Sáng 1/7, trao đổi với Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về văn hóa - xã hội đã đề cao tinh thần trách nhiệm của Đảng, Chính phủ trong việc công bố nguyên nhân hiện tượng cá chết, đồng thời khẳng định vai trò đồng hành quan trọng của Mặt trận trong thời gian tới là phải tạo được sự đồng thuận giữa Nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp, làm sao đảm bảo được lợi ích của các bên liên quan.
Ông Nguyễn Túc.
PV: Thưa ông, Chính phủ đã công bố nguyên nhân hiện tượng cá chết tại vùng biển 4 tỉnh miền Trung. Ông có đánh giá gì về sự vào cuộc của Đảng, Chính phủ trong việc tìm ra nguyên nhân sự cố?
Ông Nguyễn Túc: Có thể nói rằng, trong gần 3 tháng qua, nhân dân ta, đặc biệt là nhân dân ở các vùng Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế rất băn khoăn lo lắng không hiểu vì sao cá chết hàng loạt như vậy. Nhiều tin đồn, nhiều dư luận, có những dư luận đúng và không đúng đã đồn thổi và làm cho nhân dân càng hoang mang.
Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và Bộ trưởng đã dồn sức vào để lý giải vì sao cá chết hàng loạt như vậy. Tôi cho rằng, đấy là sự cố gắng rất lớn của các vị trong Chính phủ dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị.
Có người nói rằng, sao không kết luận ngay? Tôi thì nghĩ khác, đây là việc đầu tiên xảy ra ở Việt Nam, nói phải có chứng cứ. Xử một vụ án bao giờ cũng thế. Tôi nói điều đó là sở dĩ trước đây tôi từng làm Thư ký của Viện trưởng Viện Kiểm sát Hoàng Quốc Việt.
Với tinh thần làm việc tích cực, khẩn trương ngày đêm của cả hệ thống chính trị mà nòng cốt là các nhà khoa học Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ bây giờ chúng ta đã kết luận được. Và kết luận của chúng ta trên cơ sở khoa học nên nhà đầu tư đã phải chấp nhận thiếu sót, khuyết điểm của mình.
Điều này cho thấy cách làm việc như thời gian vừa qua, dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và bộ máy của Chính phủ đã làm việc khá khẩn trương, rất bài bản để có được kết quả như ngày hôm nay. Tôi không đồng tình với một vài người võ đoán cho rằng “chậm và thiếu”.
Formosa đã nhận trách nhiệm về mình. Vậy theo ông, làm thế nào để trách nhiệm trên được thực thi nghiêm trên thực tế?
- Thứ nhất, hậu quả mà Formosa gây ra vừa có hậu quả trước mắt và lâu dài. Tôi nghĩ, dân tộc ta là dân tộc có tư tưởng bao dung. Chúng ta đánh kẻ chạy đi chứ không bao giờ xử lý người chạy lại. Bước đầu chúng ta chấp nhận sự xin lỗi của những người lãnh đạo cao nhất của Formosa. Chấp nhận cái họ đền bù. Điều đó chứng tỏ họ đã thấy được cái sai sót của họ.
Tôi nghĩ rằng đấy là thắng lợi bước đầu trong điều hành đất nước của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng. Qua Báo Đại Đoàn Kết tôi muốn nói với bà con rằng, Mặt trận Trung ương sẽ đề nghị giám sát lời Formosa hứa theo đúng như Luật MTTQ và Nghị quyết 217, 218 của Bộ Chính trị để những điều họ hứa, chấp nhận đó phải thành hiện thực.
Nhưng tôi nghĩ đấy là bước đầu bởi ô nhiễm gây ra là cái tai hại còn tồn tại nhiều năm nên chúng ta phải tiếp tục hợp tác, đòi hỏi họ đảm bảo những điều họ cam kết trở thành hiện thực. Chúng ta đã có bồi thường rồi nhưng bồi thường như thế nào để công bằng, hợp lý chỗ này phải thực hiện một cách dân chủ. Qua vụ Vedan, chúng tôi thấy rất rõ, khi họ đã đền bù rồi nhưng ta nhận làm sao để những người tổn hại đến đâu nhận đến đó. Vì có người lại khai khống lên còn có người lại không biết…nên khai thấp đi.
Do đó, chỗ này vai trò của chính quyền địa phương, MTTQ và các cơ quan pháp luật phải giúp cho bà con làm sao để quyền lợi của họ được đảm bảo một cách chính đáng khỏi bị thiệt thòi nhưng đồng thời cũng không có hiện tượng khai khống để được nhận mặc dù mình không thuộc diện đó.
Thưa ông việc đền bù như vậy đã thỏa đáng chưa khi chúng ta mới chỉ tính được mức độ kinh tế trước mắt, còn hậu quả sau này?
- Ô nhiễm môi trường làm cá chết hàng loạt như thời gian vừa qua chắc chắn sẽ để lại hậu quả lâu dài, bây giờ bảo thỏa đáng chưa thì chưa ai dám nói. Nhưng trước mắt ta chấp nhận họ bồi thường đền bù và hai bên còn phải tiếp tục khắc phục lâu dài. Vì hậu quả những năm sau chúng ta chưa thấy rõ. Ở đây đòi hỏi một sự đồng thuận giữa cơ quan nhà nước Việt Nam và Formosa.
Văn bản cam kết đó phải mang tính chất lâu dài và trên tinh thần chân thành, hợp tác với nhau thì mới có thể giải quyết được. Formosa còn ở đây 60-70 năm nữa, như vậy nếu không hợp tác tốt với dân, dân không ủng hộ thì chắc tập đoàn cũng khó làm ăn.
Do đó, ở đây ta cần sự đồng thuận, và chỉ có cơ sở đồng thuận với nhau thì tập đoàn mới phát triển được và nhân dân cũng dựa vào đó để cải thiện và nâng cao mức sống của mình. Vai trò vô cùng quan trọng của Mặt trận lúc này là phải tạo ra sự đồng thuận giữa doanh nghiệp với bà con ngư dân và nông dân ở vùng đó trong những năm tới.
Ở đây chúng ta đang muốn nói tới vai trò quan trọng của Mặt trận trong giám sát việc đền bù thiệt hại cũng như hoạt động khắc phục hậu quả của Formosa. Vậy theo ông Mặt trận cần phải vào cuộc như thế nào?
- Tôi nghĩ gần 3 tháng qua, cả Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân và một số Phó Chủ tịch được phân công đã thường xuyên đến những vùng bị thiệt hại và chia sẻ với khó khăn của bà con. Mặt trận thì nghèo nhưng là “nghèo thảo nghèo thơm” khi đã ủng hộ mỗi tỉnh 1 tỷ đồng, luôn thông cảm, chia sẻ với khó khăn của bà con nông dân.
Với tinh thần đó, thời gian tới Mặt trận phải vào cuộc mạnh hơn nữa để đảm bảo được cả lợi ích của nhân dân cũng như lợi ích của nhà doanh nghiệp. Đặc biệt, năm nay là năm khởi nghiệp nên Mặt trận không thiên về bên nào cả. Phải giải thích hài hòa giữa lợi ích của bà con, nhà doanh nghiệp và Nhà nước. Tôi tin chắc rằng Mặt trận Trung ương sẽ có sự chỉ đạo sát sao hơn.
Với tư cách là Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn các vấn đề về Văn hóa - Xã hội, mà vấn đề văn hóa - xã hội rất rộng, do đó Hội đồng chúng tôi sẽ cố gắng tham mưu để Ban Thường trực và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam quan tâm một cách đích thực và thường xuyên đối với lợi ích của bà con cũng như nhà doanh nghiệp.
Chúng tôi sẽ kiến nghị, tham mưu cho UBTƯ MTTQ Việt Nam có những đề nghị thích đáng với Chính phủ để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư, bà con nông dân. Và mục đích cuối cùng là đoàn kết, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa- hiện đại hóa. Việc trước mắt của năm nay là phải ổn định tình hình này để góp phần hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh rất khó khăn như hiện nay.
Trân trọng cảm ơn ông!
Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam- Hòa thượng Thích Chơn Thiện:
Tin tưởng vào Đảng, Nhà nước
Đó là khẳng định của Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam- Hòa thượng Thích Chơn Thiện với ĐĐK, ngày 1-7. Hòa thượng Thích Chơn Thiện cho rằng, Đảng và Nhà nước đã làm hết trách nhiệm của mình đối với nhân dân khi công bố nguyên nhân. “Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào tinh thần trách nhiệm của Đảng và Nhà nước. Chúng tôi cũng mong mỏi nhân dân đặt tin tưởng sâu sắc vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, không dao động trước các luận điệu xuyên tạc của bên ngoài ”- Hòa Thượng Thích Chơn Thiện nói.
Cũng theo Hòa thượng Thích Chơn Thiện, Giáo hội Phật giáo Việt Nam mong Chính phủ ngày càng quan tâm đến tác hại ô nhiễm môi trường do các nhà máy, các cơ sở sản xuất - kinh doanh gây ra.
H.THU
Trưởng Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo TP.HCM - ông Haja Lý Du Sô:
Chính phủ đã vào cuộc công tâm, nhanh chóng
Ngày 30/6, Chính phủ đã tổ chức họp báo công bố rõ nguyên nhân vụ việc cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung gây nhiều thiệt hại cho nhân dân các địa phương trên. Chính phủ đã công bố thủ phạm chính gây ra là Formosa. Nhân dân cả nước đồng tình, hoan nghênh sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ. Người dân đã yên tâm, tin tưởng vào sự nghiêm minh của pháp luật Việt Nam.
Khi sự cố về môi trường xảy ra, đời sống ngư dân gặp nhiều khó khăn. Chính phủ và nhân dân cả nước đã nhanh chóng chia sẻ những khó khăn này. Mọi người ấm lòng trước sự quan tâm của Chính phủ, của chính quyền các địa phương và tấm lòng nghĩa tình của bao mạnh thường quân, những nhà hảo tâm khắp cả nước.T.LUÂN (thực hiện)