biết: "Họ đến đưa em gái tôi và các con của cô ấy đi. Chúng tôi đã đưa em gái về nhưng sau đó nó lại bỏ trốn tới đó. Chúng tôi không hiểu họ có thứ quyền lực gì nữa".

Theo Reuters, Mackenzie lên kế hoạch tuyệt thực cho cả giáo phái theo 3 đợt: Đầu tiên là trẻ em, sau đó là phụ nữ và nam thanh niên, những nam giới còn lại nằm trong đợt cuối cùng.

Ông Steven Mwiti - người nhà nạn nhân cho biết, vợ và 6 người con của mình đã chết trong các đợt tuyệt thực hàng loạt ấy. Vợ con ông đã đi theo giáo phái của Mackenzie 2 năm nay. "Vợ tôi bảo rằng cô ấy đã tìm thấy một nơi sẽ đưa cô ấy lên thiên đường. Cô ấy nói đi học và đi bệnh viện là sai trái, tôi không đồng tình và bảo rằng chính cô ấy đã từng đi học rồi, nếu không đi học thì sao cô ấy đọc được sách. Nhưng cô ấy khuyên ngược tôi là hãy nhập giáo phái và chống lại chính quyền".

Ông Mwiti đã từng giải cứu vợ con hai lần. Lần cuối ông liên lạc với vợ, vợ ông cho hay đang nhịn ăn. Ông lại cố gắng cứu vợ con ra, nhưng không thành. "Vợ con tôi chết rồi. Các thanh niên ở đấy cho biết con tôi đã bị chết đói".

Thủ lĩnh giáo phái “Nhà thờ Good news International” lôi kéo nhiều người với sự tuyên truyền về ngày phán xét; liên tục đề cập đến thuyết âm mưu được gọi là "trật tự thế giới mới"; thường xuyên đưa ra những lời đe dọa như cảnh báo về một thế lực Satan toàn năng được cho là đã thâm nhập vào các tầng lớp quyền lực cao nhất. Đối tượng của giáo phái này là nhắm đến những người có ít kiến thức xã hội, ít được tiếp cận giáo dục, do đó dễ dàng khiến họ tin theo những lời thuyết giáo vô căn cứ.

Bản thân thủ lĩnh giáo phái, Mackenzie, có quan điểm cực đoan coi giáo dục là xấu xa, kêu gọi phụ nữ không chăm sóc y tế khi sinh con và không tiêm chủng cho trẻ. Mackenzie từng bị bắt vào năm 2017 và năm 2018 với cáo buộc kêu gọi trẻ em không đến trường.

Tổng thống Kenya William Ruto lên án Mackenzie, đồng thời khẳng định những lời rao giảng của đối tượng này trái ngược với bất kỳ tôn giáo đích thực nào. “Đó là những hành động tàn ác khi thúc đẩy hệ tư tưởng kỳ lạ không thể chấp nhận được”.

Bà Vivian Kambaga - Công tố viên thị trấn Malindi (hạt Kilifi, Kenya) cho biết: “Các cuộc điều tra không chỉ tập trung vào các cáo buộc giết người và tội ngộ sát mà còn cáo buộc theo đạo luật chống khủng bố, cũng như các cáo buộc về số tiền thu được từ tội phạm và hành vi rửa tiền".

Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Kenya, ông Kithure Kindiki cho biết, giáo phái này hoạt động bí mật, đòi hỏi sự trung thành và phụ thuộc tuyệt đối vào thủ lĩnh. Những người bị lôi kéo thường là những người từng có cuộc sống khó khăn hoặc thấy lạc lõng trong xã hội hiện tại. Họ tìm đến giáo phái vì nghĩ sẽ được bù đắp lại mất mát. “Họ đã bị tẩy não và bị dòng xoáy tín ngưỡng lệch lạc chi phối khi nghĩ rằng giáo phái là nơi hoàn thiện tâm linh” - ông Kindiki nói.

Còn theo bà Alexandra Stein - chuyên gia tâm lý xã hội thì các giáo phái tà đạo hủy hoại con người bằng cách kiểm soát, thao túng tâm lý. Chiếm đoạt niềm tin, thay vào đó là một thứ niềm tin mù quáng, nguy hiểm.

Đưa ra những cáo buộc, Tổng thanh tra cảnh sát Japhet Koome cho rằng Paul Nthenge Mackenzie đã thúc đẩy những niềm tin và hành động kỳ quái, bao gồm cả việc hướng dẫn các tín đồ nhịn đói để tránh "sự nguyền rủa của ngày tận thế" và được lên thiên đường. Mackenzie đã nhiều lần vi phạm pháp luật kể từ năm 2017 và đã từng bị cáo buộc liên quan tới cái chết của 2 đứa trẻ được cho là đã chết vì đói.

Thông tin từ Tổng cục Điều tra tội phạm (DCI) của Kenya cho biết, Mackenzie sẽ bị trừng trị nghiêm khắc nhất sau khi có báo cáo bổ sung từ Martin Nyuguto - Giám đốc điều tra các vụ giết người của Kenya vì rằng cho đến nay ít nhất 178 người vẫn bị coi là mất tích.

Thân nhân những người thiệt mạng trong vụ chết chóc tại Kenya.

Vụ tấn công tàu điện ngầm bằng khí Sarin

Vụ thảm sát với hơn 200 người chết đói tại Kenya mới đây khiến người ta nhớ lại vụ tấn công kinh hoàng bằng khí Sarin tại ga tàu điện ngầm ở Tokyo (Nhật Bản), vào ngày 20/3/1995, bởi thủ lĩnh giáo phái AUM Shinrikyo Shoko Asahara; làm 29 người thiệt mạng, hơn 6.000 thương tật.

Sau khi vụ việc xảy ra, lần lượt 13 thành viên quan trọng của AUM đã bị tử hình. Đây là vụ thi hành án tử hình lớn nhất ở Nhật Bản kể từ năm 1911, khi đó, 11 đối tượng âm mưu ám sát Nhật hoàng bị xử tử.

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản lúc bấy giờ, ông Yoshihide Suga, cho biết những kẻ tấn công thường dân bằng vũ khí sinh học sẽ bị trừng trị ở mức cao nhất. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho biết sẽ tìm kiếm mọi sự hợp tác để ngăn chặn nguy cơ xảy ra thêm các tội ác tàn bạo. Việc tử hình Asahara và đồng phạm sẽ nhắc nhở công chúng về sự tàn bạo của khủng bố, từ đó cùng chung tay loại trừ cái ác. Dư luận Nhật Bản cũng đã hoan nghênh việc tử hình các đối tượng trong giáo phái AUM phạm tội.

Shoko Asahara, tên thật là Chizuo Matsumoto, bị bắt từ tháng 5/1995, bị kết án tử hình năm 2004. Trước đó, Shoko từng bị cho là có liên quan đến vụ tấn công bằng khí Sarin tại tỉnh Nagano, miền trung Nhật Bản năm 1994.

Tại vụ tấn công mà giáo phái AUM thực hiện vào ngày 20/3/1995, các thành viên AUM đã để chất độc Sarin dạng lỏng tại 5 toa tàu điện ngầm ở các vị trí khác nhau, khiến hàng nghìn người quằn quại trong đau đớn. Đây là vụ tấn công gây thương vong nhiều nhất tại Nhật Bản và gây chấn động dư luận toàn thế giới.

Từ cuối thập niên 1980 đến giữa thập niên 1990, giáo phái AUM Shinrikyo đã khởi động chương trình phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt, chú trọng đến việc sử dụng các loại vũ khí có sẵn như súng và vật liệu nổ. Chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt (viết tắt WMD) của giáo phái AUM thậm chí còn có cả thành phần hạt nhân. Chúng đã mua một trang trại nuôi cừu rộng lớn ở tây Australia, nơi được cho là có một mỏ uranium để tiến hành các nghiên cứu về vũ khí hóa học, cũng như thành lập một phòng thí nghiệm và dùng cừu để thử nghiệm tính hiệu quả của các công thức vũ khí hóa học.

Trong một nỗ lực nhằm có thể giết chết càng nhiều người càng tốt, bước đầu tiên giáo phái AUM chú trọng là phát triển ra các loại vũ khí sinh học; tiến hành thử nghiệm với độc tố thần kinh botulinum, khuẩn bệnh than, bệnh tả và sốt rét Q. Chưa hết, tháng 10/1992, giáo chủ Asahara cùng 40 đệ tử đã lặn lội tới Zaire (Cộng hòa Dân chủ Congo) dưới vỏ bọc đi viện trợ y tế cho các nạn nhân Ebola, song thực chất là thu thập các mẫu bệnh phẩm của virus Ebola dùng cho chương trình phát triển vũ khí sinh học của giáo phái.

AUM Shinrikyo và các thành viên trong giáo phái này đã sử dụng xe tải được trang bị máy phun khí nhằm làm phát tán độc tố thần kinh botulinum lỏng tại nhiều địa điểm khác nhau. Nhưng không thành công, vì thế chúng đã chuyển hướng sang sản xuất bệnh than. Vào khoảng giữa năm 1993, AUM đã tích trữ cả một kho dự trữ bệnh than lỏng đủ sức để phát động một cuộc tấn công quy mô lớn. Tuy nhiên, lần này cũng không thành công.

Trước sự thất bại của các cuộc tấn công bệnh than, AUM đã xoay sang sản xuất vũ khí hóa học, từ cuối năm 1993. Natri xyanua và acid sulfuric được AUM kết hợp với nhau để tạo ra một thứ khí “tử thần” và nó được cài trong một phòng vệ sinh của hệ thống tàu điện ngầm, với hy vọng làm phát tán hóa chất độc.

Với những thông tin có được, cảnh sát Nhật bản đã ráo riết truy lùng các thành viên AUM Shinrikyo. Trong đó, giáo chủ Shoko Asahara bị liệt vào diện tầm nã đặc biệt cho đến khi bị bắt.

Vụ án giáo phái AUM Shinrikyo là một minh họa không ai muốn về mối hiểm họa của các loại vũ khí hóa học nằm trong tay của các thực thể phi nhà nước. Bắt đầu vào thập niên 1980, AUM Shinrikyo (có nghĩa là “sự thật tối cao”), gọi tắt là AUM, đã thu hút nhiều tín đồ qua những buổi thuyết giảng và ấn hành sách. AUM hứa hẹn mang lại cuộc sống ý nghĩa hơn cho giới trẻ vốn chịu nhiều áp lực do học hành và nghề nghiệp. Dần dần AUM càng trở nên hoang tưởng với tà thuyết về ngày tận thế, khiến mọi người tin rằng thế giới sắp sửa bị tận diệt trong cuộc Chiến tranh thế giới lần 3 và chỉ có những tín đồ AUM là sống sót.

Shoka Asahara - giáo chủ giáo phái Aum Shinrikyo.Nguồn: Japan Forward.

51 ngày đêm chiến dịch vây hãm

Chiến dịch vây hãm giáo phái Branch Davidian ở Texas năm 1993 kết thúc bằng cuộc đột kích vũ trang của cảnh sát khiến 76 người chết và dư luận Mỹ rúng động.

Một ngày cuối tháng 2/1993, luật sư Dick DeGuerin ở Houston (Texas) bất ngờ nhận được cuộc điện thoại từ một phụ nữ, nhờ ông hỗ trợ pháp lý cho con trai bà là David Koresh - thủ lĩnh giáo phái Branch Davidian gây tranh cãi ở địa phương.

DeGuerin nhớ lại, khi nhận được cuộc điện thoại thì máu đã đổ tại khu phức hợp của giáo phái Branch Davidian trên đỉnh đồi Mount Carmel ở Waco (Texas), nơi đã bị các lực lượng hành pháp Mỹ vây hãm suốt trước đó.

Khi các đặc vụ AFT tiến vào khu trại, một cuộc đấu súng đã diễn ra trong gần 2 tiếng. Sau đó, Cục Điều tra Liên bang (FBI) vào cuộc, phối hợp với cảnh sát địa phương bao vây toàn bộ khu trại. Tình thế đối đầu căng thẳng kéo dài nhiều tuần, trước khi mẹ của Koresh gọi điện cho luật sư DeGuerin.

Nhận được điện thoại, ông biết ngay vụ này có quy mô lớn hơn bất kỳ vụ nào mình từng đối mặt. Khi chuẩn bị bước vào khu trại, luật sư DeGuerin thỏa thuận với FBI rằng sẽ thuyết phục Koresh đầu hàng. Các đặc vụ đưa ông tới gần khu trại bằng một chiếc xe bọc thép. Họ dừng lại cách hàng rào khu trại khoảng 90 mét. Ông là người bên ngoài đầu tiên vượt qua hàng rào an ninh vào khu trại Mount Carmel, nơi các tín đồ vũ trang của giáo phái Davidian đang ẩn náu. DeGuerin nhận nhiệm vụ là đưa Koresh rời khu trại và nộp mình cho giới chức. Nhưng thương thảo bất thành.

Lần thứ hai DeGuerin trở lại khu trại cùng một luật sư nữa, Jack Zimmerman. Nhưng Koresh cùng các tín đồ vẫn không chịu nộp mình. Lòng kiên nhẫn của đặc vụ FBI dần cạn. Sau đó, xe bọc thép của FBI xông thẳng vào khu trại, đặc vụ liên tục bắn hơi cay vào trong các tòa nhà. Tiếng súng vang lên không ngớt khi các tín đồ cố thủ. Đến giữa trưa ngày 19/4/1993, những tiếng nổ vang lên cùng ngọn lửa bùng lên dữ dội thiêu rụi khu nhà. 76 người chết, trong đó có 20 trẻ em. Nguyên nhân vụ hỏa hoạn là do giáo phái Branch Davidian gây ra.

30 năm sau, luật sư DeGuerin, giờ đây đã 82 tuổi, cho rằng cuộc vây hãm 51 ngày đêm là “không thể tưởng tượng được”. DeGuerin cho biết đã làm hết sức, nhưng những người cố thủ đã bị một điều gì đó khiến họ mất suy nghĩ.

Giáo phái Branch Davidian thành lập năm 1959, với việc gieo rắc niềm tin vào sự tái sinh. Tới năm 1980, và Koresh nổi lên như một thủ lĩnh đầy sức lôi cuốn, hàng trăm thành viên sống cùng nhau trong khu trại trên đồi, tách biệt với các khu dân cư xung quanh.

Tháng 2/1993, tạp chí Wac Tribune Herald đăng phóng sự điều tra cáo buộc Koresh lạm dụng tình dục các tín đồ với ít nhất 150 người, trong đó có trẻ vị thành niên. Cảnh sát địa phương cũng nghi ngờ giáo phái Branch Davidian tàng trữ vũ khí, chất nổ trong trại. Ngày 28/2/1993, Cục quản lý Rượu, Thuốc lá và Súng (ATF) phát lệnh bắt Koresh và khám xét khu trại, mở đầu cho 51 ngày vây hãm.

Cũng ở Mỹ, ngày 7/5/2019 Tòa án liên bang tại New York tiến hành xét xử trùm giáo phái NXIVM - Keith Raniere, với cáo buộc bóc lột tình dục các tín đồ nữ. Keith Raniere, 58 tuổi, thành lập tổ chức NXIVM vào năm 2003, với lời rao giảng là các cá nhân sẽ tự cải thiện bản thân. Không chỉ thế, nhóm này còn hoạt động kiểu kinh doanh đa cấp, mang lợi nhuận về cho Raniere.

Keith Raniere bị kết án tù chung thân.

Vì sao sập bẫy?

Câu hỏi đặt ra là: Ngoài những biện pháp cưỡng ép, cũng có nhiều người tự nguyện gia nhập, thậm chí dâng hiến toàn bộ tài sản của mình. Vậy sức hút của những giáo phái này đến từ đâu?

Theo nhà tâm lý xã hội học Leon Festinger, nội tâm con người luôn có sự thúc đẩy để giữ niềm tin. Khi niềm tin lung lay, bị xói mòn, họ có xu hướng tìm đến những suy nghĩ và hành động nào đó để giải tỏa. Một số người đã chọn gia nhập giáo phái, lúc đầu chỉ như một sự an ủi. Còn theo nhà xã hội học David Bromley, đa số thành viên giáo phái đều ít nhiều có những điểm dễ bị lợi dụng và đối tượng mà các giáo chủ khoanh vùng thường là nữ giới, trẻ vị thành niên, người già, người bị cô đơn, trầm cảm.

Đối với người cô đơn, các tà phái này cho họ lời hứa về một cộng đồng mà họ hoàn toàn tin tưởng. Đối với người trẻ, thì đánh vào sự tò mò về hệ thống niềm tin, hoặc đơn giản là họ còn quá trẻ để nhận ra mình bị lừa. “Mình tồn tại trên đời với mục đích gì vậy?” - có lẽ là câu hỏi phổ biến ở một bộ phận những người tuổi đôi mươi. Họ vẫn đang trong giai đoạn trải nghiệm cuộc sống của chính mình. Trong hành trình đi tìm bản thân, một số người bị thu hút bởi các giáo phái khi tin rằng mình đang thực hiện sứ mệnh nào đó.

Một số người lại bị thao túng niềm tin khi không tự trả lời được câu hỏi vì sao làm việc chăm chỉ cả đời nhưng vẫn nghèo, hoặc sinh con bị dị tật dù sinh hoạt điều độ suốt thai kỳ. Khi không thể tìm thấy lý do, không may họ lại gặp phải những lời dẫn dụ tà đạo với hy vọng có được may mắn cho cuộc đời.

Thực tế cho thấy, các tà giáo có nhiều thủ thuật tinh vi để dễ bề hoạt động. Có thể đó là núp bóng một tổ chức từ thiện, hội sinh viên hoặc câu lạc bộ những người chung sở thích. Một số giáo phái “tuyển mộ” dưới mác một cộng đồng vô hại, như câu lạc bộ hay nhóm thiện nguyện. Sau khi thành viên mới gia nhập một thời gian, họ mới dần để lộ bản chất.

Lời khuyên trong trường hợp này là khi có vấn đề trong cuộc sống, đừng ngại chia sẻ nó với những người tin tưởng như gia đình, bạn bè hay chuyên gia trị liệu. Và đặc biệt trong mọi trường hợp cần phải biết cảnh giác với mọi lừa phỉnh, hứa hẹn, để không gục ngã.

Trực thăng quân đội Mỹ đưa thi thể những người thiệt mạng từ Guyana trở về. Ảnh: AP.

Tới nay, thảm kịch ở Jonestown năm 1978 là sự kiện phi tự nhiên gây thương vong dân sự lớn nhất. Jim Jones, sinh năm 1931 tại Indiana (Mỹ), sáng lập giáo phái Peoples Temple ở Indianapolis vào năm 1955; phát triển mạnh vào những năm 1970. Năm 1977, Jones cùng 1.000 tín đồ chuyển đến sống ở Jonestown, một vùng hẻo lánh của quốc gia Nam Mỹ Guyana. Khi sức khỏe suy yếu, Jones càng trở nên hoang tưởng, từ đó đưa ra ý tưởng tự sát tập thể bằng cách tổ chức các buổi "diễn tập" uống thuốc độc, tập hợp tín đồ và yêu cầu họ uống dung dịch từ một cái vại lớn.

Tháng 11/1978, khi giới chức Guyana đến khu trại này, họ kinh hoàng chứng kiến cảnh tượng thi thể nằm la liệt. Hơn 900 người chết, khoảng 1/3 số đó là trẻ em. Jim Jones không uống thuốc độc như cách đã khuyến khích mọi người mà tự bắn vào đầu. Truyền thông lúc bấy giờ mô tả đó là vụ giết người hàng loạt, một cuộc thảm sát. Hyacinth Thrash, một phụ nữ cao tuổi thoát chết do đã ngủ trong buồng của mình suốt thời gian diễn ra vụ thảm sát. Khi thức dậy vào sáng hôm sau, bà thấy các thi thể, trong đó có chị mình. “Tôi chưa bao giờ muốn đến Guyana để chết. Jim đã dẫn chúng tôi tới cái chết” - bà nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mất niềm tin, cảnh báo về sự gục ngã

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO