Ngày 18/1, tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ công tác Mặt trận năm 2022, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh đã nhấn mạnh tới một số điểm mới của Nghị định 93 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Thông tin về những điểm mới trong Nghị định này, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, đối với đối tượng áp dụng, Nghị định đã bổ sung thêm những nội dung mà Nghị định 64 chưa đề cập. Trong đó quy định rõ các tổ chức, cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện.
Theo đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam kêu gọi, vận động; Ban Vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện (là tổ chức do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp thành lập - sau đây gọi là Ban Vận động) tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố.
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố. UBND cấp xã tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khi được UBND cấp huyện ủy quyền theo quy định của pháp luật.
Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai vận động, tiếp nhận đóng góp tự nguyện từ quốc tế trong các tình huống khẩn cấp về thiên tai. Các cơ quan thông tin đại chúng, cơ sở y tế vận động, tiếp nhận và hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Các quỹ từ thiện quy định tại Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện (sau đây gọi là quỹ từ thiện) vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố, hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có tư cách pháp nhân tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Nghị định 93 cũng nghiêm cấm việc phân phối, sử dụng sai mục đích, không đúng thời gian phân phối, đối tượng được hỗ trợ từ nguồn đóng góp tự nguyện; Lợi dụng công tác vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để thực hiện các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Ngoài các nội dung chi hỗ trợ theo Điều 11, Nghị định số 64, thì Nghị định 93 bổ sung các nội dung hỗ trợ bao gồm (Điều 11, Nghị định 93): Hỗ trợ hộ phải di dời nhà ở khẩn cấp do nguy cơ từ thiên tai, sự cố để ổn định đời sống của người dân; Hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, hàng hóa cần thiết để phòng, chống dịch bệnh; Hỗ trợ sửa chữa, khôi phục công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, thông tin, thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, điện lực, trường học, cơ sở y tế và công trình hạ tầng thiết yếu khác bị thiệt hại; Hỗ trợ tiền ăn và chi phí phục vụ sinh hoạt cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, sự cố; các đối tượng phải áp dụng biện pháp cách ly y tế trong thời gian cách ly y tế; người dân gặp khó khăn do phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các khoản hỗ trợ khác do UBND cấp tỉnh quyết định.
Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn công tác vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện hỗ trợ Nhân dân và các địa phương bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, sự cố.
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh, Nghị định 93 ra đời thay thế nghị định số 64 đã tạo ra cơ sở pháp lý đầy đủ để MTTQ Việt Nam triển khai công tác kêu gọi, vận động hỗ trợ Nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố nghiêm trọng; Nghị định cũng đã quy định MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội tổ chức giám sát các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện Nghị định số 93.
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố cần triển khai hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trong hoạt động cứu trợ theo quy định tại Nghị định số 93; Tổ chức kêu gọi, vận động, hỗ trợ Nhân dân khắc phục hậu quả thiệt hại do mưa lũ, sự cố, dịch bệnh…; Tổ chức, hướng dẫn triển khai công tác giám sát việc tổ chức vận động, hỗ trợ Nhân dân của các tổ chức, cá nhân theo quy định tại Nghị định số 93; triển khai kiểm tra hoạt động hỗ trợ Nhân dân cua Ủy ban MTTQ cấp dưới; đồng thời chủ trì, phối hợp xây dựng quy chế phối hợp với các cơ quan liên để triển khai thực hiện Nghị định 93.