Năm 2020, hành trình của người Mặt trận trên mặt trận chống Covid-19 và tổ chức vận động, tiếp nhận ủng hộ, cứu trợ nhân dân bị thiên tai là hành trình của nhiệt huyết và yêu thương.
Đặc biệt, những bài học từ phòng chống dịch bệnh, mà điểm nhấn ở Lời kêu gọi của Mặt trận để đoàn kết lòng người, vững tâm vượt khó sẽ còn giá trị cho đến mai sau. Bởi vượt lên tất cả, là chân lý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Đó là cơ sở để chúng ta tin vào sức mạnh Việt Nam, để đất nước ta vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục phát triển nhanh và bền vững.
Tại Hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ ba, khóa IX, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng ghi nhận, chúc mừng những thành tích mà MTTQ Việt Nam đã đạt được trong năm 2020; đồng thời khẳng định trong những thành công của đất nước có sự đóng góp quan trọng của MTTQ Việt Nam các cấp. Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, trong năm 2020, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên đã chủ động, tích cực tổ chức, vận động, giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân trong phòng, chống dịch Covid-19. Lời kêu gọi “Toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch covid-19” của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân với nhiều hoạt động thiết thực, sáng tạo, lan tỏa tình yêu thương, hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với người dân bị ảnh hưởng do đại dịch xuất hiện ở khắp mọi miền đất nước. Công tác vận động, tiếp nhận và phối hợp phân bổ các nguồn lực ủng hộ công tác phòng, chống dịch được triển khai kịp thời, chặt chẽ. Bên cạnh đó, việc tổ chức các hoạt động vì người nghèo, cứu trợ nhân dân các địa phương bị ảnh hưởng do thiên tai tiếp tục được triển khai và đạt kết quả tích cực...Thông qua các hoạt động nêu trên, không chỉ là giá trị về vật chất, mà còn thể hiện tinh thần tương thân, tương ái của nhân dân ta, là uy tín, năng lực tập hợp của MTTQ Việt Nam các cấp trong tổ chức các cuộc vận động.
1. Trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19, Mặt trận đã vào cuộc ngay từ những ngày đầu Việt Nam có ca lây nhiễm đầu tiên. Ngày 30/3/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sỹ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết bảo đảm chiến thắng đại dịch Covid-19. Ngày 1/4, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc.
Trên tinh thần chỉ đạo kịp thời quyết liệt của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ, MTTQ Việt Nam đã chủ động “kích hoạt” toàn hệ thống tham gia phòng chống đại dịch Covid-19. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, hệ thống Mặt trận các cấp đã nỗ lực vào cuộc để biến hơn 100 ngàn khu dân cư trong cả nước thành những “pháo đài” phòng chống dịch.
Nếu như những ngày đầu, Mặt trận và các tổ chức thành viên tập trung làm công tác tuyên truyền thì những ngày tiếp theo bắt đầu thực hiện các giải pháp vừa là tuyên truyền nhưng cũng vừa là người thực hiện vận động ủng hộ, giám sát phân bổ các nguồn lực đảm bảo đúng địa chỉ, không để xảy ra sai sót.
Ngày 17/3, được sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương Đảng và thống nhất của Thủ tướng Chính phủ, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức Lễ phát động toàn dân phòng chống dịch Covid-19. Cũng tại đây, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ra Lời kêu gọi Toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19.
Từ ngôi nhà 46 Tràng Thi, lời kêu gọi của Mặt trận đã một lần nữa khơi dậy tinh thần đoàn kết của cả dân tộc để mở đầu cho hàng loạt phong trào chung tay ủng hộ công tác phòng chống dịch trên toàn quốc. Trên khắp mọi miền đất nước từ phố thị cho đến làng quê, hay những vùng sâu, vùng xa còn nhiều gian khó, người với người gần gũi nhau hơn để vượt qua khó khăn chung.
Có những tập đoàn, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị ủng hộ từ hàng trăm triệu cho đến hàng tỷ đồng, có những người là Việt kiều xa quê hương nhờ người thân đến ủng hộ, cũng có những cụ già, em nhỏ gom góp số tiền dành dụm của mình để mang đến Mặt trận… tất cả họ đều “tin vào Mặt trận”.
Niềm tin giống như một món quà của cuộc sống. Điều này khiến chúng tôi nhớ tới cuộc hạnh ngộ ấm áp với cụ bà nông dân Triệu Thị Hải, ở dưới chân núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Cụ Hải năm nay đã 90 tuổi, cụ bảo, ngày xưa cả dân tộc đoàn kết đứng lên đánh thắng quân xâm lược thì nay “giặc” Covid đến nhà, noi gương con cháu Vua Hùng, nghèo thì nghèo cũng phải “ra trận”.
Có mấy triệu đồng dành dụm từ tiền nhận Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Ba tính đem ra Mặt trận ủng hộ nhưng cụ Hải lại mang hai kỷ vật quý giá nhất của mình là đôi khuyên tai bằng vàng và 1 đồng bạc hoa xoè là của hồi môn của cha mẹ cho từ năm 1953 khi bà đi lấy chồng.
“ Vì đất nước, tôi không tiếc điều gì. Sở dĩ tôi mang kỷ vật quý giá của mình ủng hộ cho công tác phòng chống dịch là muốn gửi gắm niềm tin của tôi vào Đảng, Chính phủ và Mặt trận trong cuộc chiến này”, cụ Hải hồn hậu nói.
Nhờ sự đoàn kết, đồng lòng của những tấm lòng như cụ Hải, đã có hơn 2.200 tỷ đồng ủng hộ và đăng ký ủng hộ phòng chống dịch Covid-19 thông qua MTTQ Việt Nam các cấp. Nói như Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn thì “đây là con số ủng hộ lớn nhất từ trước đến nay”. Chính sự đồng tâm, hiệp lực, đoàn kết một lòng của đồng bào, cán bộ, chiến sỹ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài đã tạo nên nguồn lực to lớn góp phần cùng Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19.
2. Năm 2020, đất nước không chỉ trải qua biến động lớn từ dịch bệnh bùng phát mà nhiều vùng miền phải đối mặt với biến đổi khí hậu, thiên tai mưa lũ. Trong bối cảnh đầy thách thức đó, Mặt trận lại tiếp tục cuộc hành trình của mình để đoàn kết lòng người đưa đất nước vượt qua gian khó.
Đó là thời điểm vừa thoát cơn đại dịch Covid-19, kinh tế tê liệt, người miền Trung gần như kiệt quệ thì liên tiếp bão, lũ lại giáng xuống mảnh đất vốn còn quá nhiều khốn khó này. Mặt trận lại đứng lên kêu gọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước chung tay ủng hộ đồng bào bị thiên tai, bão lũ khắc phục hậu quả, tái thiết lại cuộc sống.
Những ngày sau bão, theo chân đoàn công tác của Trung ương do ông Trần Thanh Mẫn - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam dẫn đầu về thăm bà con nhân dân xã Bình Phước, huyện Bình Sơn, một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề của tỉnh Quảng Ngãi, chúng tôi thấy vẫn ngổn ngang những gian khó.
Tuy nhiên, với sự vào cuộc kịp thời của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và lực lượng công an, quân đội tại địa phương cùng với bà con nỗ lực dọn dẹp những tàn dư của cơn bão. Những căn nhà bị tốc mái được sửa sang lại, những căn nhà sập được dựng lên từ sự chung tay của chính quyền, nhà hảo tâm cùng bà con lối xóm để các gia đình sớm ổn định lại cuộc sống.
Xúc động nghẹn ngào, bà Nguyễn Thị Nhẫn, trú tại thôn Phú Long, xã Bình Phước có nhà bị hư hỏng hoàn toàn chia sẻ rằng, cơn bão số 9 vừa qua đã làm sập đổ hoàn toàn ngôi nhà. Gia đình bà có 4 nhân khẩu, trong đó có 1 đứa con chậm phát triển trí tuệ, bà Nhẫn không biết lấy gì để xây lại nhà thì thật xúc động khi được Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đến tận nơi thăm hỏi và hỗ trợ tiền để gia đình bà xây dựng lại nhà.
“Mặt trận đã cứu giúp gia đình tôi trong lúc khốn khó này” - bà Nhẫn nói trong nước mắt.
Nhưng đi khắp một dải miền Trung, tàn dư của trận lũ lịch sử còn để lại nỗi đau xé lòng của những gia đình mất đi người thân; cảnh tượng tan hoang với những ngôi nhà đổ nát, những hàng cây trơ trọi, vương vãi đủ thứ rác và bùn khô… có lẽ sẽ còn ám ảnh trong ký ức của nhiều người dân ở những nơi đoàn công tác tìm đến.
Chúng tôi về thăm thôn Tân Đức, một làng quê yên bình nằm bên bờ sông Thạch Hãn, con sông vốn hiền hòa nhưng lại dữ dằn khi lũ về. Vì vậy, trong lũ, nếu Triệu Thành là nơi ngập nặng nhất huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị thì thôn Tân Đức là nơi ngập sâu nhất xã.
Người dân nơi đây vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại những đêm dầm mình chạy lũ. Triệu Thành không những chìm sâu trong nước xiết mà đường đi vào xã này cũng bị chia cắt khi các địa phương xung quanh chìm ngập trong nước lũ. Đường vào thôn Tân Đức lại càng bị cô lập hơn vì một nhánh sông Thạch Hãn.
Do là vùng trũng nên nhiều hộ dân ở đây đã sống trong cảnh ngập lụt trong nhiều tuần. Nhà bà Trần Thị Thanh nằm ngay sát bờ sông Thạch Hãn, lúc chạy lũ, cũng chỉ nghĩ một hai ngày sẽ về, nhưng bà Thanh cũng như nhiều người có nhà cửa không kiên cố đều không ngờ tới những đợt lũ sau chồng lên lũ trước. Đón đoàn công tác vào thăm, bà Thanh chỉ tay vào ngôi nhà trống hoác, bị hư hỏng nặng, rồi nói “trôi hết rồi còn mô”.
Tàn dư của lũ để lại cho người dân thôn Tân Đức không chỉ la liệt những đụn bùn cao gần 2 m từ trong sân nhà cho đến ngoài ngõ mà còn nhiều thiệt hại khó có thể đong đếm.
Sau bão lũ, nhiều người rơi vào cảnh trắng tay, kiệt quệ. Nói như Bí thư tỉnh ủy Tỉnh Quảng Trị Lê Quang Tùng, bão lũ đã kéo sự phát triển của Quảng Trị thụt lùi 10 năm. Còn ở Quảng Bình, những khó khăn càng chất chồng sau trận “đại hồng thủy” nhất là những gia đình nghèo khó như bà Phan Thị Hoà ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình khi vừa là hộ nghèo, có căn nhà lại bị sập hoàn toàn trong bão lũ.
Những người dân quê xứ Quảng vốn lam lũ lại phải gồng mình, nỗ lực gấp đôi để tái thiết lại cuộc sống và các hoạt động sản xuất.
Nhưng trong gian khó ấy, hơn lúc nào hết, chúng ta lại càng cảm nhận sâu sắc tình dân tộc, nghĩa đồng bào hướng về miền Trung, khúc ruột của Tổ quốc. Với sự sẻ chia kịp thời của bà con làng xóm và chính quyền địa phương, sự chung tay đồng lòng của các nhà hảo tâm thông qua Mặt trận, gia đình bà Thanh đã được Mặt trận hỗ trợ xây một ngôi nhà mới, gia đình bà Hoà cũng đã bắt đầu tái thiết lại cuộc sống bằng việc đào móng, xây một căn nhà vượt lũ.
“Tết này, tôi sẽ có nhà mới. Cảm ơn bà con, cảm ơn Mặt trận và cảm ơn đồng bào cả nước đã giúp gia đình tôi trong lúc khó khăn”, bà Hoà xúc động chia sẻ khi nhận hỗ trợ từ Chủ tịch Trần Thanh Mẫn.
Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, MTTQ các tỉnh, thành phố, phối hợp chặt chẽ với ngành Lao động Thương binh và xã hội, các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội đảm bảo tính chặt chẽ, chính xác ngay từ đầu trong việc xác định đối tượng được thụ hưởng. Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội đã thành lập 7 đoàn kiểm tra việc giám sát và tiến hành kiểm tra tại 16 tỉnh, thành phố; cử đại diện tham gia các đoàn kiểm tra của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại một số địa phương. Ở địa phương, công tác giám sát được thực hiện thường xuyên, liên tục, phát huy vai trò MTTQ cấp cơ sở, Ban Công tác Mặt trận, Ban Thanh tra nhân dân trong rà soát, đối chiếu đến từng đối tượng được hỗ trợ. Kết quả đó góp phần kịp thời vào việc giải ngân trên phạm vi toàn quốc đợt 1 cơ bản thuận lợi, chính xác đối với trên 12,9 nghìn tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ cho trên 12,4 triệu người dân, gần 21 nghìn hộ kinh doanh.
3. Những ngày này, tình dân tộc, nghĩa đồng bào vẫn được chắt chiu trong những cân gạo, thùng mì và quần áo ấm được nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân chuyển đến miền Trung thông qua hệ thống Mặt trận.
Tính đến ngày 30/11/2020, thông qua hệ thống Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, đã vận động tiếp nhận tổng số tiền và hiện vật quy ra tiền trên 350 tỷ đồng và đã phân bổ tổng số tiền và hiện vật quy ra tiền trên 325 tỷ đồng.
Song song với công tác vận động, tiếp nhận, MTTQ ở các địa phương cũng chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan giám sát các khâu phân bổ đến tận tay người dân, đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch.
Tinh thần đó đã được Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam mà đứng đầu là Chủ tịch Trần Thanh Mẫn quán triệt tới Mặt trận các cấp khi dẫn đầu các đoàn công tác về thăm và chia sẻ với nhân dân vùng lũ. Yêu cầu đặt ra là toàn bộ số tiền và hiện vật tiếp nhận ủng hộ được, UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ phối hợp với chính quyền, Ủy ban MTTQ các tỉnh để hỗ trợ nhân dân theo đúng quy định của Nghị định 64/2008/NĐ-CP đảm bảo kịp thời, công khai minh bạch, đúng đối tượng, không để xảy ra sai sót.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể tại địa phương cần tiếp tục đi đến từng hộ gia đình bị thiệt hại nặng nề sau bão để lắng nghe dân, tìm hiểu đời sống của bà con để khảo sát, thống kê, nhất là những hộ gia đình chưa có kinh phí sửa chữa nhà cửa, đảm bảo giúp dân xây, sửa nhà cũng như khôi phục lại sản xuất để ổn định cuộc sống khi Tết Nguyên đán Tân Sửu đang cận kề.
Tại Hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ ba, khóa IX, vừa diễn ra trong những ngày cuối tháng 12/2020 lần đầu tiên bằng hình thức trực tuyến, sự kịp thời, sáng tạo, chủ động và quyết liệt trong tuyên truyền phòng, chống đại dịch covid-19 và vận động cứu trợ, giúp đỡ người nghèo trong khó khăn, hoạn nạn được các vị uỷ viên UBTƯ MTTQ Việt Nam đặc biệt đánh giá cao.
Ở điểm cầu An Giang, ông Nguyễn Tiếc Hùng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh An Giang đã dùng từ “căng tay” để miêu tả những thời điểm hết sức khó khăn của người Mặt trận khi cùng cả nước phòng chống dịch Covid-19.
Nhưng trong thử thách “Mặt trận đã biến nguy thành cơ” như lời Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam để thực hiện có kết quả toàn diện Chương trình phối hợp và thống nhất hành động, trong đó, nhiều kết quả có tính chất đột phá, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.
Trong không gian ấm áp của Hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam, bà Phạm Thị Thanh Thủy - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa đã bày tỏ niềm tự hào khi được sống và cống hiến dưới mái nhà Mặt trận để khơi dậy truyền thống chung sức, đồng lòng của nhân dân cùng cấp ủy, chính quyền vượt qua thách thức.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu, Mặt trận các cấp phải thường xuyên quan tâm, nắm tình hình nhân dân; tiếp tục thực hiện và tuyệt đối không chủ quan trong phòng chống dịch Covid-19, đồng thời góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội và chăm lo tốt hơn đời sống của nhân dân, nhất là các tỉnh bị thiên tai, lũ quét, sạt lở đất, người yếu thế trong xã hội.
“Đặc biệt chăm lo cho bà con vùng sâu, vùng xa, các hộ có hoàn cảnh khó khăn để mọi nhà, mọi người đều được vui Xuân đón Tết” - Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Theo kế hoạch, thời gian dự kiến tặng quà Tết Nguyên đán cho các hộ nghèo thuộc địa bàn khó khăn sẽ được bắt đầu từ ngày 1/1/2021 đến 7/2/2021 với tổng số lượng dự kiến là 13.700 suất quà tặng hộ gia đình và 9 suất quà tặng 9 cộng đồng nghèo.
Cùng với đó, tính đến ngày 12/12/2020, kết quả tiếp nhận và số dư Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương năm 2020 là 113 tỷ đồng, đủ để đáp ứng kinh phí cho việc hỗ trợ xây dựng 2000 căn nhà Đại đoàn kết cho người nghèo.
Việc chăm lo cho người nghèo đón Tết Nguyên đán Tân Sửu là hoạt động có ý nghĩa quan trọng và thiết thực, là nguồn động viên to lớn cho người nghèo trên cả nước, trong bối cảnh đất nước đã trải qua những ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 và thiên tai, bão lũ.
20 năm qua, hành trình vì người nghèo đã theo bước chân nhiệt huyết của người Mặt trận tìm đến những bản làng xa xôi, cộng đồng nghèo, vùng bị thiên tai để san sẻ với người nghèo khó.
Năm 2021, người Mặt trận lại tiếp tục hành trình của mình, mang yêu thương để chia sớt những nỗi buồn, mang hy vọng để dựng lên những ngôi nhà mới. Một mùa xuân ngập tràn muôn nơi.
Sau Kết luận 77-KL/TW của Bộ Chính trị về chủ trương khắc phục về tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước; Nghị quyết 84-NQ/CP của Chính phủ về các nhiệm vụ giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân cho vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Mặt trận là cơ quan đầu tiên ban hành Nghị quyết của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam về vận động toàn dân tham gia phục hồi phát triển kinh tế, tiếp tục phòng chống dịch bệnh Covid-19 để triển khai trong toàn hệ thống. Trọng tâm của Nghị quyết này là phát huy vai trò của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Cùng với đó, Mặt trận tham gia vận động cộng đồng doanh nghiệp, người dân thực hành tiết kiệm để dành nguồn lực khôi phục kinh tế, cơ cấu lại sản xuất, tạo ra việc làm và thu nhập cho người dân.