Trong 3 ngày qua, hàng ngàn người dân các tỉnh ĐBSCL kéo về cửa biển Cái Cùng, xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu tranh giành cào nghêu kiếm sống dẫn đến xung đột với chủ một bãi nuôi nghêu tự phát.
Những người dân trong vụ xô xát kể lại sự việc.
Cuộc hỗn chiến giữa những người tứ xứ với một bên là những người tự cho rằng bãi nghêu là tài sản của họ, làm máu đã đổ trên bãi nghêu vùng bãi bồi ven biển xã Long Điền Đông.
Hỗn chiến trên bãi bồi
Chiều 11/8, cơn mưa nặng hạt kéo dài hơn ba giờ đồng hồ hòa quyện với cơn gió biển Đông làm tiết trời se lạnh. Đã hơn 17 giờ chiều, mặt trời đang lặn dần về phía Tây nhưng hàng ngàn người đủ mọi lứa tuổi, già, trẻ, bé, lớn kể cả phụ nữ vẫn dầm mưa ướt sũng, mặt mày lấm lem trên bãi biển Cái Cùng để cào nghêu.
Dù trước mặt họ đã có một thế lực đen nhân danh là chủ bãi nghêu đang trực chờ để hỗn chiến.
Trưa 12/8, chúng tôi có mặt tại cửa biển Cái Cùng, nơi vừa xảy ra trận hỗn chiến kinh hoàng giữa hàng trăm người đi cào nghêu và những người bảo vệ bãi nuôi nghêu của ông Lê Minh Phát (ngụ xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu). Theo quan sát của chúng tôi, những người bị chủ bãi nghêu cho là cướp có cả đàn ông, đàn bà, thanh niên, thiếu nữ và cả những em nhỏ chỉ mới 5 – 10 tuổi. Họ là những người dân nghèo tại địa phương và các tỉnh ĐBSCL qua bao đời nay cuộc sống chỉ bám biển mưu sinh.
Trên gương mặt còn chưa hết bàng hoàng, chị Trần Thị Trang (30 tuổi, ngụ ấp Vĩnh Điền, xã Long Điền Đông), kể: “Chiều 8-8, tôi cũng như bao nhiêu người dân địa phương ra bãi biển cào nghêu, cạnh bãi nghêu ông Phát bao chiếm. Lúc này, có vài em nhỏ vào bãi nghêu nuôi của ông Phát để bắt nghêu thì bị bảo vệ dùng dây xích sắt đuổi đánh. Tôi chạy vào can thì bị đánh vào đầu tóe máu. Nhiều người đi cùng thấy vậy chạy đến giải vây. Trong số đó, có anh Châu Văn Nhiều ở cùng xóm với tôi bị đánh tét da đầu”.
Sau lần đụng độ đó, từ chỗ bức xúc, hàng ngàn người đã tiến thẳng vào bãi nghêu của ông Phát để cào nghêu. Chiều 9/8/2015, phía ông Phát cũng đưa hàng trăm người mang băng đỏ trên cánh tay (do ông Phát thuê mướn mỗi người 200.000 đồng) để bảo vệ bãi nghêu cho ông. Họ được gia đình ông Phát trang bị gậy gộc, có cả mã tấu, gây nên cảnh hỗn chiến kinh hoàng.
Ông Hùng, một người trong nhóm cào nghêu kể: “Bên phía ông Phát có gần 200 người nhưng bên dân cào nghêu đông hơn nhiều. Đánh nhau giằng co khoảng 4-5 tiếng đồng hồ thì người của ông Phát chịu không nổi, bỏ chạy. Trong đó, có người cầm đầu bị đánh ngất xỉu, một người gãy tay phải nằm bệnh viện tỉnh. Phía dân cào nghêu chỉ có vài người bị xây xát nhẹ”.
Lúc hai bên hỗn chiến, nhiều người đã báo tin cho công an xã, ấp, kể cả đồn Biên phòng Cái Cùng nhưng rồi vụ tự xử vẫn diễn ra nhiều giờ trên vùng bãi bồi biển Đông, xã Long Điền Đông.
Người dân nghèo trên sân nghêu.
“Nồi cơm dân nghèo bị phá vỡ”?
Từ khu vực cửa biển Nhà Mát (TP Bạc Liêu) chạy dài đến khu vực cửa biển Cái Cùng từ lâu vốn dĩ là bãi bồi ven biển với nguồn lợi nghêu giống tự nhiên dồi dào. Từ khi các bãi biển ở ĐBSCL bị ô nhiễm, nghêu nuôi chết hàng loạt, trừ khu vực cửa biển Cái Cùng. Chính vì vậy mà rất nhiều người có tiền ở địa phương và nhiều nơi khác về đây khoanh vùng, thành lập HTX nuôi nghêu thương phẩm. Từ nhiều năm qua, diện tích bãi nghêu có chủ cứ tăng dần, lên đến hàng ngàn ha, xem như “nồi cơm” của dân nghèo bị phá vỡ.
Cửa biển Cái Cùng, một bên thuộc địa bàn xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình), một bên thuộc địa bàn xã Long Điền Đông (huyện Đông Hải). Các bãi phía xã Vĩnh Thịnh đã được quy hoạch hàng loạt HTX nuôi nghêu thương phẩm, trải dài từ trong bờ ra đến tận vùng nước sâu nên người dân nghèo ven biển chỉ còn kiếm ăn bên vùng bãi biển của xã Long Điền Đông.
Tại đây, chính quyền không cho phép tư nhân bao chiếm do sợ đụng chạm đến lợi ích của dân nghèo, nhưng chính quyền xã, ấp lại phớt lờ, để một vài hộ bao chiếm bãi bồi trái phép.
Là người chuyên thu mua nghêu giống, khi thấy nghêu xuất hiện khá nhiều trên vùng đất bãi bồi, ông Phát đã tự cắm cọc một vùng bãi biển rộng hàng ngàn ha từ cửa biển Cái Cùng đến khu vực Gò Cát chạy dài 12 km từ mé rừng phòng hộ ra đến tận vùng nước sâu 5 km và cho rằng đó là quyền sở hữu của gia đình mình để nuôi nghêu, nên đã đụng chạm đến nồi cơm vốn đã quá nhỏ bé của hàng ngàn hộ dân nghèo bám biển mưu sinh.
“Từ khi mới chập chững biết đi, tôi đã theo cha mẹ ra kiếm ăn tại bãi biển này. Bây giờ, gia đình tôi có đến 5 nhân khẩu nhưng chỉ có vài công vuông nhưng tôm chết lên, chết xuống, phận nghèo không nghề nghiệp, hàng ngày chỉ biết ra biển mò nghêu, bắt ốc, bắt cua để kiếm sống. Bình quân mỗi ngày kiếm được từ 80 đến 100.000 đồng, làm ngày nào sống ngày đó. Nồi cơm đã có sẵn do thiên nhiên ban tặng cho các hộ nghèo chúng tôi, nhưng tự dưng ông Phát đến bao chiếm hết khu vực bãi bồi này. Tôi biết xông vào bắt nghêu của người khác là không đúng nhưng bãi biển này không của riêng ai và cũng không còn đường nào lựa chọn khi cái bụng đói”, ông Lâm Ny bức xúc.
Trao đổi với phóng viên báo ĐĐK, ông Bùi Minh Túy - Chủ tịch UBND huyện Đông Hải cho biết: Huyện đã nắm thông tin vụ tranh chấp bãi nghêu giữa người dân với ông Phát nhưng rất khó xử lý vì số lượng người tham gia rất đông. Khi vụ việc xảy ra, xã đã có báo cáo và công an huyện cũng đã tiến hành thẩm vấn một số người liên quan trong vụ ẩu đả trên bãi nghêu trong những ngày qua vụ việc khá phức tạp. Trong khi đó, phía ông Phát chỉ nuôi nghêu tự phát, không được cơ quan chức năng cấp phép. Do đó, việc thiệt hại tài sản của ông Phát cũng khó có cơ sở để giải quyết. Việc này còn liên quan đến vấn đề sinh kế của nhiều người dân nghèo nên cần giải quyết thận trọng” - ông Túy nói.