Hải sản chết bất thường thời gian gần đây đã ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân miền Trung. Chia sẻ với những khó khăn của ngư dân, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã quyết định hỗ trợ ngư dân 4 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế mỗi tỉnh 1 tỷ đồng. Để số tiền hỗ trợ đến tay ngư dân kịp thời, những ngày qua, TS Lê Bá Trình, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ nhiệm Chương trình Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường đã dẫn đầu đoàn công tác của Uỷ ban Trung ương Mặt trận
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Bá Trình đến thăm ngư dân xã Đức Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) (Ảnh: Xuân Thi).
Khó khăn chồng chất
Trong cuộc làm việc với đoàn công tác của UBTƯ MTTQ Việt Nam vào chiều 3-5, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Hà Tĩnh Từ Văn Diện cho biết, từ ngày 6 đến 18/4, tại khu vực ven biển thuộc thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt không rõ nguyên nhân.
Trong đó, các loại thủy sản nuôi trồng chết khoảng 82 tấn, gồm: cá 8 tấn, tôm thẻ chân trắng 7 tấn, ngao 67 tấn. Thiệt hại ước tính khoảng 4,71 tỷ đồng. Các loại thủy, hải sản tự nhiên chết trôi dạt vào bờ đã thu gom, chôn lấp khoảng 10 tấn.
Sau ngày 24/4 phát hiện cá nuôi lồng bè, ngao, cá tự nhiên chết rải rác trôi dạt vào bờ nhưng số lượng ít, không đáng kể. Đến nay không còn hiện tượng cá chết bất thường.
Sau Hà Tĩnh, đến lượt Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế bị ảnh hưởng. Về kinh tế, Quảng Bình, thiệt hại lên tới hơn 175 tỷ đồng, Quảng Trị thiệt hại 134,91 tỷ đồng (trong đó thiệt hại về thủy hải sản là 42,9 tỷ đồng; nuôi trồng thủy sản 4,86 tỷ đồng; dịch vụ du lịch là 45,55 tỷ đồng; nguy cơ tiếp tục thiệt hại là 41,6 tỷ đồng)…
Thủy, hải sản chết hàng loạt không rõ nguyên nhân đã để lại những hệ lụy đáng buồn cho hàng nghìn ngư dân miền Trung. Giờ đây, khó khăn đang đè nặng trên vai không chỉ của những người dân trực tiếp đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản mà những ngành nghề “ăn theo” như du lịch, dịch vụ.
Theo ông Hoàng Đức Thắng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Trị, thời gian qua, từ ngày 16/4 tại các xã ven biển tỉnh Quảng Trị xảy ra hiện tượng cá biển chết trôi dạt vào bờ chủ yếu là các loại cá ở rạn đáy, và theo số liệu thống kê thì đã có hơn 34,5 tấn cá chết, số chủ hộ tàu thuyền bị ảnh hưởng là 2.290 tàu kéo theo thiệt hại cho nhiều hoạt động giao thương mua bán và phát triển du lịch.
Quảng Bình cũng là địa phương phải chịu nhiều thiệt hại bởi tình trạng cá chết hàng loạt. Thời gian qua, để giúp ngư dân sớm ổn định tình hình, tỉnh Quảng Bình đã hỗ trợ 2.800 tàu cá đánh bắt gần bờ với số tiền 1 triệu đồng/tàu; đảm bảo thu mua hải sản được đánh bắt tại các ngư trường xa, đồng thời hỗ trợ 20% giá mua; hỗ trợ các ngư dân 500 tấn gạo để cứu đói.
Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình đã trích Quỹ cứu trợ 500 triệu đồng để hỗ trợ kịp thời 1.660 suất quà cho các hộ ngư dân nghèo ở 6 huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh nhằm giúp bà con vượt qua khó khăn.
Ông Trần Văn Tuân, Chủ tịch ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình đã đến hỏi thăm, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con ngư dân và các kiến nghị, đề xuất của lãnh đạo một số vùng bị ảnh hưởng nặng nề. Trong các chuyến đi, ông Tuân luôn động viên bà con ngư dân bình tĩnh, ổn định an ninh trật tự; không thu gom cá chết để tiêu thụ trên thị trường hoặc làm thức ăn cho vật nuôi.
Tấm lòng người Mặt trận
Giữa nắng chiều gay gắt, cùng với đoàn công tác, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Bá Trình đã tới thăm 3 hộ ngư dân ở xã Đức Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình). Đây là những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, cuộc sống phụ thuộc vào chiếc thuyền nan đi lộng.
Trong cuộc trò chuyện với Phó Chủ tịch Lê Bá Trình, ngư dân Hồ Thanh Mọ (xã Đức Trạch) chia sẻ “ở đây (xã Đức Trạch), hầu hết người dân đều đi biển, bám biển để mưu sinh. Gia đình nào có điều kiện, sức khỏe thì đi khơi xa, còn gia đình em đang khó khăn nên sống nhờ chiếc thuyền nan. Mấy ngày ni, trước hiện tượng cá biển chết dạt vào bờ, vợ chồng em đành kéo thuyền nan lên bờ nên cuộc sống rất vất vả”.
Lắng nghe tâm tư của bà con, đồng cảm trước những khó khăn mà ngư dân đang gặp phải, Phó Chủ tịch Lê Bá Trình chia sẻ “Đảng, Nhà nước và Mặt trận không để hộ ngư dân nào phải đói bữa trước khó khăn này. Bà con ngư dân hãy yên tâm, bình tĩnh, sát cánh cùng với chính quyền địa phương khắc phục hậu quả, đồng thời vượt khó vươn lên”.
Những lời động viên, chia sẻ cùng những món quà của Mặt trận các cấp đã giúp ngư dân an tâm để ổn định cuộc sống, tiếp tục vươn khơi, bám biển.
Cần giải pháp lâu dài
Ngay từ khi phát hiện thủy, hải sản chết hàng loạt, các tỉnh đã vào cuộc nắm bắt tình hình, phản ánh lên cơ quan cấp trên tháo gỡ khó khăn cho ngư dân bị thiệt hại. Mặt trận và các tổ chức thành viên cùng chung tay, góp sức hỗ trợ nhân dân vùng ảnh hưởng.
Về phía Hà Tĩnh, bước đầu địa phương này đã hỗ trợ các đối tượng nuôi trồng bị thiệt hại 750 triệu đồng; hỗ trợ cho ngư dân vùng bị thiệt hại do hiện tượng cá chết bất thường 15 kg gạo/người/tháng, trong thời gian 45 ngày. Đến ngày 1/5 đã cấp phát hơn 553 tấn gạo hỗ trợ cho ngư dân vùng bị thiệt hại, trong đó thị xã Kỳ Anh hơn 393 tấn, huyện Kỳ Anh hơn 160 tấn.
Về công tác triển khai mua cá cho người dân theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, đến 11h ngày 1/5, các đơn vị tại Hà Tĩnh đã thu mua được 55 tấn hải sản cho ngư dân. Đồng thời dự thảo các chính sách hỗ trợ ngư dân theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thực hiện đồng bộ các giải pháp xử lý sự việc, đã công bố các chỉ số môi trường biển 1 ngày 2 lần, đặc biệt tại các khu du lịch ven biển.
Quá trình đồng hành với người dân bị thiệt hại do sự cố thủy hải sản chết hàng loạt những ngày qua, đội ngũ những người làm công tác Mặt trận tại Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế thấu hiểu những tâm tư, nguyện vọng của người dân.
Thông qua đoàn công tác của UBTƯ MTTQ Việt Nam, MTTQ các tỉnh trên đề nghị Chính phủ cần có những giải pháp lâu dài để ổn định đời sống cho nhân dân.
Theo ông Từ Văn Diện, Chính phủ cần bổ sung nội dung chính sách tiêu hủy hải sản không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hỗ trợ gia đình nghèo, gia đình chính sách ở trong các làng nghề đánh bắt hải sản ven biển có làm dịch vụ hậu cần nghề cá.
Hà Tĩnh cần đầu tư trạm quan trắc môi trường độc lập với đầy đủ trang thiết bị để giám sát môi trường các nhà máy, công trình lớn trong KKT Vũng áng nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung. Trước mắt hỗ trợ kinh phí để kết nối mạng trực tuyến từ trạm quan trắc môi trường của tỉnh để phục vụ giám sát 24/24h về các chỉ số môi trường.
Sớm ổn định để chuẩn bị cho ngày bầu cử
Để chung tay, góp sức cùng nhân dân miền Trung bị ảnh hưởng do thủy hải sản chết bất thường, Ban Thường trực UBTƯMTTQ Việt Nam đã quyết định hỗ trợ 4 tỉnh, thành phố (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế) mỗi tỉnh 1 tỷ đồng.
Sau chuyến đi tới 4 tỉnh miền Trung, Phó Chủ tịch Lê Bá Trình nhận định việc hải sản chết bất thường trong thời gian gần đây là một sự cố đáng tiếc, chưa có tiền lệ. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị 4 tỉnh miền Trung, đặc biệt là sự chung tay, đồng hành của hệ thống Mặt trận và các tổ chức thành viên các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đã kịp thời vào cuộc, ổn định tình hình ngư dân.
“Qua đó chúng ta thấy được trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, Mặt trận và các tổ chức thành viên đã đồng hành, chia sẻ khó khăn với nhân dân, góp phần ổn định cuộc sống người dân. Đặc biệt là ổn định tình hình ngư dân để hướng tới ngày hội bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021”, Phó Chủ tịch Lê Bá Trình nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Bá Trình, Chủ nhiệm Chương trình Toàn dân tham gia bảo vệ Môi trường: Cần giải pháp lâu dài để bảo vệ môi trường biển Sau những ngày về gặp trực tiếp ngư dân, tôi hết sức chia sẻ với những khó khăn, thiệt hại mà ngư dân từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đang gặp phải do sự cố môi trường này. Hiện nay, đời sống nhân dân bị ảnh hưởng lớn nhất đó là thủy sản đánh bắt được ít và khó tiêu thụ, môi trường biển bị ảnh hưởng khiến đời sống nhân dân bị xáo trộn. Trách nhiệm của cả hệ thống chính trị là phải giải quyết được những vấn đề này để an dân. Qua sự cố này thấy được trách nhiệm của cả hệ thống chính trị ở các địa phương đã cùng nhau vào cuộc để giải quyết sự cố, đặc biệt là Mặt trận và các tổ chức thành viên đã phối hợp thực hiện các giải pháp ổn định đời sống nhân dân. Tuy nhiên về góc độ khoa học công nghệ để giải quyết căn cơ sự việc ở địa phương thì chưa có đủ khả năng, phải chờ các cơ quan chức năng ở Trung ương và các nhà khoa học. Người dân đang chờ kết luận chính thức về nguyên nhân cũng như giải pháp lâu dài, làm thế nào để đảm bảo môi trường biển, ổn định nguồn thủy hải sản được trở lại như ngày xưa để bà con phát triển đánh bắt và nuôi trồng, đồng thời là điều kiện để góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của đất nước. |