"Tôi nghĩ, Mặt trận nên tôn trọng việc chọn lựa những người đúng tiêu chuẩn, còn họ có làm đúng với tư cách ĐBQH hay không thì còn phụ thuộc vào sự rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu theo nhiệm vụ của mình” - ông Trần Hoàng Thám nhấn mạnh.
Ông Trần Hoàng Thám.
Quá trình hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu ĐBQH đang được Mặt trận các cấp triển khai khẩn trương. Tuy nhiên, trong kỳ bầu cử ĐBQH lần này điều mà cử tri quan tâm nhất đó là làm sao tìm được những người có đủ điều kiện để thực hiện nhiệm vụ của người ĐBQH.
Ông Trần Hoàng Thám, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng 3 lần hiệp thương để có một danh sách ĐBQH giới thiệu tới cử tri không chỉ là nhiệm vụ hàng đầu mà còn là nhiệm vụ rất nặng nề của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam và UBMTTQ các tỉnh, thành trong việc chọn người giới thiệu.
Theo ông Trần Hoàng Thám, việc này phải bám vào quy định của Luật, tuy nhiên điều quan trọng không chỉ là những tiêu chuẩn của Luật, không phải chỉ là cơ cấu, thành phần mà trong điều kiện hiện nay phải tìm được những người có điều kiện để thực hiện nhiệm vụ của người ĐBQH.
Cơ cấu lần này cố gắng giảm bớt những người có tiêu chuẩn tốt nhưng không có điều kiện hoạt động hoặc hoạt động ít. Ví dụ, các cơ quan hành pháp nên tham gia Quốc hội ít vì điều kiện về cơ sở vật chất và những nhiệm vụ chính trị - xã hội của họ rất khó có thời gian để thực hiện nhiệm vụ của ĐBQH.
“Ngược lại, chúng ta phải nâng số đại biểu thuộc các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan chuyên ngành về luật pháp như Hội Luật gia, Văn phòng Luật sư, những đơn vị kinh tế…”, ông Trần Hoàng Thám khẳng định.
Nói về cơ cấu của Quốc hội khóa tới, ông Trần Hoàng Thám khẳng định, chúng ta cũng không nên “chăm bẵm” như xưa, đó là đảm bảo các thành phần gồm nam, nữ, dân tộc… Tất nhiên, việc này chúng ta phải kế thừa nhưng cuộc sống đặt ra hiện nay là cơ cấu ĐBQH trên cơ sở tiêu chuẩn, điều kiện hoạt động và cơ cấu đó phản ánh được tầm trí tuệ của đông đảo nhân dân.
Muốn như vậy, chúng ta phải có các thành phần như đội ngũ trí thức, các nhà khoa học, đặc biệt phải tăng thêm người ngoài Đảng. Hiện nay nếu chúng ta có khoảng 500 ĐBQH thì người ngoài Đảng cũng nên có ít nhất khoảng 100 người.
“Vì dân tộc mình có rất nhiều người con ưu tú nhưng vì lý do này, lý do khác họ chưa vào Đảng chứ không phải họ yêu nước ít hơn đảng viên, cũng không phải trình độ của họ thấp hơn bất kỳ người đảng viên nào cho nên việc này không chỉ phản ánh bộ mặt, sức mạnh của ĐBQH mà là sức mạnh của lòng dân” - ông Trần Hoàng Thám nhấn mạnh.
Để MTTQ Việt Nam phát huy vai trò trong các hội nghị hiệp thương nhằm hạn chế những đại biểu kém chất lượng, ông Trần Hoàng Thám cho rằng, việc này Mặt trận phải làm hết trách nhiệm, phải căn cứ vào tiêu chuẩn và thực hiện quyền giám sát của mình.
Nhưng cũng theo ông Thám, ĐBQH cũng là con người, có khi được giới thiệu ra họ đủ tiêu chuẩn nhưng trong quá trình lao động họ không rèn luyện hoặc một lý do nào đó mà không giữ được phẩm chất thì chúng ta đưa ra bãi miễn tư cách ĐBQH.
“Đây là việc không vui nhưng cũng là việc bình thường vì cuộc sống không có gì là tuyệt đối. Tôi nghĩ, Mặt trận nên tôn trọng việc chọn lựa những người đúng tiêu chuẩn, còn họ có làm đúng với tư cách ĐBQH hay không thì còn phụ thuộc vào sự rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu theo nhiệm vụ của mình” - ông Thám nhấn mạnh.
Vì vai trò của Mặt trận ở đây là giám sát, giám sát trong quá trình hiệp thương, giám sát trong quá trình bầu cử và giám sát luôn hoạt động của Quốc hội. Việc này trong Hiến pháp đã cho phép và trong cương lĩnh cũng đã nêu nhưng muốn làm được cán bộ Mặt trận phải đủ bản lĩnh, phải có trình độ, điều kiện cần thiết và với điều kiện này, ông Trần Hoàng Thám tin rằng, “Đảng sẽ mở đường, Chính phủ cũng sẽ tạo điều kiện”.
Tuy nhiên, trong hoạt động để cử tri có thể giám sát được ĐBQH, theo ông Thám, không khó để làm việc đó. Trước hết ĐBQH ở Trung ương hay ĐBQH ở địa phương tái cử hãy để họ về đơn vị cũ, đơn vị mà được bầu kỳ trước vì ở đó cử tri hiểu đại biểu quá rõ và họ cũng chính là những người bỏ lá phiếu để bầu những vị đó.
Với những người được tái cử nếu kỳ trước không đáp ứng được nguyện vọng của dân thì kỳ này buộc họ phải có sự thay đổi chiến lược để giúp dân nhiều hơn, nếu không cử tri sẽ không ủng hộ. Ngoài ra, ông Trần Hoàng Thám cũng cho rằng, chúng ta nên tăng thêm về cơ cấu người tự ứng cử. Với đối tượng này, khi Mặt trận đồng ý giới thiệu nhưng người tự ứng cử cũng phải thể hiện bản lĩnh của mình để có thể thắng cử.
Nói về những điểm mới trong kỳ bầu cử ĐBQH kỳ này so với kỳ trước, ông Trần Hoàng Thám nhấn mạnh, Thường vụ Quốc hội lần này cũng bàn một số nội dung mới liên quan đến cơ cấu, đó là cơ quan chuyên trách của Quốc hội được tăng lên.
“Đó là điều đáng mừng vì đây là số lượng người cần thiết chuyên làm việc Quốc hội còn việc số lượng đại biểu thuộc cơ quan hành pháp chưa giảm thì cần phải bàn thêm” - ông Thám khẳng định.