Ngày 24/2, phát biểu tại Hội nghị toàn quốc biểu dương phát huy vai trò các tôn giáo tham gia hoạt động bảo trợ xã hội và dạy nghề, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, ngành LĐ-TB&XH và Mặt trận cam kết luôn đồng hành cùng với các tôn giáo trong việc chăm sóc những người yếu thế trong xã hội.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị.
Người đứng đầu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khẳng định, thành quả của các tôn giáo trong thời gian qua chính là niềm vui của các tôn giáo cả nước và MTTQ Việt Nam.
“Chúng tôi nói như vậy vì trải qua lịch sử hàng trăm năm qua và đặc biệt là hơn 40 năm qua, từ ngày đất nước thống nhất, các tôn giáo, tín đồ của mình đều quan tâm rất thiết thực, hiệu quả trong việc tham gia chăm sóc, giúp đỡ trẻ mồ côi, người khuyết tật, người lớn tuổi có hoàn cảnh khó khăn, không ai chăm sóc, người mắc bệnh hiểm nghèo…”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Nhà nước và chính quyền các cấp đã có nhiều chính sách bảo trợ xã hội và dạy nghề phát triển hệ thống bảo trợ dạy nghề trong toàn quốc, bao gồm các cơ sở công lập và cả tư thục.
Nhưng phải sau rất nhiều năm, lần đầu tiên Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), cùng với UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phối hợp tổ chức được Hội nghị toàn quốc biểu dương phát huy vai trò các tôn giáo tham gia hoạt động bảo trợ xã hội và dạy nghề.
“Chúng tôi thấy thực sự ấm lòng khi 300 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan Trung ương, tỉnh, thành, đại diện cho các tôn giáo cả nước và các cá nhân đại diện tôn giáo đã đóng góp tích cực trong công tác dạy nghề cùng tụ họp về đây trong không khí thắm tình đoàn kết”, người đứng đầu Mặt trận chia sẻ.
Qua báo cáo tổng kết và những ý kiến tham luận, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, chúng ta có thể khẳng định, người Việt Nam dù ở giai đoạn nào, có đạo hoặc không có đạo cũng đều là những người Việt Nam yêu nước, đều mong muốn cho đất nước Việt Nam phát triển, muốn giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn để họ có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Hội nghị hôm nay, một lần nữa khẳng định chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về xã hội hóa về công tác hỗ trợ dạy nghề trong những năm qua đã được sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, trong đó có các tôn giáo, đồng bào các tôn giáo, góp phần phát triển nhanh chóng các cơ sở ngoài công lập, bồi dưỡng đào tạo nghề cho người lao động.
Quy mô hệ thống cơ sở bảo trợ xã hội ở các trường, trung tâm dạy nghề, trong đó có các tôn giáo ngày càng phát triển.
Đến nay cả nước có 413 cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó Nhà nước có 195 cơ sở, chiếm 47%, ngoài nhà nước có 218 cơ sở chiếm 53%, tại các cơ sở có hàng chục ngàn người đang được chăm sóc, hỗ trợ , trong đó các cơ sở nhà nước trên 30 ngàn, và các cơ sở tôn giáo với 6.500 người có hoàn cảnh khó khăn đang được hỗ trợ.
Về các địa phương, trong 63 tỉnh/thành thì có 36 tỉnh, thành có cơ sở bảo trợ xã hội, bình quân mỗi cơ sở chăm sóc khoảng 60 người có hoàn cảnh khó khăn.
Trong số những người chăm sóc có nhiều người đã lớn tuổi, bình quân 1 cơ sở có 13 người tham gia vận hành, quản lý các cơ sở, mỗi người chăm sóc từ 4 đến 5 người.
Về cơ cấu, trong 6.500 người được chăm sóc, có 27% là trẻ em, người khuyết tật chiếm 17%, người cao tuổi chiếm 12% và còn lại là người bị bệnh tâm thần.
“Có thể nói, trong các cơ sở này, trẻ em và người khuyết tật, người cao tuổi là những người được chăm sóc nhiều nhất. Có một số địa phương, tỷ lệ người có hoàn cảnh khó khăn được các cơ sở ngoài công lập hỗ trợ rất lớn, ví dụ như Đồng Nai có tới 81% ngoài công lập, người được hỗ trợ chiếm 75%. TP Hồ Chí Minh có 74 cơ sở bảo trợ xã hội, công lập chỉ có 16 cơ sở, ngoài công lập có 58 cơ sở, người được chăm sóc tại cơ sở công lập là 6500 người, ngoài công lập là 3.000 người”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với đại diện tôn giáo.
Chia sẻ với các cá nhân và tổ chức tôn giáo tại hội nghị, người đứng đầu MTTQ Việt Nam cho ràng, trong nhà nước, người làm công ăn lương thì được về hưu nhưng trong các cơ sở của tôn giáo các vị tu sĩ, tăng ni, hoà thượng, các sơ thì việc chăm sóc, yêu thương những người yếu thế hơn mình…không bao giờ nghỉ hưu.
“Có những sơ chúng tôi không dám hỏi tuổi vì trong lý lịch không thấy đề nữa. Nhưng bằng tấm lòng của mình, các sơ vẫn tận hiến với đời, bất kể thời gian. Như sơ Vũ Thị Thọ ở Trung tâm chăm sóc trẻ mồ côi và khuyết tật Sơn Ca, TP Huế, nay đã 80 tuổi nhưng vẫn làm giám đốc trung tâm. Cả trung tâm có gần 8 sơ nhưng nuôi nấng gần 70 đứa trẻ, đó là năng suất lao động rất “ghê gớm”, chưa khi nào ngơi nghỉ” - Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Người đứng đầu Mặt trận bày tỏ lời tri ân sâu sắc tới những đóng góp không ngơi nghỉ của các tổ chức, cá nhân tôn giáo trong công tác bảo trợ xã hội và dạy nghề.
Theo báo cáo, hiện nay có 12 trường dạy nghề. Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, số lượng này còn rất khiêm tốn nhưng cũng phải thấy rằng, dạy nghề là việc không hề đơn giản nhất là trong bối cảnh kinh tế thị trường, có cạnh tranh nên các trường dạy nghề gặp rất nhiều khó khăn. Cho nên điều đáng trân trọng là cả 12 cơ sở dạy nghề của tôn giáo đều có chất lượng dạy nghề tốt.
Để có thành quả đó bên cạnh tâm nguyện hướng tới đạo lý của tôn giáo của mình, người đứng đầu Mặt trận cũng cho rằng, vai trò quản lý nhà nước của ngành LĐ-TB&XH là rất quan trọng.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao đổi với các đại biểu bên lề Hội nghị.
Chính ngành LĐ-TB&XH đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 68 từ năm 2008 quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội. Cũng trong năm đó, Chính phủ ban hành Nghị định 69 về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường. Đây là những điều kiện rất quan trọng để phát huy vai trò của các tôn giáo trong công tác này.
Bởi vậy, việc tổ chức hội nghị, còn có ý nghĩa xem lại những điều quy định trong hai văn bản cấp nhà nước này đã phát huy tác dụng và làm tốt chưa.
Tại hội nghị, Ban tổ chức hội nghị đã thực hiện cuộc khảo sát phát phiếu thăm dò với những câu hỏi như: Đơn vị của các vị có được hỗ trợ đất đai hay không thì 14% trả lời là có còn là là 86% bỏ ngỏ câu này. Hay câu hỏi: Có được cấp thẻ bảo hiểm y tế hay không? 49% trả lời là có.
“Dựa trên bảng câu hỏi và trả lời, chúng tôi sẽ có thêm cơ sở để tiếp thu các kiến nghị”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.
Nhấn mạnh tới vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đang có nhiều nỗ lực, trăn trở trong việc phát huy tốt hơn nữa đóng góp của các tôn giáo đối với đời sống, xã hội, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, Mặt trận 63 tỉnh thành đã có nhiều cố gắng, chia sẻ trong việc tổ chức hội nghị toàn quốc đầu tiên về biểu dương, phát huy vai trò các tổ chức tôn giáo trong công tác giáo dục mần non trong năm 2015 và cho đến năm nay là hội nghị biểu dương, phát huy vai trò của các tôn giáo trong bảo trợ xã hội và dạy nghề.
Với tiền đề này, người đứng đầu Mặt trận bày tỏ niềm tin về một thành công nữa, cũng trong năm nay, hội nghị biểu dương về công tác chăm sóc y tế của các tôn giáo sẽ được tổ chức thành công tốt đẹp.
Đây cũng là một trong những mục tiêu nhiệm kỳ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc tổ chức thành công các hội nghị biểu dương tôn giáo tham gia trong công tác giáo dục mầm non, bảo trợ xã hội, dạy nghề và y tế, chăm sóc người bệnh.
Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, thông qua hội nghị này, Mặt trận sẽ tiếp tục bàn sâu hơn với Bộ LĐ-TB&XH về vấn đề này trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ cụ thể.
Đó là hai bên sẽ có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội về hội nghị này qua đó cùng với Thủ tướng, các bộ, ban ngành và địa phương phối hợp làm tốt hơn nữa, sát hơn nữa những quy định mà Chính phủ đã ban hành.
Đối với Mặt trận và ngành LĐ-TB&XH, trong năm 2017 cần tập trung vào việc rà soát vấn đề, chính sách liên quan đến công tác hỗ trợ cho các cơ sở bảo trợ, dạy nghề, vận dụng quy định về việc hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn để mua bảo hiểm cho những người được chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ, dạy nghề.
Đặc biệt, theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cần phải rà soát lại tình hình đất đai của các cơ sở bảo trợ, dạy nghề để hoàn chỉnh, hợp thức hoá giấy tờ cũng như nơi nào cần phát triển thì vận dụng chính sách kiến nghị chính quyền địa phương giải quyết cấp đất đúng luật pháp, quy định.
Đối với các em nhỏ cần phải được quan tâm hướng dẫn quy trình làm giấy khai sinh, giấy đăng ký tạm trú với người đến ở tại các trung tâm, cơ sở bảo trợ. Đồng thời cần phải thực hiện chính sách miễn giảm học phí đối với các em đang ở các cơ sở này theo diện học sinh nghèo.
“Cần rà soát kỹ ở tất cả các địa phương về tình hình thực hiện những chính sách này ở tất cả các cơ sở dạy nghề và bảo trợ xã hội của tôn giáo”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.
Cũng theo người đứng đầu Mặt trận, ngành LĐ-TB&XH phối hợp Mặt trận rà soát những cơ sở đã hoạt động mà chưa được cấp phép, cần phải xem họ đang thiếu gì, cần gì, không thể để tình trạng hoạt động mà không có phép.
Với những quyết tâm trên, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, ngành LĐ-TB&XH và Mặt trận cam kết luôn đồng hành cùng với các tôn giáo trong việc chăm sóc những người yếu thế trong xã hội.
“Làm sao để họ thấy, dù cuộc đời còn quá nhiều khó khăn nhưng vẫn có những tấm lòng nhân ái, vẫn có nơi để nương tựa, còn có những người trao cho mình những lời nói ấm lòng khi mình rơi vào hoàn cảnh cùng cực nhất”, người đứng đầu Mặt trận khẳng định.