“Thủy phần và đường nhiều, màu xấu, dễ lên men… là những yếu điểm đang tồn tại ở sản phẩm mật ong Việt Nam. Cần thay đổi về chất lượng, tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu các nhà nhập khẩu nói chung và thị trường EU nói riêng”.
Đó là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo mở rộng thị phần mật ong vào châu Âu, diễn ra ngày 1-11, do Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU - Mutrap) tổ chức.
Cần nâng tầm cho mật ong trên thị trường trong và ngoài nước.
Cần nâng tầm chất lượng
Ông Đinh Quyết Tâm – Chủ tịch Hiệp hội Nuôi ong Việt Nam cho biết, 9 tháng đầu năm mật ong xuất khẩu đang giảm cả về giá trị lẫn sản lượng. Giá thế giới đang đi ngang hoặc đi xuống thấp nhưng mật ong Việt Nam lại lao dốc mạnh.
Điển hình, giá mật ong của Ấn Độ có giảm nhưng vẫn trên giá mật ong Việt Nam khoảng 15%. Nguyên nhân chủ yếu, mật ong Việt Nam đã và đang chạy theo số lượng mà không để ý đến chất lượng, giá cả. Về thị trường xuất khẩu, Hiệp hội Nuôi ong Việt Nam cho rằng, Hoa Kỳ đang là thị trường tiêu thụ mật ong lớn nhất.
Tại thị trường Hoa Kỳ, mật ong xuất khẩu của Việt Nam luôn đứng đầu bảng những nhà nhập khẩu. Điển hình, từ năm 2014 – 2016, mật ong Việt Nam chiếm khoảng trên 20% thị phần nhập khẩu của thị trường này.
Tuy nhiên, hiện nay sản lượng mật ong xuất khẩu vào Hoa Kỳ giảm. Nguyên nhân do mật ong giá rẻ của Trung Quốc đang chiếm 50% thị phần, còn mật ong cao cấp phải cạnh tranh với Peru, Chile…
Là một trong những thị trường tiêu thụ mật ong khá cao song Hàn Quốc bảo vệ nông dân trong nước rất chặt chẽ. Các hiệp định thương mại của Hàn Quốc với các nước không bàn đến việc giảm thuế suất đối với sản phẩm mật ong nhập khẩu.
15 năm sau mật ong của Việt Nam mới vào được thị trường Hàn Quốc nhưng với mức thấp, mỗi năm tăng từ 100 – 200 tấn. Hiện Hàn Quốc chỉ nhập 600 tấn/năm từ thị trường Hoa Kỳ do trao đổi hàng hóa.
Theo Hiệp hội Nuôi ong Việt Nam, ngoài thị trường truyền thống Hoa Kỳ, thị trường EU đang hứa hẹn nhiều tiềm năng đối với hoạt động xuất khẩu mặt hàng trên.
Sản lượng mật ong xuất khẩu vào thị trường EU liên tục tăng trong các năm gần đây. Cụ thể, năm 2015 xuất khẩu vào EU đạt 651 tấn; 2016 là 1.330 tấn, 9 tháng đầu năm 2017 là 1.469 tấn.
“Nhu cầu nhập khẩu của thị trường EU tương đương Hoa Kỳ, tăng 5,5 – 7%/năm nhưng đàn ong, người nuôi ong tại EU lại sụt giảm. Bên cạnh đó Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU sắp có hiệu lực sẽ tạo điều kiện giúp doanh nghiệp tăng sản lượng mật ong vào EU”, ông Tâm nhìn nhận.
Định vị lại thị trường
Mặc dù đánh giá cao thị trường EU, tuy nhiên cũng hiệp hội và doanh nghiệp khẳng định, đây là thị trường khó tính.
Ông Nguyễn Việt Cường – CEO của Công ty Đắk Nguyên Hồng cho biết: “Các nhà nhập khẩu EU chưa hiểu rõ chất lượng mật ong Việt Nam và mật ong Việt Nam đang bị xếp cùng mặt bằng với mật ong Trung Quốc. Cần phải định vị lại mật ong Việt tại một số thị trường xuất khẩu”.
Xếp cùng mặt bằng với sản phẩm mật ong Trung Quốc hoặc đang bị các nhà nhập khẩu nhầm lẫn sản phẩm, điều đó cho thấy chúng ta chưa xây dựng được thương hiệu sản phẩm mật ong tại thị trường vốn có sức tiêu thụ không thua kém gì thị trường Mỹ.
Cảnh báo về việc mật ong xuất khẩu không đáp ứng các tiêu chuẩn, ông Nicolaus Bieger – chuyên gia quốc tế của dự án EU – Mutrap nhận định, sản phẩm mật ong của Việt Nam thường không đạt về thủy phần nên sản phẩm dễ lên men. Điều này các nhà nhập khẩu EU không muốn.
Ông Lê Thanh Hòa – Phó Giám đốc SPS Việt Nam khẳng định, mật ong là sản phẩm không kém phần quan trọng của ngành chăn nuôi Việt Nam.
Thời gian qua mật ong Việt Nam xuất khẩu nhiều vào Hoa Kỳ và EU nhưng vấn đề tiêu chuẩn và an toàn đang gặp khó. Đặc biệt, mật ong Việt Nam chưa đạt tiêu chuẩn về thủy phần, hàm lượng đường...
Vấn đề đặt ra hiện nay là phải cải thiện chất lượng để nâng cao giá trị xuất khẩu. Theo đó, cần áp dụng phương pháp nuôi ong theo tiêu chuẩn VietGap.
Lựa chọn giống ong, cách chăm sóc, thức ăn và cách khai thác mật đảm bảo sản phẩm mật đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu yêu cầu.
Đối với nhà xuất khẩu nên phát huy vai trò dẫn hướng trong chuỗi giá trị (người nuôi – thu mua – nhà xuất khẩu). Kiểm soát chuỗi cung ứng, định hướng chuỗi theo chuẩn EU.