Là một người trẻ năng động, sinh ra và lớn lên tại TP HCM, giữa những ngày thành phố giãn cách, Võ Quang Huy vẫn không ngừng sự bận rộn, khi vừa là một biên tập viên, một phóng viên hiện trường, đồng thời cũng là người dẫn chương trình truyền hình, từ thời sự, văn hóa, sự kiện, nhân vật… MC Võ Quang Huy chia sẻ về giải pháp cá nhân để đi qua những bất ổn giữa dịch bệnh.
1. Tôi vẫn nhớ một buổi trưa TP HCM bước vào những ngày thời tiết đỏng đảnh. Bữa trò chuyện với vài người bạn, người anh thân thiết về chuyện dịch giã giữa tiếng còi đều đặn của xe cứu thương trên phố. Thông tin thành phố giãn cách xã hội bật lên trên trang nhất của tất cả trang báo điện tử đột ngột như vậy. Cả nhóm nhìn nhau như cảm giác chuẩn bị quay lại những ngày… đón Tết 3 tháng trước, đan xen giữa điềm tĩnh bên ngoài cơ mặt và chút bồn chồn muốn trở về nhà sắm sửa ít nhu yếu phẩm cho an tâm. Trải qua 3 đợt giãn cách xã hội trước, với nhiều cấp độ siết quy định của UBND TP, bản thân một phóng viên vốn là “chân đi” thì gợn lên trong lòng hồi hộp về tiến độ công việc. Bởi lĩnh vực chuyên môn văn hóa - văn nghệ đã “đóng băng” từ đầu tháng 5 với quy định đóng cửa không gian giải trí tại TP, thì giờ đây, hạn chế di chuyển, giao lưu của 2 chỉ thị 15 và 16 áp dụng đặt thêm thách thức cho người làm nghề viết khai thác đề tài trong giai đoạn 15 ngày này. Song, đắn đo về tác nghiệp lại không xáo động bằng những suy nghĩ về gia đình, khi ba và em trai mình chuẩn bị học cách thích nghi với quy định tại Chỉ thị 16, giữa tâm dịch Gò Vấp. Bữa hàn huyên với nhóm bạn vào buổi trưa 30/5 cô quánh cảm xúc và ngồn ngộn câu hỏi liệu có nên trở về cùng gia đình cách ly xã hội hay theo đuổi 2 tuần cao điểm chống dịch của người dân Thành phố.
2. Lựa chọn “lang bạt” trong 2 tuần giãn cách xã hội để kịp ghi nhận tin tức phòng chống dịch bệnh khắp TP không dễ dàng. Song, ở mặt tích cực, mỗi đề bài tạo động lực để tôi tìm giải pháp tối ưu, như một hứng thú mới với công việc nhiều đặc thù di chuyển này. Sân khấu, rạp phim và nhiều “thánh đường nghệ thuật” khác đành ngủ yên chờ ngày bình thường mới thì những người làm nghệ thuật lặng lẽ mưu sinh với trăm công nghìn việc trái tay. Đấy trở thành nguồn đề tài mới để phóng viên tận tường soi ngòi bút của mình vào, sẻ chia với độc giả. Hay giữa những ngày TP.HCM tĩnh lặng nhất lại tỏa sáng hơn bao giờ hết tấm lòng của người dân đô thị này đùm bọc nhau từng miếng cơm, miếng cháo. Sự tử tế vốn dĩ của con người nơi đây để thích nghi với tình hình mới tự động tạo cảm hứng mạnh mẽ cho người phóng viên như tôi phải thay đổi phương cách làm việc, kể những câu chuyện giản dị mà phi thường trong tâm dịch.
3. Không ai vui vẻ hoàn toàn khi loay hoay nhiều ngày liền trong nhà. Nhưng một năm qua, đặc biệt sau đợt giãn cách xã hội toàn quốc tháng 4/2020, người dân Việt Nam tự củng cố tinh thần “Sống chung với dịch bệnh”, đến khi chiến dịch vaccine Covid-19 đạt hiệu quả miễn dịch cộng đồng. Do đó, tâm thế phải thích nghi luôn sẵn sàng. Khó khăn lớn hơn cho bản thân tôi là học cách vững tâm hơn cần thiết để động viên những người thân trong gia đình, những người bạn không giấu nổi hoang mang trong đợt dịch lần này.
Đến nay, tôi hít thở được nỗi sợ của một bộ phận người dân về kẻ thù vô hình mang tên Covid-19. Không được phép chủ quan, sơ suất phòng dịch song nỗi sợ trước thông tin lây lan virus đang trở thành một loại virus mới, tổn hại sức khỏe tinh thần của cộng đồng một cách đáng sợ. Do đó, động viên và phân tích thông tin cho bạn bè đang khủng hoảng ma trận thông tin cũng là cách tự học thích nghi với trạng thái sống hiện giờ. Ba tôi là người khá kín kẽ trong giao tiếp. Không cáu bẳn, gia giáo hẹp hòi nhưng lặng lẽ hơn hẳn từ nhiều biến cố gia đình. Covid-19 bùng lên hơn 1 năm qua lại thay đổi phần nào nếp sống của ông. Bởi ba chị em tôi bộn bề với các hạn nộp dự án, bài vở trên trường, các chỉ tiêu doanh số ngoài xã hội thì nỗi bồn chồn bản tính của một người làm cha càng gia tăng. Đợt dịch mới nhất và nguy hiểm nhất này có thể ập tới bất kỳ gia cảnh nào. Tôi không quên được ánh mắt và niềm hân hoan trong giọng nói của ông mỗi khi tôi gọi điện thoại quay hình về nhà để báo tình hình công việc tác nghiệp ngày chống dịch…
Khoảng thời gian này một năm trước, tôi và đồng nghiệp vẫn còn túm tụm bàn luận về câu chuyện lây nhiễm của một vài ca bệnh được đánh số. Bệnh nhân thứ bao nhiêu, đến từ đâu, có hợp tác để truy vết hay không. Tin nhắn râm ran về dịch bệnh đã tới quận mình sinh sống lúc ấy còn trở thành một đề tài nóng bỏng, đầy quan ngại.
Còn với đợt dịch thứ 4 này, có lẽ, chúng ta không thể nhớ hết thông tin và chi tiết ca bệnh bởi số lượng đã lên đến hàng nghìn. Địa điểm phong tỏa kiểm soát dịch cũng không thể nhớ hết. Ma trận và tần suất dày đặc của ca lây nhiễm mới không khó khiến con người hoang mang, đặc biệt những ai vẫn phải tất tả lao ra đường mưu sinh hằng ngày. “Bình tĩnh sống”, lời khuyên giản dị của cô Nguyễn Thanh Thúy trên một chương trình truyền hình 2017, có thể đã đủ để chúng ta tự dặn nhau hôm nay. Tôi may mắn hơn vạn người ở Việt Nam khi còn công việc và vẫn đủ thu nhập để trang trải mỗi ngày. Tôi không sợ hãi trước một loại virus mới, song không phải vì tôi tự tin khoản tiền tiết kiệm đủ để chữa trị khi lỡ nhiễm bệnh.
4. Tôi bình tĩnh sống giữa những ngày TP HCM bất ổn về tinh thần nhất chỉ vì những lúc tôi ngắm nhìn bên vệ đường với muôn hình vạn trạng cuộc đời vẫn tiếp diễn. Ở vòng xoay Hàng Xanh, quận Bình Thạnh; ông cụ nghễnh ngãng dọn một góc nhỏ bán vé số như mọi ngày. Việc đầu tiên ông làm với khách tới hỏi mua là…xịt tay sát khuẩn rồi mới bán, chắt chiu kiếm thêm để đủ bữa ăn hằng ngày. Tôi nhớ câu chuyện bé mọn như vậy để nhìn vào bức tranh lớn về cuộc chiến chống dịch. Chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 sẽ thành công nay mai. Còn hôm nay, dù khó khăn hay dễ tuyệt vọng, tôi và có lẽ mỗi chúng ta, vẫn tự dặn lòng “bình tĩnh sống”.