Mặt trận kiến nghị, Chính phủ hành động

Lê Na 14/09/2015 09:15

Cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ngành liên quan tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể từ Thông báo 68 về kết luận Hội nghị thực hiện Quy chế phối hợp công tác của Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015. Đây là minh chứng sống động trong công tác phối hợp: Mặt trận kiến nghị, Chính phủ hành động.

Để làm tốt vai trò là cơ quan đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, hằng năm, Mặt trận đều có các chương trình ký kết quy chế công tác phối hợp với Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước. Mục đích cuối cùng của các chương trình ký kết phối hợp là lo cho dân, đáp ứng những nguyện vọng chính đáng của nhân dân- những tâm tư của nhân dân đã được gửi gắm qua kiến nghị của Mặt trận. Với tinh thần đó, hiệu quả của các chương trình ký kết phối hợp luôn đặt lên hàng đầu.

Năm 2015 dự báo là một năm hiệu quả trong công tác phối hợp giữa Mặt trận và Chính phủ. Cách đây một tháng, tại Hội nghị giao ban rà soát sau 6 tháng thực hiện Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị thực hiện Quy chế phối hợp công tác năm 2015 giữa Ủy ban TW MTTQ Việt Nam và Chính phủ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch- Tổng Thư ký Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim và Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cùng đại biểu hai bên đều khẳng định, chưa khi nào việc thực hiện Kết luận của Thủ tướng lại được triển khai đồng bộ như lần này, điều này thể hiện cao độ cho tinh thần đại đoàn kết giữa hai bên cơ quan.

Hội nghị rà soát khẳng định: 9/10 đầu việc được hai bên cơ quan phối hợp thực hiện tốt theo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ . Trong đó, nổi bật là việc phối hợp giữa Mặt trận và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội trong cuộc Tổng rà soát chính sách cho người có công với cách mạng - đang bước vào giai đoạn 2 với nhiều hiệu quả thiết thực.

Vì thông qua cuộc Tổng rà soát này, lần đầu tiên có hơn 2 triệu đối tượng người có công được rà soát và con số mới nhất được đưa ra là hơn 96% người hưởng đúng chính sách. Cũng lần đầu tiên, cuộc Tổng rà soát đã xác định số lượng hưởng đúng mà chưa đủ là 3,6% với hơn 75 ngàn người. Số người hưởng sai là 2.901 người chiếm 0,14%, riêng về số lượng này công tác xử lý đã được tiến hành ngay.

Ngoài ra hơn 64 ngàn người cũng đang làm hồ sơ để xem xét được hưởng. Công tác xử lý được các địa phương, cơ quan, đặc biệt là Bộ Lao động Thương binh và Xã hội xem xét giải quyết như một nhiệm vụ tiên quyết cho công tác hậu rà soát.

Cùng với đó, trong thời gian qua, Mặt trận đã tổ chức nhiều đoàn giám sát độc lập do các vị trong Ban Thường trực dẫn đầu tiến hành giám sát việc Tổng rà soát chính sách cho người có công tại nhiều địa phương.

Theo Phó Chủ tịch- Tổng Thư ký Vũ Trọng Kim, đối tượng khó nhất trong cuộc Tổng rà soát là thanh niên xung phong và người có công bị mất giấy tờ.

Từ thực trạng này, phía Mặt trận đề nghị, để đảm bảo cho quyền lợi chính đáng của người có công, đối với những người bị thất lạc giấy tờ, các cấp, các ngành, đặc biệt là cấp ủy địa phương phải chịu trách nhiệm về việc này.

Làm thế nào để nhanh chóng xác nhận đúng người có công, bằng cách lấy xác nhận của những nhân chứng sống- người cùng chiến đấu với họ, thậm chí lấy ý kiến nhân dân ở địa phương đó. Nếu không tiến hành làm nhanh thì ngay cả những nhân chứng sống cũng không còn nữa vì hầu hết đều đã già yếu.

Kiến nghị đó cùng nhiều kiến nghị của Mặt trận như tiếp tục nghiên cứu, khảo sát mô hình các trường, cơ sở dạy nghề, cơ sở chăm sóc sức khoẻ cho người nghèo, người tàn tật, người nhiễm HIV/AIDS, bệnh phong, tâm thần... của các tổ chức tôn giáo để có cơ chế, chính sách nhân rộng các mô hình này; việc hướng dẫn các Điều 82,83 của Luật Đầu tư công năm 2014 về giám sát đầu tư của cộng đồng, đặc biệt việc xây dựng Nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam về phối hợp trong việc giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, trên cơ sở đề xuất của Ban Thường trực Ủy ban TW MTTQ Việt Nam… đều được Văn phòng Chính phủ tiếp thu đầy đủ.

Và kết luận mới nhất của Thủ tướng Chính phủ về việc yêu cầu các bộ ngành cần tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ nói trên cho thấy tinh thần làm việc khẩn trương, trách nhiệm của Chính phủ đối với những kiến nghị của Mặt trận.

Còn nhớ, vẫn tinh thần này, cách đây 2 tháng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 19 về đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Hợp tác xã 2012.

Với chức năng giám sát của Mặt trận, trong gần 1 năm qua, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam đã dẫn đầu nhiều đoàn công tác của Trung ương khảo sát nhiều mô hình hợp tác xã trong và ngoài nước.

Cũng chính từ những chuyến khảo sát này, người đứng đầu Mặt trận đã đăng đàn nhiều lần từ nghị trường Quốc hội, đến các cuộc họp thường kỳ của Chính phủ và trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng để bàn về câu chuyện: Hợp tác xã kiểu mới- một trong những bài toán nhằm gỡ khó cho nông nghiệp.

Nỗ lực của người đứng đầu Mặt trận đã tạo nên hiệu ứng và lan tỏa tại kỳ họp Quốc hội, trong các phiên họp Chính phủ, khi nhiều đại biểu bày tỏ sự đồng tình.

Tiếp thu những kiến nghị của Mặt trận đồng thời để bảo đảm Luật Hợp tác xã 2012 được triển khai một cách hiệu quả và thực sự phát huy hiệu lực trong thực tiễn, trong Chỉ thị số 19, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đề nghị MTTQ Việt Nam tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về Hợp tác xã. Trong đó nhấn mạnh tới việc nhân rộng các mô hình HTX hoạt động có hiệu quả; Tạo điều kiện cho HTX hưởng các chính sách hỗ trợ; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật HTX.

Như vậy, từ Chỉ thị số 19 đến Kết luận mới nhất của Thủ tướng về việc tiếp tục thực hiện Thông báo số 68, thêm một lần nữa khẳng định tinh thần của công tác phối hợp giữa hai bên: Mặt trận kiến nghị, Chính phủ hành động.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mặt trận kiến nghị, Chính phủ hành động