MC Diễm Quỳnh cùng VTV6 đã sản xuất nhiều chương trình khác nhau. Các chương trình cho người trẻ: “Bữa trưa vui vẻ”, “Bản tin thế hệ số”… và nhiều chương trình khác như “Cuộc thi Cầu vồng”; “Chiến binh xanh”; Chương trình truyền hình thực tế: “Trên từng cây số”; “Biển Đông du ký”… Đồng thời VTV6 còn sản xuất các chương trình chính luận cho VTV1 như là “Cất cánh”; “Dám sống”…
Với MC Diễm Quỳnh, mỗi chương trình trước nhất phải mang thông điệp, hình ảnh tích cực, mang được suy nghĩ của người thực hiện trong mỗi một khuôn hình, trong mỗi lời bình, trong mỗi vấn đề được đặt ra và xử lý trên kịch bản, mang lại một giá trị có ích cho xã hội, thể hiện được mong muốn tiến bộ cũng như mong muốn làm nghề một cách hoàn hảo nhất.
1. “Tôi nghĩ, thành công có nhiều thang đánh giá khác nhau. Nếu từ một ekip thì mỗi một thành viên đều phải nỗ lực và hết sức vì chương trình. Mỗi người đều có sức lực riêng, sở trường riêng, một điều kiện riêng, nhưng liệu họ có mang được những gì tốt nhất của mình, dành tâm sức nhiều nhất của mình cho chương trình chung hay không? Đấy là một câu hỏi mà chúng ta phải giải quyết nếu muốn thành công. Như tôi đã nói, truyền hình là chương trình mang tính chất tập thể, nên chỉ một cá nhân trong tập thể đó có vấn đề như làm chưa hết sức, hay sự hiểu biết chưa thấu đáo thì rất khó có thể đảm bảo cho chương trình thành công. Nên từ góc độ ekip, tôi nghĩ rằng sự đoàn kết, thống nhất, cùng nhau hiểu thấu đáo nhiệm vụ của mình là điều quan trọng nhất và thường phải mất rất nhiều thời gian để bàn bạc. Sau khi tất cả đã thống nhất rồi thì mỗi người có một cách riêng để xử lý khối lượng công việc của mình”.
2. “Để thích nghi với hoàn cảnh mới là mình sẽ không làm theo cách cũ nữa. Để thích nghi thì thực sự không đơn giản, nhưng mỗi chúng ta, ai cũng trải qua cảm giác bản thân trở nên vô ích trong những ngày giãn cách xã hội. Chúng tôi phải nghĩ ra phải làm gì, phải sống thế nào để đi qua được “thời kỳ Covid” này. Điều đó, đã tạo ra cho chúng tôi sự hứng khởi, có những ý tưởng làm việc rất tốt. Làm theo kiểu mới thì vất vả hơn. Chưa chắc hay theo kiểu cũ nhưng sẽ hay theo kiểu mới. Việc đầu tiên để thích nghi là tất cả sẵn sàng cho sự thay đổi. Như tôi đã nói, nếu một người không sẵn sàng thì cả đoàn tàu sẽ chậm lại. Và rất may mắn là VTV6 ai cũng muốn thay đổi. Đó là điều quan trọng để chúng tôi bắt tay vào những thử nghiệm mới từ format, đến các chương trình được ghi hình từ xa, sản xuất các điểm cầu truyền hình bằng phương pháp online. Khi cả thế giới đã có thể tiếp cận với nhau qua online rồi, thì các điểm cầu từ Việt Nam sang Nga, sang Mỹ hay Pháp thì chúng tôi thấy không còn là vấn đề nữa”.
3. "Chương trình nào mà chúng tôi làm thành công, đồng thời cũng lấy đi nhiều tình cảm, thời gian, năng lượng thì tôi đều cảm thấy đó là trải nghiệm tâm đắc. Với chương trình chính luận như “Cất cánh”, tôi rất yêu thích. Với chương trình trò chuyện giải trí theo kiểu hồi ức như “Quán Thanh Xuân”, khiến tôi bị “đốn tim” để hoàn thiện được nó. “Quán Thanh Xuân” là chương trình mà tôi không nghĩ có thể đi đến hôm nay, cả ekip cũng nghĩ như thế. Khi “Quán Thanh Xuân” mới làm, chúng tôi thích và vui lắm, được kể về các câu chuyện quá khứ, trò chuyện với các khách mời về Việt Nam ở thời bao cấp, nghèo khổ… nhưng càng làm, chúng tôi càng cảm thấy khó khăn vì cứ nói mãi câu chuyện nghèo khó, câu chuyện ngày xưa cũng đến lúc cạn kiệt đề tài. Nhưng bằng cách nào đó, khán giả “Quán Thanh Xuân” trở thành động lực lớn cho chúng tôi. Nếu không có khán giả “Quán Thanh Xuân”, không có những người thường xuyên cung cấp cho chúng tôi những ký ức của họ, rồi tham gia những diễn đàn online của chúng tôi một cách hào hứng thì có lẽ chúng tôi không đi được hành trình hai năm, để đạt những giải thưởng như VTV Awards. Bởi tôi phát hiện ra rằng mỗi người đều giữ trong mình một kho tàng ký ức thông tin, và nếu như được sắp xếp để kể lại một cách thú vị thì nó rất hay. “Quán Thanh Xuân” đã vượt qua được những ngày cả ekip vật lộn với đề tài, để bước qua chặng khá cộng hưởng giữa người làm và người xem".
“Chương trình Tết có nhiều đơn vị cùng làm. Mỗi một năm từ 30 Tết đến mùng 5, mùng 6 nên có rất nhiều chương trình khác nhau. Mỗi ban biên tập thì được giao làm một số chương trình. Còn chúng tôi thì mỗi khi Tết đến, chúng tôi làm chương trình đón giao thừa. Khoảnh khắc giao thừa rất thiêng liêng mà chúng tôi vẫn gọi là “giờ kim cương” vì nó mang lại cho chúng tôi những hứng khởi mà cũng là áp lực. Làm chương trình năm nay xong, được mọi người khen, và nói là “năm sau làm tiếp nhé”, và thế là 300 ngày còn lại của năm, “vắt chân lên cổ” để nghĩ chương trình giao thừa tiếp theo sẽ làm gì. 60 ngày trước Tết thì chúng tôi lao vào sản xuất. Cứ luôn luôn là cái guồng như vậy. Nên chúng tôi trong quỹ thời gian của mình luôn đặt một chữ “Tết” rất là to. Luôn nghĩ Tết thì làm gì để hay, để vui, thay đổi không khí nên chúng tôi dồn hết tâm trí vào để làm. Vậy nên chương trình Tết thì không phải đột xuất mà luôn luôn mới”.
4. “2021 là năm nối tiếp với 2020, đã có quá nhiều sự thay đổi, nhưng tôi không hi vọng năm mới giống như năm trước. Năm nay sẽ yên ổn hơn, an toàn hơn, mọi người bình tĩnh hơn để thực hiện những dự định mà năm 2020 đã phải dừng lại. Trong năm mới, chúng tôi sẽ làm những dự án mà năm trước do Covid nên lỡ hẹn với khán giả. Chúng tôi làm với tinh thần mới mẻ và nhiều năng lượng. Chúng tôi có thể sẽ cho ra mắt nhiều chương trình mới, khung sóng mới, với quan điểm chừng nào mình còn có một ekip rất nhiều nhiệt huyết, chúng tôi sẽ làm được nhiều sản phẩm kỹ lưỡng để mọi người nhìn thấy sự đóng góp nhỏ bé của chúng tôi trên làn sóng truyền hình”.