Ngày 7/10, tại TP HCM, ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam đã chủ trì Hội nghị lắng nghe tình hình tâm tư nguyện vọng các tầng lớp nhân dân khu vực các tỉnh phía Nam. Tại đây, các đại biểu đã cung cấp nhiều thông tin và đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến những bức xúc, nguyện vọng của nhân dân.
Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn tại hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn khái quát cơ bản về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước; những kết quả công tác của Ủy ban MTTQ các cấp trong 9 tháng đầu năm 2016 cũng như về tâm tư, tình cảm, mối quan tâm tập trung của nhân dân quý III năm 2016.
Theo đó, tăng trưởng kinh tế nước ta tiếp tục đà phục hồi và phát triển, tính chung 9 tháng đầu năm, GDP ước tăng trưởng 5,93%. Nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi và phát triển, GDP quý sau cao hơn quý trước, lạm phát được kiểm soát.
Những chủ trương công tác theo Nghị quyết Đại hội VIII Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chương trình phối hợp thống nhất hành động của UBTƯ MTTQ Việt Nam năm 2016 đã được UBTƯ MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên triển khai thực hiện với nhiều nội dung, hình thức phong phú, sáng tạo và hiệu quả.
Quang cảnh hội nghị.
Theo Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn, công tác vận động, phát huy tinh thần sáng tạo và ý thức tự quản trong nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh được triển khai thiết thực, hiệu quả hơn ở nhiều địa phương.
Các hoạt động vì người nghèo và công tác vận động hỗ trợ, cứu trợ nhân dân vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, thủy, hải sản chết hàng loạt được triển khai kịp thời, góp phần giúp đỡ nhân dân từng bước ổn định cuộc sống.
UBTƯ MTTQ Việt Nam và 9 tổ chức thành viên đã ký kết và triển khai “Chương trình phối hợp hành động hỗ trợ nhân dân khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng xâm nhặp mặn, hạn hán, thủy hải sản chết hàng loạt”.
Phối hợp tổ chức vận động, phân bổ các nguồn lực hỗ trợ nhân dân cùng thiệt hại. Qua sơ kết bước đầu, sau hơn 3 tháng triển khai thực hiện, các chỉ tiêu cơ bản của Chương trình đều đạt và vượt so với mục tiêu đặt ra như: vận động được trên 213 tỷ đồng, hỗ trợ 193.726 lượt hộ…
Đề cập đến tình hình dư luận trong thời gian qua, ông Nguyễn Minh Hoàng - Hội đồng Tư vấn Kinh tế, UBTƯ MTTQ Việt Nam phản ánh, việc giải quyết ô nhiễm môi trường và hạn hán ở Đồng bằng sông Cửu Long có quan tâm nhưng chậm và chưa có những chính sách thỏa đáng, đủ mạnh để khắc phục hậu quả, đồng thời giải quyết bồi thường và hỗ trợ cho dân cho đầy đủ.
Lãi suất tín dụng còn cao nhưng nhiều DN, nhất là DN vừa và nhỏ, DN nông nghiệp chưa tiếp cận được nguồn vốn, do thủ tục quá phức tạp. Chính sách cho nông nghiệp chưa tốt, đầu tư hạ tầng chưa tương xứng, tiêu thụ sản phẩm, giá cả vẫn luôn bất ổn đối với nông nghiệp nên thu nhập của người nông dân quá bấp bênh.
Tình trạng trộm cắp, cướp của, giết người chưa giảm. Nhiều vụ án rất nghiêm trọng, dã man. Tình hình mua bán, nghiệm ma túy chưa được ngăn chặn.
Ông Đỗ Long-Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam đề nghị, cần tạo lập cho DN một kênh nhằm giải quyết nhanh các thủ tục, bởi hiện nay thủ tục của chúng ta quá rườm rà, trong khi đó nhiều cơ quan và không ít người giải quyết thủ tục đó đã cố tình làm khó DN.
Theo ông Long, “hiện bộ máy của chúng ta rất cồng kềnh nhưng hiệu ứng lại thấp, chúng ta đang chạy theo các nước để hòa nhập vào thị trường thế giới, nhưng chúng ta chạy kiểu này thì còn xa mới kịp, vì vậy cần phải có sự đột phá. Luật của chúng ta thay đổi quá nhanh, làm cho DN cứ chết lên, chết xuống, vì DN lớn bao giờ cũng có kế hoạch 5 năm, 10 nhưng luật thay đổi nhanh như vậy thì kế hoạch của DN bị đảo lộn”.
Đồng quan điểm trên, ông Trương Ty-Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam, cho rằng, những cái gì mở được thì mình mở, không nên mở rồi đóng ngay, thay đổi liên tục như vậy là làm khó cho DN.
“Doanh nghiệp có mạnh thì nhà nước mới mạnh được”.
Ông Ty đề nghị, nhà nước cần tiến hành cải cách các thủ tục hành chính, để các thủ tục được thực hiện nhanh gọn hơn. Bên cạnh đó cần hỗ trợ các DN vay vốn, xoay vòng vốn được nhanh hơn, giúp việc kinh doanh được thuận lợi hơn.
Đề cập đến vấn đề môi trường, Hòa thượng Thích Giác Toàn - Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam, phản ánh rằng, vấn đề này nói nhiều, làm nhiều nhưng rồi đâu lại vào đấy, ô nhiễm vẫn cứ nặng nề, thậm chí nhiều vụ nghiêm trọng hơn như Formosa, Vedan, và nhiều vụ ở TP HCM…
Hòa thượng Thích Giác Toàn đề nghị, Mặt trận cần góp ý bổ sung về Luật tín ngưỡng tôn giáo, đặc biệt là việc công nhận đạo giáo nào thì phải xem xét xem họ có thực sự có giúp ích cho xã hội, cho dân tộc hay không, như vậy để tránh tình trạng lập ra để làm những chuyện không chính đáng, gây hại cho dân, cho nước.
Bà Lương Bạch Vân-Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam, đánh giá, giám sát của Mặt trận vừa qua có nhiều điểm nổi bật, sự phối hợp của các tổ chức thành viên được nhuần nhuyễn hơn.
Bà Vân mong muốn, thời gian tới cần đẩy mạnh hơn về giám sát, đặc biệt là giám sát về môi trường. Mặt trận cần tác động Chính phủ kêu gọi sự hỗ trợ của quốc tế đối với các vấn đề lớn như lũ ở miền Tây, môi trường, biến đổi khí hậu.
Ở góc nhìn của một người am hiểu pháp luật, Luật sư Nguyễn Hữu Danh-Ủy viên Hội đồng Tư vấn Dân chủ pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam, kiến nghị Quốc hội xem lại quy định tại Bộ luật Hình sự và Bộ luật Dân sự, tránh tình trạng “xử sao cũng được”, vì trong các khung có quy định mức dao động, điều này tạo điều kiện cho cơ quan tố tụng xử linh động theo kiểu “yêu” hoặc “ghét”, gây nhiều tiêu cực. ần phải hoàn thiện Luật biểu tình, vì nhu cầu thực tế của tình trạng biểu tình ở Việt Nam là có thật và xảy ra không ít.
Hiến pháp đã có quy định về quyền được biểu tình của nhân dân, vậy tại sao chúng ta chưa hoàn thiện Luật biểu tình để người dân biểu tình đúng pháp luật.
Dưới đây là một số hình ảnh tại Hội nghị lắng nghe tình hình tâm tư nguyện vọng các tầng lớp nhân dân ngày 7/10 tại TP HCM: