Mỗi ngày, Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an TP HCM nhận hàng chục đơn phản ánh, tố giác tội phạm… liên quan đến rò rỉ thông tin cá nhân trên mạng xã hội và bị các đối tượng lợi dụng để lừa đảo, chiếm đoạt nhiều tài sản có giá trị. Dù vậy, quá trình xử lý đối với tội phạm công nghệ cao lại rất phức tạp do khó xác định trách nhiệm rò rỉ thuộc về ai.
Thủ đoạn cũ, chiêu trò mới
Chị Đ.P.D. (35 tuổi, quê Gia Lai, tạm trú tại phường 2, quận Tân Bình, TP HCM) là một nạn nhân của vấn nạn lừa đảo qua số điện thoại lạ. Dù thủ đoạn lừa đảo qua “sim rác” đã được cơ quan công an cảnh báo từ rất lâu thế nhưng chính chị D. cũng không ngờ có ngày bản thân lại là nạn nhân của tội phạm lừa đảo này.
“Hôm đó, vừa đi làm về, tôi nhận được điện thoại giới thiệu là đơn vị tuyển dụng, biết số điện thoại của tôi do có để lại thông tin trên web tìm kiếm việc làm. Lúc này, tôi chỉ mang máng có lần đăng tin tìm việc trên mạng xã hội facebook nên đã không cảnh giác” - chị D. kể lại.
Tiếp tục dẫn dụ, nhân viên này cho biết đang cần tuyển số lượng 20 người làm việc thời vụ “cắt tem quần áo”. Thấy công việc phù hợp nên chị D. không do dự đã đăng ký. Sau đó, một nhân viên khác tự xưng là kế toán công ty tuyển dụng yêu cầu ứng viên cung cấp thông tin cá nhân và kèm phí hồ sơ 500.000 đồng. Chị D. thực hiện theo hướng dẫn và đã bị lừa chuyển tiền cho các đối tượng. “Tôi liên hệ để hẹn thời gian làm việc nhưng số điện thoại đó đã khóa. Biết bị lừa đảo nhưng do số tiền nhỏ nên tôi không tố giác tội phạm” - chị D. chia sẻ.
Không riêng trường hợp nạn nhân bị lừa qua điện thoại, Công an quận 5 (TP HCM) mới đây đã tiếp nhận và làm việc với 5 phụ huynh học sinh trình báo bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tổng số tiền gần 350 triệu đồng.
Vẫn là thủ đoạn cũ nhưng với chiêu trò mới. Một phụ huynh có con đang theo học tại Trường Quốc tế Việt Úc đóng trên địa bàn quận 10 (TP HCM) cho biết, ban đầu một số điện thoại người xưng là thầy giáo của Trường Việt Úc thông báo việc con của họ đang được cấp cứu tại BV Chợ Rẫy (TP HCM). Nghe thông tin nguy hiểm đến tính mạng của con em mình, phụ huynh này là một trong 3 phụ huynh đã chuyển tiền (tổng cộng 160 triệu đồng) vào một tài khoản cá nhân theo dẫn dụ của đối tượng lừa đảo. Ngoài ra, Công an TP HCM cũng cho biết, liên quan đến chiêu trò lừa đảo này còn có ông N. (quận Tân Bình, TP HCM) là bố em M.K. đang học lớp 11 ở một trường quốc tế thuộc quận 7 cũng bị mất 200 triệu đồng. Theo cơ quan công an, đặc điểm chung của các vụ lừa đảo là xuất phát từ rò rỉ thông tin số điện thoại, email, danh tính cá nhân của cá nhân, tổ chức. Dẫn tới, các tội phạm công nghệ cao lợi dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Liên quan đến thủ đoạn lừa đảo đối với phụ huynh, học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cũng đã phối hợp với công an để có văn bản lưu ý các trường phổ thông hướng dẫn phụ huynh khi nhận điện thoại có dấu hiệu lừa đảo cần thông tin đến lực lượng chức năng để hỗ trợ và không được chuyển tiền cho bất kỳ cá nhân nào yêu cầu qua mạng viễn thông hoặc mạng xã hội.
Thận trọng cung cấp thông tin cá nhân
Theo Đại úy Huỳnh Đỗ Tấn Thịnh - Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP HCM, hiện tại mỗi ngày, Phòng Cảnh sát hình sự của Công an thành phố tiếp nhận từ 20 - 30 đơn phản ánh, tố giác tội phạm có liên quan đến rò rỉ thông tin cá nhân. Đáng chú ý, gần đây nhất xuất hiện nhiều vụ lừa đảo bằng thủ đoạn cũ nhưng có rất nhiều các nạn nhân mới dính phải tội phạm công nghệ cao. Đó là thủ đoạn các đối tượng sử dụng điện thoại gọi thông báo cho phụ huynh việc con em bị tai nạn nhập viện để lừa đảo chuyển tiền viện phí, qua đó chiếm đoạt tài sản của nạn nhân. Cũng theo Đại úy Thịnh, dù các cơ quan chức năng đã cảnh báo nhiều lần về loại hình tội phạm này nhưng với cách thức, chiêu trò ngày càng tinh vi vẫn khiến nhiều người trở thành nạn nhân. “Các đối tượng thường dàn dựng cả một ê kíp, trước tiên là đóng vai giáo viên gọi điện thông báo cho gia đình, sau đó đóng vai bác sĩ của bệnh viện để dẫn dụ. Điều đáng nói, nhiều đối tượng đã sử dụng nhiều thủ đoạn như dùng những lời nói, hình ảnh,… giả mạo để thực hiện hành vi lừa đảo” - Đại úy Thịnh cho hay.
Nói về trách nhiệm của các bên liên quan khi dữ liệu cá nhân bị rò rỉ ra ngoài, ông Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena chia sẻ, trước hết phải xác định xem có thể xuất phát từ bản thân cá nhân phụ huynh, học sinh, người dùng mạng xã hội đã vô tình cung cấp thông tin trên các mạng xã hội hoặc website, ứng dụng TikTok hoặc các trò chơi điện tử, game online,…Đây là nơi mà các nhóm đối tượng tội phạm công nghệ cao dễ dàng thu thập, khai thác thông tin sử dụng vào mục đích lừa đảo.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Ninh - nguyên giảng viên Đại học Bách khoa TP HCM cho rằng, ngoài rò rỉ thông tin cá nhân từ bản thân người dùng mạng xã hội thì một phần là rò rỉ từ thông tin ngân hàng hoặc các cơ quan lưu trữ thông tin cá nhân của người dùng nên trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong bảo mật thông tin cá nhân cũng phải đặc biệt được coi trọng. Thời gian qua, các ngân hàng liên tục đưa ra khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không truy cập vào các liên kết (link) từ email, tin nhắn SMS... để bảo mật thông tin cá nhân, tránh mất tiền oan cho thấy, đây cũng là lĩnh vực dễ bị rò rỉ thông tin.
Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP HCM, đối với loại hình tội phạm công nghệ cao hết sức phức tạp, tinh vi. Nhiều vụ án khi điều tra, các đối tượng nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam khiến rất khó khăn để truy quét. Hiện, cơ quan công an đang tiếp tục xác minh, điều tra làm rõ trong một số vụ án. Qua thực trạng này, đại diện Công an TP HCM cảnh báo, hiện nay các cơ quan, tổ chức như công an, bệnh viện, trường học không làm việc qua điện thoại. Do đó, người dân cần hết sức cảnh giác, hạn chế cung cấp thông tin cá nhân trên không gian mạng, đồng thời không chuyển tiền cho bất cứ ai khi chưa rõ về đối tượng, không cung cấp mã OTP và các thông tin cá nhân khác cho bất cứ ai. Khi nghi vấn mình bị lừa đảo, người dân phải kịp thời báo công an hoặc các cơ quan chức năng có liên quan để kịp thời xử lý, giải quyết.