Năm 2015 khi trở về Bắc Ninh và bắt đầu làm việc tại Sở Văn hóa Thể thao Du lịch tỉnh, MC Trần Dạ Hợp (sinh năm 1990) đã có dịp được đảm nhiệm công tác liên quan đến Quản lý di tích. Vì tính chất công việc nên chị được tiếp xúc và tìm hiểu trực tiếp nhiều về các khía cạnh văn hóa truyền thống của quê hương mình.
Càng tìm hiểu sâu hơn mình càng thấy Bắc Ninh là một vùng đất có giá trị văn hóa rất riêng biệt, lâu đời, nổi bật là các khía cạnh: Văn hóa quan họ, làng nghề, di tích, lễ hội, truyền thống cách mạng, truyền thống hiếu học. Tất cả những nét văn hóa đặc sắc đó khiến Trần Dạ Hợp càng yêu hơn quê hương của mình và muốn gắn bó lâu dài.
Có vấn đề mà mình đang rất quan tâm, là các làng nghề truyền thống?
- Trong các điểm nổi bật về văn hóa thì làng nghề là điều tôi rất quan tâm. Đặc biệt là các làng nghề truyền thống (ví dụ như: làng gỗ Đồng Kỵ, đúc đồng Đại Bái, sắt thép Đa Hội, làng gốm Phù Lãng, tre trúc Xuân Lai, tranh Đông Hồ…), những làng nghề truyền thống này không những mang những giá trị về mặt văn hóa, lịch sử, du lịch mà còn đóng góp rất nhiều cho kinh tế tỉnh Bắc Ninh từ xưa đến nay. Về đến Bắc Ninh là các bạn sẽ được nghe câu “Anh có về Kinh Bắc quê em, mà nghe quan họ và xem làng nghề” – điều này chứng tỏ làng nghề ở Bắc Ninh vô cùng quan trọng và là điểm đáng tự hào của mỗi người con vùng quê quan họ. Và bạn cũng thấy làng nghề truyền thống của Bắc Ninh rất đa dạng, từ nghệ thuật làm những sản phẩm gỗ độc đáo như Đồng Kỵ, đúc đồng tinh xảo tỉ mỉ như Đại Bái, nghệ thuật hun khói, uốn tre trúc rất riêng biệt của Xuân Lai, hay cách in tranh thủ công sử dụng hoàn toàn nguyên liệu thiên nhiên của làng Tranh Đông Hồ... Mỗi làng nghề đều mang những điều khác biệt, những nét đẹp riêng, mà nếu muốn đi tìm hiểu sâu, kỹ và hết những làng nghề ở Bắc Ninh thì chắc sẽ mất khoảng thời gian rất lâu đó.
Bắc Ninh có khoảng 18 làng nghề? Vì sao làng nghề tại Bắc Ninh lại phong phú đến thế?
- Vâng, đó là 18 làng nghề nổi bật nhất. Làng nghề ở Bắc Ninh rất phong phú, đa dạng và độc đáo. Tính đến nay, toàn tỉnh có 73 làng nghề, trong đó có 58 làng nghề truyền thống. Làng nghề ở nơi đây xuất hiện nhiều như vậy bởi 2 yếu tố: con người và thiên nhiên. Người Kinh Bắc từ xưa đã được đánh giá là tài hoa, khéo léo. Có câu dân gian thường nói: “Dại Đông Ngàn hơn khôn ngoan Kẻ Chợ”. Câu này nhấn mạnh sự khéo léo và khôn ngoan trong sản xuất và buôn bán của người Kinh Bắc xưa. Thêm đó, nơi đây được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho những dòng sông thơ mộng đầy ắp phù sa như sông Đuống, sông Cầu, từ đó người dân nơi đây có được những nguyên liệu tốt, và những sự thuận lợi về giao thông để phát triển làng nghề.
Chị có thể giới thiệu tổng quan về các làng nghề truyền thống của Bắc Ninh qua những trải nghiệm thực tế?
- Qua trải nghiệm thực tế của tôi, và những dịp tìm hiểu sâu về các làng nghề truyền thống tiêu biểu của Bắc Ninh thì tổng quan các làng nghề này đều có từ rất lâu đời, các sản phẩm thủ công mất rất nhiều thời gian để hoàn thành, sản phẩm chủ yếu dân dã mộc mạc và đáp ứng các nhu cầu sử dụng cơ bản của người dân.
Tôi lấy ví dụ như tranh Đông Hồ hiện nay chỉ còn 2 gia đình nghệ nhân giữ nghề, với các cách in thủ công, kích cỡ tranh vẫn giữ nguyên nét cũ, tuy có một số sản phẩm mới như tranh treo cỡ lớn, lịch… nhưng vẫn không phát triển mạnh mẽ và đa dạng. Đó cũng là tình trạng chung của một số làng nghề truyền thống, chính vì vậy để phát triển phù hợp với xã hội hiện đại, các sản phẩm phải tìm những sự sáng tạo mới, những hướng đi mới.
Chị có thể chia sẻ về quá trình tìm hiểu thực địa tại làng nghề, lần đầu tiên chị tiếp xúc chẳng hạn?
- Nếu nói đến tiếp xúc với làng nghề thì trong 5 năm vừa qua tôi đã có dịp tới hầu hết các làng nghề tại Bắc Ninh. Nhưng lần đầu tìm hiểu sâu kỹ và ấn tượng nhất thì đó là làng nghề tre trúc Xuân Lai, trong dịp kết hợp thực hiện phóng sự cùng đoàn làm phim của đài Truyền hình Nhân Dân.
Làng nghề tre trúc Xuân Lai là làng cổ thuộc huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, nằm ở giáp sông Đuống. Tre ở Xuân Lai do điều kiện thổ nhưỡng đã phát triển rất tốt, có tác dụng bảo vệ đê và thành hàng rào bảo vệ xóm làng. Từ nguồn nguyên liệu tre trúc sẵn có của địa phương cùng với tài năng, sự khéo léo những người dân Xuân Lai, nghề làm tre trúc dần trở thành một nghề truyền thống của làng cách đây trên 300 năm. Với một số mặt hàng cơ bản và đơn giản như: cán cờ, thang, giường tre, giát giường… Nét đặc trưng, giá trị của những sản phẩm truyền thống tre trúc Xuân Lai chính là kỹ thuật hun khói tạo màu khác biệt, và kỹ thuật uốn cong bằng nhiệt tạo ra văn hoa như trường kỷ, giát giường… Ngày nay Xuân Lai cũng có rất nhiều hướng đi mới cho sản phẩm của mình, như sản xuất bàn ghế phục vụ các quán café, các khu nghỉ dưỡng, khách sạn hay nội thất nhà dân… Hoặc tre trúc hun khói này còn được sử dụng làm tranh trang trí, được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, khiến kinh tế các hộ dân nơi đây dần được nâng cao, số lượng hộ dân làm nghề của làng có phần gia tăng.
Trong bối cảnh hiện nay, các làng nghề thực tế đang hoạt động ra sao?
- Hiện nay sự phát triển của các làng nghề truyền thống ở Bắc Ninh đang góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế, ổn định tình hình chính trị - xã hội và giải quyết hiệu quả bài toán lao động, việc làm cho các vùng nông thôn trong tỉnh. Tuy nhiên, bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn và hội nhập quốc tế, trong vòng xoáy kinh tế thị trường, bên cạnh những cơ hội, những thuận lợi, các làng nghề truyền thống Bắc Ninh hiện cũng đang đặt ra nhiều vấn đề cấp bách cần giải quyết.
Đầu tiên là vấn đề bảo vệ môi trường đang được các cấp chính quyền quan tâm và đặt mục tiêu giải quyết, hướng tới một làng nghề sạch và giảm thiểu ô nhiễm tới môi trường, thứ hai là vấn đề bị động với thị trường. Khó khăn nhất của các làng nghề hiện nay là tìm thị trường tiêu thụ. Bởi lẽ, sản phẩm của làng nghề truyền thống có giá thành cao, mẫu mã sản phẩm chưa đa dạng, chưa theo kịp thị hiếu người tiêu dùng cả trong và ngoài nước. Điều thứ 3 là sự khó khăn trong truyền nghề, “hồi sinh” và phát triển nghề. Hiện nay nhiều người trẻ tại các làng nghề tìm những hướng đi khác trong công việc, không muốn theo nghề hoặc gặp vấn đề khó khăn trong nghề thì dễ dàng từ bỏ. Chính vì vậy, tìm cách truyền nghề, phát triển, hồi sinh và tìm hướng đi mới cho làng nghề hiện đang là vấn đề cấp thiết nhất.
Theo chị, làm thế nào để các làng nghề duy trì được nghề truyền thống của mình?
- Làng nghề truyền thống không chỉ là nguồn kinh tế của địa phương, mà là phần hồn dân tộc, là giá trị lịch sử cần được bảo tồn. Trước hết địa phương cần tìm cách bảo vệ, tuyên truyền tình yêu nghề với giới trẻ. Và để tạo ra kinh tế, thì phải tìm hướng đi cho sản phẩm bằng cách vận dụng kỹ thuật tiên tiến hơn, sáng tạo sản phẩm, tìm thêm đầu ra cho sản phẩm. Làng nghề hiện nay nằm trong tay của những người trẻ, và phát triển hay không phụ thuộc vào thế hệ trẻ. Ví dụ như làng gốm Phù Lãng hiện nay, thế hệ trẻ đã sáng tạo ra những sản phẩm trang trí nội thất rất được ưa chuộng như tranh gốm, bộ gốm phong thủy, hay những sản phẩm đế đèn, gạch, ngói hoặc bát đĩa gốm Phù Lãng. Đó là sự tùy biến với thị trường rất tốt mà Phù Lãng đã làm được. Tương lai nếu được đầu tư về giao thông và đẩy mạnh du lịch, thì Phù Lãng chắc chắn sẽ phát triển và mang về những giá trị kinh tế cho tỉnh nhà.
Xin cảm ơn chị!