Mặt trận kiến nghị không quy định tổ chức hội nghị cử tri nơi cư trú

Dạ Yến - Vũ Mạnh Ảnh: Hoàng Long 28/06/2016 10:48

Mặt trận kiến nghị không quy định tổ chức hội nghị cử tri nơi cư trú để lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm đối với người có tên trong danh sách sơ bộ ứng cử đại biểu HĐND cấp xã do thôn, tổ dân phố giới thiệu vì sau hội nghị hiệp thương lần thứ hai những người này đã được cử tri thôn, tổ dân phố góp ý, tín nhiệm để giới thiệu ứng cử rồi.

Mặt trận kiến nghị không quy định tổ chức hội nghị cử tri nơi cư trú

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn cho biết, qua tổng kết cuộc bầu cử,
thực tiễn phát sinh một số vấn đề cần sớm được đánh giá, nghiên cứu,
xem xét để hoàn thiện các văn bản pháp luật về bầu cử.

Ngày 28/6, tại Hội nghị tổng kết công tác Mặt trận tổ quốc Việt Nam tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn cho biết, qua tổng kết cuộc bầu cử, thực tiễn phát sinh một số vấn đề cần sớm được đánh giá, nghiên cứu, xem xét để hoàn thiện các văn bản pháp luật về bầu cử.

Cụ thể việc ban hành các văn bản hướng dẫn về bầu cử phải đồng bộ, cụ thể, kịp thời, hạn chế tối đa việc dẫn chiếu văn bản, hướng dẫn bổ sung, đính chính văn bản; hệ thống các mẫu biểu cần khoa học, hợp lý, dễ hiểu và thống nhất để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổng hợp kết quả bầu cử. Công tác triển khai, tập huấn bầu cử cũng phải tổ chức sớm để địa phương có thời gian, điều kiện chuẩn bị chu đáo và kịp thời tháo gỡ những vướng mắc phát sinh nếu có.

Cùng với đó cần đổi mới công tác phối hợp dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần chủ động phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội trong việc dự kiến lần thứ nhất cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử đại biểu Quốc hội; Thường trực HĐND cần chủ động phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp trong việc dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử đại biểu HĐND cùng cấp.

Việc sắp xếp những người ứng cử là các chức sắc tôn giáo, người tiêu biểu trong các dân tộc, các nhân sĩ, trí thức trong cùng một đơn vị bầu cử với các cơ cấu thành phần khác đã bộc lộ nhiều bất cập, cần thiết phải có những quy định mới để đảm bảo có một tỷ lệ nhất định những người tiêu biểu trong các dân tộc, tôn giáo, trí thức trong Quốc hội.

Đối với việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về bầu cử, theo Phó Chủ tịch- Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn, Mặt trận đề nghị, sửa đổi Điều 8 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND theo hướng đề cao sự tham gia chủ động của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội trong việc dự kiến lần thứ nhất cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử đại biểu Quốc hội; có cơ chế tham khảo các địa phương trước khi đưa ra bản dự kiến để việc dự kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội sát với tình hình các địa phương.

Sửa đổi Điều 9 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND theo hướng quy định thêm sự tham gia của lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội trong việc dự kiến lần thứ nhất cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử đại biểu HĐND của Thường trực HĐND.

Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND quy định hội nghị hiệp thương lần thứ nhất thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người “được giới thiệu ứng cử” đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trên cơ sở dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND đã gây khó khăn, lúng túng cho Mặt trận khi hiệp thương, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn, đề nghị sửa đổi Luật quy định theo hướng hội nghị hiệp thương lần thứ nhất thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người “được bầu” để tháo gỡ khó khăn cho công tác hiệp thương.

Quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND về việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh lần thứ hai về cơ cấu, thành phần, số lượng sau Hội nghị hiệp thương lần thứ hai ở trung ương và địa phương trong thực tế không thể thực hiện được.

Nếu có sự điều chỉnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau hội nghị hiệp thương lần thứ 2 thì lúc này đã hết thời hạn nộp hồ sơ ứng cử.

Trước thực tế đó, Mặt trận kiến nghị không quy định tổ chức hội nghị cử tri nơi cư trú để lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm đối với người có tên trong danh sách sơ bộ ứng cử đại biểu HĐND cấp xã do thôn, tổ dân phố giới thiệu vì sau hội nghị hiệp thương lần thứ hai những người này đã được cử tri thôn, tổ dân phố góp ý, tín nhiệm để giới thiệu ứng cử rồi.

Về việc vận động bầu cử, ông Trần Thanh Mẫn cũng cho rằng, cần có quy định cụ thể về cách thức, số lượng các hội nghị tiếp xúc cử tri, tránh sự chênh lệch quá lớn giữa các địa phương.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế phát hiện và xử lý những trường hợp người ứng cử vi phạm quy định về vận động bầu cử.

Đặc biệt việc cùng một lúc mỗi cử tri sử dụng 4 lá phiếu để lựa chọn trong danh sách khoảng trên dưới 20 người ứng cử (bao gồm người ứng cử đại biểu Quốc hội và người ứng cử đại biểu HĐND) đã khiến nhiều cử tri khó có điều kiện để nghiên cứu một cách đầy đủ, kỹ lưỡng về tất cả những người ứng cử nên khó tránh khỏi việc tùy tiện khi lựa chọn.

Vì vậy, theo Phó Chủ tịch- Tổng Thư ký cần nghiên cứu để tổ chức cuộc bầu cử cũng như cách thức bầu cử đảm bảo cho cử tri có điều kiện tốt nhất trong việc lựa chọn những người xứng đáng để bầu ra người đại biểu đại diện cho mình.

Đối với một số nội dung trong thực hiện quy trình hiệp thương, Mặt trận cũng kiến nghị cần được hướng dẫn chi tiết hơn như: Thành phần hội nghị ban lãnh đạo mở rộng giới thiệu người ứng cử; việc lấy ý kiến cử tri đối với các chức sắc tôn giáo; việc lấy ý kiến cử tri nơi làm việc đối với người ứng cử là chủ đơn vị kinh tế tư nhân, hộ gia đình; quy định đối với người ứng cử có tỷ lệ tín nhiệm của cử tri nơi công tác hoặc nơi cư trú dưới 50% thì xử lý như thế nào..v..v…

Về người tự ứng cử, ông Trần Thanh Mẫn đề nghị cần nghiên cứu bổ sung quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND có trách nhiệm dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng phù hợp với tình hình địa phương đối với người tự ứng cử để đảm bảo công bằng và hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo.

“Đề nghị cần nghiên cứu bổ sung thêm quy định về việc người Việt Nam ở nước ngoài được tham gia bầu cử. Trước hết có thể thí điểm để công dân Việt Nam đang công tác hoặc làm việc tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài được bầu cử đại biểu Quốc hội”, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Cũng theo ông Trần Thanh Mẫn, Luật cần có quy định làm rõ hơn về việc 1 người có thể đồng thời ứng cử HĐND các cấp ở 2 địa phương khác nhau; về việc quản lý phiếu bầu, tránh trường hợp mang phiếu ra khỏi khu vực bên trong phòng bỏ phiếu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mặt trận kiến nghị không quy định tổ chức hội nghị cử tri nơi cư trú

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO